Chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác khoáng sản
(Baonghean) - Nghị định số 203/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2014. Chiểu theo nội dung Luật Khoáng sản năm 2010 với thực trạng công tác quản lý, khai thác khoáng sản trong nhiều năm qua, có thể khẳng định việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một quyết sách đúng đắn và phải được thực hiện nghiêm túc...
Hầu hết các doanh nghiệp dù đồng tình với chủ trương thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng tỏ ra băn khoăn với những nội dung được quy định chi tiết tại Nghị định 203. Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp cho rằng, khi nắm bắt Nghị định 203, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp thực sự lo lắng. Ngày 1/3/2014, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp có Công văn số 02/CV-HDN gửi đến các cơ quan liên quan nêu lên những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định 203. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản tính theo trữ lượng địa chất. Bởi trữ lượng, sản lượng thực tế khai thác của các mỏ khoáng sản thấp thua hàng chục lần trữ lượng địa chất.
Bên cạnh đó, tiền thu cấp quyền được tính theo giá tính thuế tài nguyên là chưa thỏa đáng vì trong giá tính thuế tài nguyên, ngoài giá trị tài nguyên còn có hàng loạt chi phí khác như: chi phí thăm dò cấp phép, xây dựng cơ bản mỏ, lương nhân công, nhiên liệu, khấu hao máy móc thiết bị, chi phí quản lý...; Hệ số thu hồi khai thác khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác đối với phương pháp khai thác lộ thiên K1 = 0,9 chưa sát thực tế; Trước thời điểm Nghị định 203 được ban hành, tất cả các doanh nghiệp đều không đưa tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản vào chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, giá bán hàng, quyết toán thuế với Nhà nước, vậy nên, việc áp dụng thu tiền cấp quyền từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2011) khiến các doanh nghiệp thua lỗ...
Khai thác đá ở Châu Cường (Quỳ Hợp). |
Trong buổi tập huấn nghiệp vụ tính tiền khai thác khoáng sản được Bộ TN&MT tổ chức vào ngày 6/3/2014, trước các ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 203 của các tỉnh và của doanh nghiệp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ có trách nhiệm tập hợp ý kiến, từ đó sẽ tham mưu với Quốc hội, Chính phủ sao cho việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản áp dụng hợp lý, phù hợp với thực tế. Đồng thời, khẳng định Dự thảo Nghị định 203 được nghiên cứu từ năm 2010, thực hiện đúng quy trình, có lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp không thể không biết nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Luật Khoáng sản và đổ lỗi cho các cơ quan quản lý. Về vấn đề trữ lượng mỏ không chính xác, trong quá trình xin cấp phép khai thác, các doanh nghiệp tự chủ động về thăm dò trữ lượng. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm việc cấp phép được nhanh mà không quan tâm đến trữ lượng thực tế, bởi vậy dẫn đến trữ lượng “ảo”...
Ở Nghệ An, cho đến thời điểm hiện tại có 177 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có tới 127 doanh nghiệp được cấp phép từ năm 2009 đến tháng 6/2011 (Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011). Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, thậm chí sai phạm (năm 2010, Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng cấp phép hoạt động khoáng sản tại Nghệ An, tạm thời đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản tại 241 mỏ, đồng thời đình chỉ khai thác khoáng sản tại 54 điểm mỏ thuộc huyện Quỳ Hợp). Rõ ràng, nguyên nhân dẫn đến việc "trữ lượng ảo" được Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn chỉ ra là hoàn toàn có cơ sở, trong đó phần lớn là lỗi từ phía doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN & MT cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Thiên Sơn - khai thác đá xây dựng ở huyện Quỳ Châu; Công ty TNHH Minh Quang - khai thác đá xây dựng ở Quỳnh Lưu; Công ty TNHH Hải Quân - khai thác sét làm gạch ngói ở Yên Thành nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Sở TN&MT đã tính tiền cấp quyền khai thác cho Công ty TNHH Hải Quân, với số tiền là 94.269.000 đồng". Ông Toản cũng cho biết: Sở TN&MT đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến xác định trữ lượng; Quy định về việc hoàn trả tiền cấp quyền đối với các giấy phép điều chỉnh công suất hoặc trữ lượng; Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên các sản phẩm đá liên quan đến tính tiền cấp quyền cho phù hợp với thực tế. Ngày 11/3/2014, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tại Công văn số 1271 về việc tham mưu quyết định ban hành giá tính thuế tài nguyên. Vậy nên, song song với việc đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương nộp hồ sơ, hiện nay, Sở TN&MT đang cùng một số sở, ngành triển khai thực hiện xây dựng giá các loại khoáng sản".
Khu vực khai thác thiếc ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp |
Quy chiếu theo Luật Khoáng sản 2010, tại Điều 77 về "Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản" quy định: 1 - Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá; 2 - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản; 3 - Chính phủ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Như vậy, có thể thấy Nghị định 203 của Chính phủ là văn bản quy định chi tiết thực hiện Khoản 3, Điều 77 Luật Khoáng sản. Ý nghĩa, mục đích của Nghị định 203/NĐ-CP cũng được Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Trần Hồng Hà khái quát rằng, theo Hiến pháp, đất đai và tài nguyên dưới lòng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đó. Khi doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép khai thác thì quyền sở hữu tài nguyên khoáng sản đã chuyển sang cho doanh nghiệp. Bởi vậy, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải trả tiền cấp quyền khai thác là thể hiện sự công bằng xã hội.
Luật Khoáng sản 2010 được xây dựng với chủ trương không khuyến khích khai thác khoáng sản không tuân thủ quy hoạch, không có hiệu quả; chỉ khai thác khoáng sản khi đảm bảo tuân thủ quy hoạch thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản... Rõ ràng, Nghị định 203 ra đời để hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản là đúng lộ trình, cấp thiết, đảm bảo tính pháp lý, phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước, và thực sự là một cuộc cải cách công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Thực hiện Nghị định 203 là để có nguồn thu đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra; hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, nhỏ lẻ, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, không có khả năng cạnh tranh, từ đó quản lý tài nguyên khoáng sản có hiệu quả. Bởi vậy, các cơ quan liên quan cần tỏ rõ trách nhiệm, đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm Nghị định 203.
Hà Giang