Chất lượng mạng lưới thú y cơ sở - Bài 1: Nhận diện thực tế

23/04/2015 08:22

(Baonghean) - Lĩnh vực Thú y của Nghệ An vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất ngành chăn nuôi trong thời kỳ mới, nhiều vấn đề từ thực tiễn đòi hỏi phải sớm nâng cao năng lực về mọi mặt như công tác tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới thú y cơ sở...

(Baonghean) - Lĩnh vực Thú y của Nghệ An vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất ngành chăn nuôi trong thời kỳ mới, nhiều vấn đề từ thực tiễn đòi hỏi phải sớm nâng cao năng lực về mọi mặt như công tác tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới thú y cơ sở...

Địa bàn rộng; nhận thức... hẹp!

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, với quan điểm phát triển chăn nuôi theo lợi thế của tỉnh nhà, đến năm 2015, dự kiến đàn lợn đạt 1,15 triệu con, đàn gia cầm 17,5 triệu con, đàn trâu 310 ngàn con, đàn bò 410 ngàn con. Đến thời điểm này (năm cuối nhiệm kỳ), tất cả đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, toàn tỉnh có trên 500 trại chăn nuôi, trong đó có trên 200 trang trại chăn nuôi trâu, bò, trung bình nuôi từ 35 - 40 con trở lên, đặc biệt có 2 trang trại nuôi có quy mô chăn nuôi công nghiệp, đó là trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH nuôi trên 18.000 con bò sữa và trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk; có trên 189 trang trại chăn nuôi lợn và chăn nuôi dê, mỗi trang trại nuôi từ 50 con trở lên và rất nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm, chưa kể đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Cán bộ thú y xã Thạch Sơn (Anh Sơn) tiêm phòng bệnh cho bò.
Cán bộ thú y xã Thạch Sơn (Anh Sơn) tiêm phòng bệnh cho bò.

Tổng đàn lớn, số lượng trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi đứng chân trên địa bàn rộng và phân bố phức tạp, gây nên nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về thú y trên địa bàn. Những năm gần đây, một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên đàn gia súc, gia cầm thấp so với mặt bằng chung như các huyện Hưng Nguyên, Anh Sơn và một số huyện miền núi phía Tây khác, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, bệnh. Bên cạnh yếu tố khó khăn khách quan về địa hình như đã nói ở trên, khi tiếp xúc thực tế với các địa phương, nguyên nhân chính được đưa ra là do sự thiếu ý thức của nhiều người chăn nuôi.

Chúng tôi về huyện Anh Sơn đúng lúc địa phương đang triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả vụ xuân cho đàn trâu, bò, lợn. Ông Nguyễn Xuân Ưng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Anh Sơn cho biết, là một huyện “cửa ngõ” Quốc lộ 7 lên miền Tây Nam của tỉnh, giao thương có nhiều thuận lợi nhưng kéo theo những phức tạp trong quá trình kiểm soát dịch, bệnh gia súc, gia cầm. Trước đây, huyện Anh Sơn đã xảy ra nhiều đợt dịch lớn, bùng phát trên diện rộng như dịch lở mồm long móng năm 2009, hầu hết 21 xã, thị đều có vật nuôi nhiễm bệnh và gây hậu quả nặng nề. Nguyên nhân được đưa ra là do một thời gian dài trước đó, tỷ lệ tiêm phòng dịch, bệnh trên tổng đàn thấp, một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan, trốn tránh việc tiêm phòng trên gia súc, gia cầm, trong khi đó, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thả rông khá phổ biến, đến khi dịch bùng phát thì tỷ lây lan đàn rất cao, thời gian lây nhanh và khó khống chế, dập dịch.

Thế nhưng, dường như bài học ấy vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh một bộ phận người dân, bởi ngay chính tại đợt cao điểm tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vụ xuân năm nay, dù thông báo đã được phát đi rộng rãi và có lịch tiêm phòng từ đầu năm, nhưng nhiều hộ dân vẫn tỏ ra thờ ơ, cán bộ thú y cơ sở phải lặn lội đến từng gia đình thuyết phục, vận động. Thậm chí, nhiều hộ dân còn dong trâu, bò lên núi hoặc vào các gia trại, trang trại sâu trong rừng để … trốn, chỉ để lại một số ít trâu, bò “đại diện” tiêm phòng. Chưa kể, nhiều hộ còn bê trễ, “giao hẹn” với cán bộ thú y cơ sở, rằng đến hết năm, nếu không xảy ra dịch bệnh gì mới trả tiền tiêm phòng!

Nhiều huyện, thị khác cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Huyện Quế Phong có 14 xã, thị, địa bàn rộng với địa hình núi cao, đèo dốc, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Quế Phong: “Tỷ lệ tiêm phòng hàng năm khá thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 50% trên tổng đàn. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì quan trọng là nguyên nhân chủ quan từ phía người dân khiến cho công tác thú y trên địa bàn gặp rất nhiều hạn chế”. Ông Cường cho biết thêm, cái “lý” của một số hộ dân là dịch bệnh chẳng mấy khi xảy ra, mà nếu có xảy ra thì chắc gì đã trúng vào nhà mình! Họ còn lý luận, tiêm phòng phải mất tiền nhưng sau này, nếu gia súc, gia cầm chết vì dịch, bệnh thì số tiền Nhà nước hỗ trợ lại không bằng giá trị của vật nuôi (?!)…

Tiêm phòng bệnh cho vật nuôi là nghĩa vụ, đồng thời cũng là quyền lợi, nhưng hạn chế về nhận thức khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân chỉ làm đối phó, qua chuyện. Thực tế ấy đang gây khó khăn lớn cho công tác tiêm phòng dịch, bệnh gia súc, gia cầm trên nhiều địa bàn tỉnh.

Nhân lực: Thiếu và yếu!

Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm một cách bền vững, vai trò của đội ngũ thú y cơ sở rất quan trọng. Hơn ai hết, hàng ngày họ trực tiếp có mặt tại địa bàn thôn, xóm, bản để nắm bắt, theo dõi tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm. Khi có hiện tượng dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, họ sẽ kịp thời báo cáo, tham mưu cho chính quyền địa phương hướng xử lý. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn đang coi nhẹ “mắt xích” quan trọng này.

Thú y viên  xã Tào Sơn (Anh Sơn) nhận vắc-xin tụ huyết trùng cho đợt tiêm phòng vụ xuân.
Thú y viên xã Tào Sơn (Anh Sơn) nhận vắc-xin tụ huyết trùng cho đợt tiêm phòng vụ xuân.

Đội ngũ thú y cơ sở vừa thiếu, vừa yếu đang là thực tế đáng quan ngại trên địa bàn huyện Anh Sơn. Theo đó, ngoài Trạm Thú y huyện với cơ cấu 4 thành viên, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thú y, thì trên 21 xã, thị chỉ có cố định 21 thú y viên, còn con số những người hành nghề thú y tự do thì không thể thống kê được. Theo ông Nguyễn Xuân Ưng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Anh Sơn, không thống kê được là do số lượng người hành nghề thú y trên địa bàn giao động thất thường, họ không chịu sự ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm nào với chính quyền địa phương sở tại nên “thích thì làm, không thích thì nghỉ!” Tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay do cơ chế, chính sách dành cho đội ngũ thú y cơ sở quá bất cập, họ hoàn toàn không nằm trong định biên của Nhà nước, thậm chí họ còn không được nhận bất kỳ chế độ nào hàng tháng, vì tất cả phụ thuộc vào sự quan tâm của chính quyền địa phương. Hiện tại, chỉ có 1 thú y viên phụ trách xã là nằm trong hệ thống cán bộ bán chuyên trách của địa phương. Theo Quyết định 14 của UBND tỉnh, những người thuộc diện này được hưởng trợ cấp 0,8% mức lương tối thiểu, tương đương số tiền thực nhận 920.000 đồng/tháng. Ngoài ra, không có bất kỳ khoản phụ cấp nào thêm.

Đơn cử toàn xã Thạch Sơn có 7 xóm, trên 1.100 con trâu, bò, gần 1.700 con lợn và 2.500 gia cầm. Quản lý chung của tổng đàn gia súc, gia cầm ấy là bà Nguyễn Thị Dần (64 tuổi), thú y viên - cán bộ bán chuyên trách xã. Bà bày tỏ những trăn trở trong suốt 39 năm làm công tác thú y cơ sở: “Nghề thú y là nghề độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với chất thải động vật, môi trường nuôi nhốt, chăn thả ô nhiễm, lại nguy hiểm vì đối diện với vật nuôi hung hãn mỗi khi tiêm phòng, chữa trị bệnh, nhưng 39 năm nay tôi không được đóng bảo hiểm y tế. Phụ cấp hàng tháng từ 20.000 đồng những năm 1980, 1990 cho đến đầu năm 2015 mới được nhận 920.000 đồng/tháng”. Đoạn, bà chia sẻ, hiện nay bà đã quá tuổi nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng vẫn cố bám nghề một thời gian nữa do chính quyền địa phương vẫn có lời đề nghị bà ở lại, lẽ khác quan trọng hơn là nếu bà nghỉ, chưa có ai nhận công việc này.

Thú y viên thuộc diện cán bộ bán chuyên trách xã, dù khó khăn trăm bề nhưng dù sao vẫn có chút ít trợ cấp mà họ vẫn thầm xem là “tiền trách nhiệm” để gắn bó với công việc. Còn đội ngũ thú y ở thôn, xóm không có phụ cấp như chị Trần Thị Hoài, ở xóm 7, Thạch Sơn, đã 33 năm hành nghề thú y cơ sở, hầu như ngày nào cũng có người gọi. “Nhiều khi nản, lại thêm gia đình phản đối vì vất vả quá, tôi cũng toan bỏ nghề, nhưng rồi vì tình cảm xóm làng, vì suy nghĩ “chẳng lẽ mình được học nghề, có nghề mà thấy bệnh không chữa”, lại xách đồ nghề lên đường” – Chị Hoài tâm sự. Vô vàn kỷ niệm trong 33 năm hành nghề, như đi tiêm phòng vắc-xin bị trâu, bò giẫm đạp, phải chữa trị hàng năm trời, bị nhiễm trùng vết thương do tiếp xúc với chất thải và môi trường ô nhiễm…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn thừa nhận vai trò và trách nhiệm lớn của đội ngũ thú y viên cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, nhưng do địa phương không có kinh phí nên không có nguồn hỗ trợ. Trong các đợt tiêm phòng vắc-xin hàng năm, để động viên họ làm việc, xã có chủ trương thu tiền công trên mỗi vật nuôi được tiêm phòng, với mức 5.000 đồng/con. Số tiền đó chi trả cho cả tổ đi tiêm, gồm 3 người làm nhiệm vụ: ghi sổ, bắt giữ và người tiêm. Tiền chi trả thấp, nên mỗi định kỳ tiêm phòng, xã rất vất vả trong việc tìm nguồn nhân lực làm công tác này.

Không chỉ thiếu nhân lực, mà chất lượng nguồn nhân lực thú y cơ sở đang là vấn đề đặt ra nhiều năm nay. Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, đa số những người đảm nhiệm vai trò thú y viên ở các địa phương hiện nay có độ tuổi từ 30 - 60, hầu hết có trình độ trung cấp hoặc sơ cấp thú y từ những năm 1980, 1990. Vì không có lương, phụ cấp ít ỏi nên họ không tích cực trong công việc chuyên môn. Thậm chí, đã có tình trạng đội ngũ này cố tình giấu dịch để điều trị kiếm tiền, đến khi dịch lan rộng mới báo cáo, gây khó khăn trong việc tổ chức chống dịch và khống chế dịch bệnh.

Về chất lượng nhân lực, dĩ nhiên, không thể không tính đến yếu tố kinh nghiệm trong quá trình hành nghề, nhưng cùng với sự phát triển chung của thời đại, đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, tiếp cận nhạy bén với khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến ngày càng phức tạp, việc chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh và phác đồ điều trị cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao. Thực trạng nhân lực cán bộ thú y vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành Thú y tỉnh nhà, đòi hỏi phải có những giải pháp rốt ráo, những chiến lược dài hơi để góp phần xây dựng ngành chăn nuôi phát triển bền vững…

(Còn nữa)...

Xuân Hoàng - Phương Chi

Mới nhất

x
Chất lượng mạng lưới thú y cơ sở - Bài 1: Nhận diện thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO