Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT 21/06/2024 05:19

Đặt chân lên xứ "Nam Kỳ trực trị", Nguyễn Tất Thành mới tận mắt chứng kiến cách tổ chức cai trị, cách bóc lột tinh vi, tàn nhẫn của bọn tư bản Pháp. Và cũng chính từ đây, tại Bến cảng Nhà Rồng, có một người thanh niên Việt Nam yêu nước đã lên tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước trên thế giới để về giúp đỡ đồng bào mình. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu hành trình trên con đường cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

bến cảng nhà rồng đầu thế kỷ xx
Bến Nhà Rồng đầu thế kỷ XX. Từ nơi này, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Một sáng mùa Xuân năm 1911, thầy trò Trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận) không còn nghe tiếng còi kêu gọi tập thể dục của thầy giáo Nguyễn Tất Thành nữa. Thầy đã ra đi từ bao giờ! Trong phòng chỉ còn lại vài dòng tạm biệt đồng nghiệp và học sinh toàn trường. Thế là thầy đã đi xa! Học sinh Trường Dục Thanh nhớ mãi hình ảnh người thầy giáo trẻ với dáng cao thanh thanh, đôi mắt sáng long lanh đầy trìu mến, tóc cắt ngắn, ăn mặc giản dị với bộ bà ba trắng, thắt lưng màu hoa lý và có tình thương vô hạn với đàn em thân yêu.

Trong khi thầy trò Trường Dục Thanh đang bâng khuâng với cuộc chia ly bất ngờ, thì Nguyễn Tất Thành đã đặt chân lên xứ “Nam Kỳ trực trị”. Đó là một kết quả khả quan mà không phải ai cũng dễ dàng đạt được.

trụ sở tòa án ở sài gòn đầu thế kỷ 20
Trụ sở một tòa án ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu

Đối với tỉnh Bình Thuận lúc đó, Sài Gòn như là một nước khác, vào ra hết sức khó khăn. Ngay cả ông Phan Châu Trinh cũng đã có lúc phải nằm chờ chực hàng mấy tháng trời mà không vượt qua được ranh giới Bình Thuận - Sài Gòn. Sở dĩ Nguyễn Tất Thành qua được là nhờ đi ghe bầu theo ông Hồ Tá Bang, bạn cũ của ông Nguyễn Sinh Sắc hồi ở Huế; là người có công lớn trong việc thành lập “Liên Thành thương quán” và mở Trường Dục Thanh.

Đến thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm quen với những điều mới lạ của đất “trực trị” thuộc Pháp. So với những thành phố anh đã đi qua thì Sài Gòn quả là đồ sộ, sầm uất gấp nhiều lần. Nhịp sống nơi đây rất hối hả, căng thẳng. Chỉ có tới đây, Nguyễn Tất Thành mới tận mắt chứng kiến cách tổ chức cai trị, cách bóc lột tinh vi, tàn nhẫn của bọn tư bản Pháp. Đội ngũ những người làm thuê ngày càng đông đảo và có mặt trong tất cả các xưởng máy, xí nghiệp. Nguồn nhân công rẻ mạt ở đây chính là nguồn thu béo bở cho "bọn cá mập" tư bản Pháp.

Trên đường phố Sài Gòn đâu đâu cũng thấy nhan nhản những "ông Tây, bà đầm". Chính mắt Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến thái độ thô bạo của người Pháp đối với dân Việt, nhất là đối với phụ nữ. Ngay giữa chợ Bến Thành của Sài Gòn - mà người ta bảo là một thành phố Pháp - bọn người Âu gác chợ cũng giơ roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh, khỏi làm nghẽn lối.

Càng thâm nhập vào đời sống của các tầng lớp quần chúng lao động, Nguyễn Tất Thành càng xiết bao hy vọng ở “dân khí” của Nam Kỳ. Đời sống cực khổ dưới ách cai trị trực tiếp của thực dân Pháp làm cho tinh thần quật khởi của đồng bào Nam Kỳ càng thêm mạnh mẽ.

cây cầu mống
Cây cầu của hãng vận tải Messageries Maritimes (nay là cầu Mống). Ảnh tư liệu

Để sống và tìm cách đi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã phải làm nhiều công việc lao động chân tay trên đất Sài thành. Nơi anh thường tạm trú và qua lại nhiều lần là Bến cảng Nhà Rồng. Đó là cảng sông. Gọi là "Nhà Rồng" vì ở đây, trên nóc ngôi nhà của Sở Đại lý hàng hải Pháp có đắp hai con rồng chầu mặt trời.

Nguyễn Tất Thành rất chú ý đến các hãng tàu thủy. Có hai công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương. Đó là hãng Méxagiơri Maritim, còn gọi là hãng "Đầu Ngựa"; và hãng Sácgiơ Rêuyni, còn gọi là hãng "Nam Sao". Phân biệt hai hãng đó rất dễ dàng, anh chỉ nhìn ống khói các tàu vẽ hình đầu con ngựa hay hình năm ngôi sao. Anh được biết, hãng Nam Sao có dán nhiều quảng cáo in bằng hai thứ tiếng Pháp và Hán ghi hành trình của nó: Sài Gòn - Tuaran - Hải Phòng - Xinhgapo - Côlômbô - Ghibuti - Pôxaít - Mácxây - Boócđô - Lơhavơrơ - Đoongkéc.

Anh còn biết một điều rất hấp dẫn nữa là hãng Nam Sao có tuyển “bồi An Nam” để phục vụ hành khách trên tàu. Ý định của anh sớm muộn sẽ thực hiện được. Anh sẽ sang Âu châu, nơi có trào lưu tư tưởng tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển, để xem xét, nghiên cứu và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn.

Trưa 2/6/1911, anh ra Bến cảng Nhà Rồng. Tàu của hãng Nam Sao từ Tuaran (Đà Nẵng) vừa cập bến. Anh lên thẳng tàu Amiran Latusơ Tơrêvin xin việc làm.

Thoạt tiên, anh gặp ba người Việt Nam đang làm việc ở phòng ăn. Anh mạnh dạn trình bày nguyện vọng xin việc. Họ trả lời là không có việc làm, mà nếu có chăng nữa, họ cũng không có quyền nhận anh. Thấy họ cười và nói nhỏ với nhau điều gì đó, anh đoán biết ý nghĩ của họ: "Một người mảnh khảnh như thế kia thì có thể làm được công việc gì ở trên tàu này?". Anh đã hơi thất vọng. Nhưng rồi một người trong bọn họ, có vẻ mặt phúc hậu đã ân cần vỗ vai anh và bảo: "Hãy đi theo tôi, tôi sẽ dẫn cậu đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ có việc cho cậu làm".

Trông thấy anh, ông chủ tàu Lui Eđua Maisen (Louis E. Michell) hơi ngần ngại, vì đứng trước mặt ông là một chàng trai cao gầy, có dáng học trò hơn là người lao động, nhưng có vẻ mặt khôi ngô và đôi mắt rất sáng. Ông hỏi:

- Anh có thể làm được việc gì?

- Tôi có thể làm bất cứ việc gì!

Nghe câu trả lời dứt khoát, quả quyết, đầy tự tin của chàng trai, chủ tàu hứa:

- Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp, sáng mai, anh đến đây nhận việc.

Cái đêm trước ngày xa quê hương, đất nước, Tất Thành bồn chồn, thao thức, chỉ mong trời chóng sáng. Ngày mai sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời anh. Hoài bão ra đi để tìm con đường giải phóng dân tộc đã chất chứa trong lòng anh từ những tháng ngày ở Kinh đô Huế, nay mới có cơ hội thực hiện. Không có bạn đồng hành, anh sẽ sống và chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng đôi tay lao động và bằng trí tuệ, nghị lực của bản thân. Hoàn toàn tự nguyện dấn thân vào con đường bôn ba, mạo hiểm, anh không hề do dự, đắn đo. Tuy nhiên, trước lúc tạm biệt quê hương, đất nước, lòng anh không khỏi xao xuyến, bùi ngùi. Nghĩ về gia đình, lòng anh lại bồi hồi, thổn thức. Anh rất tiếc là chưa tìm được nơi ở của cha trước khi lên đường.

Anh cũng không rõ những nguồn tin về sự hoạt động của chị gái là Nguyễn Thị Thanh (Bạch Liên) và anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm (Tất Đạt) có xác thực hay không? Chuyến đi này của anh chắc là sẽ rất lâu dài, không thể biết đến bao giờ mới gặp lại được người thân...

Tảng sáng hôm sau (ngày 3/6/1911), Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba được nhận vào làm việc trên tàu. Bây giờ anh mới biết tên ba người Việt Nam mà anh đã gặp lần đầu tiên hôm qua. Đó là các anh Nguyễn Văn Hùm, Nguyễn Văn Ba và Bùi Văn Viên. Và cùng được tuyển vào làm trên tàu hôm ấy có bốn thanh niên nông thôn: Lê Quang Chi, Đặng Quan Rao, Nguyễn Tuân và Nguyễn Văn Tri.

nguyễn tất thành ra đi cứu nước
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại Bến cảng Nhà Rồng. Ảnh tư liệu: Tạp chí Cộng sản

Viên chủ tàu đã giữ lời hứa, giao cho Văn Ba làm phụ bếp. Là phụ bếp, mỗi ngày anh phải thức dậy trước 4 giờ sáng và từ đó đến 9 giờ tối, anh phải làm quần quật hết công này đến việc khác: nào quét dọn nhà bếp lớn, đốt lửa trong các lò; nào khuân vác than đá, xuống hầm lấy thực phẩm; nào rửa rau, chùi nồi chảo. Có khi, anh phải vác một bì nặng bước lên từng bậc thang trong khi tàu tròng trành... Suốt ngày, người anh đẫm mồ hôi và đầy bụi than. Tuy làm việc quá sức nhưng anh vẫn ôn tồn, nhẫn nại và vui vẻ. Đêm nào cũng vậy, cứ sau 9 giờ, xong công việc, mọi người túm tụm đánh bài, còn anh Ba lại miệt mài đọc và viết đến khuya.

Trước khi tàu rời bến, anh Ba chợt thấy ông Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông, cùng gia đình đi tàu hạng nhất. Ông đưa con sang du học tại Pháp; ông đã vào "làng Tây" (nhập quốc tịch Pháp). Ông gọi Văn Ba lại gần và ôn tồn khuyên bảo: "Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi! Con nên chọn nghề khác danh giá hơn...".

Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu. Chí anh đã quyết. Anh những muốn ông biết điều nung nấu mà anh đã từng nói với một người bạn:

Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta

Nguyễn Tất Thành

Đó là những ý tưởng đã chín muồi, là ước vọng vô cùng tha thiết từ lâu của Nguyễn Tất Thành. Hoài bão lớn lao đó đã tạo cho anh có niềm tin mãnh liệt, có nghị lực phi thường và có quyết tâm cao độ.

Một khi lòng căm thù bọn cướp nước và lũ bán nước đã sục sôi và tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đã cháy bỏng thì không một sức mạnh nào ngăn nổi bước chân người trai trẻ đi tìm đường cứu nước.

nguyễn ái quốc tham dự đại hội lần thứ 18 đảng xã hội pháp
Năm 1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh tư liệu: Tạp chí Cộng sản

Ngày 5/6/1911, sau khi điểm danh đủ 72 thủy thủ và nhân viên trên tàu và xin dấu chứng nhận vào sổ tàu, con tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin (Armiral Latouche Tréville) kéo một hồi còi dài, rời Bến cảng Nhà Rồng đi Singapore... sang Pháp.

Nguyễn Tất Thành đăm đăm nhìn vào bờ như muôn khắc sâu vào tâm trí hình ảnh cuối cùng trước giây phút từ giã Tổ quốc, quê hương muôn vàn nghĩa nặng tình sâu.

Như đại bàng tung cánh, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành sẽ vượt trùng dương đi khắp hoàn cầu để mong tìm con đường lý tưởng nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.

Như cánh chim không mỏi Bay khắp trời năm châu!...

Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO