Chăm sóc trẻ bị sốt co giật tại nhà

17/12/2012 17:35

Lau người bé bằng nước ấm thay vì nước lạnh hay nước đá. Không được tìm cách dừng cơn co giật bằng các biện pháp như nặn chanh vào miệng hay đắp chăn cho trẻ.

Co giật do sốt là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ xảy ra khi trẻ bị sốt cao trên 39 độ C, thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 6 tuổi, đặc biệt khi có sự thay đổi thời tiết, khí hậu.

Khi trẻ bị co giật toàn thân, không ít bố mẹ thường rất bối rối nên có những xử trí sai lầm như lau người trẻ bằng nước đá, nặn chanh vào miệng trẻ, quấn chăn hoặc giữ chặt người bé, hoặc đè giữ chặt tay chân để tìm cách cắt cơn co giật…

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, do hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển đầy đủ, việc sốt cao thường kích thích đến não của trẻ và rất dễ dẫn đến co giật.



Sốt co giật thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Ảnh: bnjfamily.com

Do đó, bác sĩ Thắng đưa ra lời khuyên, khi trẻ bị sốt, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là nhanh chóng hạ sốt cho trẻ. Nên dùng khăn lau mát toàn thân cho bé và đắp khăn ướt ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như cổ, nách, bẹn. Khi lau không nên quá khô mà nên để da trẻ hơi ẩm, phần nước còn dính trên da sẽ bốc hơi làm mát trẻ.

"Lưu ý dùng nước ấm (nhiệt độ khoảng bằng nước tắm cho trẻ) thay vì nước lạnh hay nước đá. Khi dùng nước lạnh, nước đá thì mạch máu co lại, sờ bên ngoài có thể mát nhưng nhiệt bên trong cơ thể trẻ vẫn không giảm", bác sĩ Thắng cho biết.

Một số lưu ý khi trẻ đã lên cơn co giật:

- Bình tĩnh và không nên hốt hoảng vì đa số các cơn co giật chỉ kéo dài khoảng 1 đến 2 phút và ít khi gây hại đến sức khỏe của trẻ.

- Các cơn co giật tự nó sẽ dừng lại, không nên dùng các biện pháp để kìm chế cơn co giật như đè giữ chặt tay chân trẻ, quấn chăn vào người trẻ. Các biện pháp này không thể làm ngưng cơn giật mà lại có thể làm tổn thương cơ khớp của trẻ

- Tuyệt đối không nên vắt chanh hay đổ bất kỳ chất gì vào miệng trẻ vì sẽ gây nguy hiểm, làm trẻ bị sặc, ngộp thở, viêm phổi, mà hoàn toàn không làm dứt được cơn giật.

- Nếu có sẵn một vật tù tròn, không sắc cạnh, ví dụ như cây đè lưỡi bằng gỗ, và lúc này trẻ chưa cắn răng chặt, thì có thể để vào giữa hai hàm răng bé để khỏi cắn lưỡi. Nếu không có vật tù bằng gỗ thì thôi, không được dùng các vật có cạnh sắc vì sẽ gây tổn thương môi lưỡi trẻ. Hoặc nếu trẻ đã cắn chặt răng rồi, thậm chí đã cắn vào lưỡi, thì không cố gắng cạy răng trẻ để nhét vật gì vào vì sẽ không thể cạy được mà còn làm rách môi, nướu trẻ.

- Nên để bé nằm bình thường ở nơi thăng bằng, rộng rãi, không có các vật cứng, nhọn ở xung quanh. Trẻ nằm nghiêng một bên để dàm dãi nếu có sẽ chảy ra ngoài, không làm ngộp thở. Giữ thông thoáng mũi miệng, và thoáng khí cho bé dễ thở.

- Không để bé một mình hay tụ tập quá đông người xung quanh.

- Không cố gắng đánh thức trẻ đang ngủ sau cơn co giật.

- Trong trường hợp trẻ co giật không phải do sốt hoặc co giật do sốt cao nhiều lần thì cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Cần ghi nhớ thời gian bắt đầu cơn co giật và các biểu hiện của cơn giật (tay, chân, mắt, miệng thế nào) để mô tả lại cho bác sĩ, giúp xác định chính xác loại cơn giật và thời gian cơn co giật.


Theo Vnexpress - NT

Mới nhất
x
Chăm sóc trẻ bị sốt co giật tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO