Chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm

08/12/2011 19:43

Trong phiên họp buổi chiều 8/12, ngày làm việc thứ hai  kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVI, nghị trường trở nên “nóng” hơn với phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến tiến độ xây dựng nông thôn mới; tình hình phá sản, nợ xấu của doanh nghiệp, cắt giảm đầu tư công theo nghị quyết 11 của Chính phủ…

(Baonghean) - Trong phiên họp buổi chiều 8/12, ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVI, nghị trường trở nên “nóng” hơn với phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến tiến độ xây dựng nông thôn mới; tình hình phá sản, nợ xấu của doanh nghiệp, cắt giảm đầu tư công theo nghị quyết 11 của Chính phủ…

* Tiến độ xây dựng nông thôn mới chậm: Ban chỉ đạo nhận trách nhiệm trước dân

Mở đầu phiên chất vấn, ông Nguyễn Thọ Cảnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời các kiến nghị của cử tri về việc chậm tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo giải trình của Sở Nông Nghiệp & Nông thôn so với mục tiêu đặt ra là đến năm 2011 hoàn thành qui hoạch nông thôn mới 100% số xã thì đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 64/435 xã đã phê duyệt xong qui hoạch, đạt 14,7% và 34 xã đã hoàn thành giải ngân, đạt 7,8%.

Ngoài những nguyên nhân như xuất phát điểm thấp, một số tiêu chí chính phủ đặt ra quá cao, việc Ban chỉ đạo chương trình "đổ lỗi” do kinh phí hỗ trợ thấp, một số địa phương trong qui hoạch quá cầu toàn, nặng về hạ tầng, một số cán bộ, nhân dân còn mang nặng tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại…. đã bị một số đại biểu chất vấn lại. Đại biểu Lê Văn Cầm thẳng thắn “nói như vậy là chủ quan, phủ nhận cố gắng, nỗ lực của các địa phương”. Đại biểu Lữ Kim Duyên cũng đồng quan điểm và đề xuất với Ban thường trực là không nên cào bằng kinh phí hỗ trợ vì diện tích, dân số, điều kiện thực tế ở các xã là khác nhau.



Đồng chí Trần Hồng Châu điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Liên quan đến vấn đề qui hoạch, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chất lượng qui hoạch và năng lực tư vấn bởi hiện nay nhiều địa phương xảy ra tình trạng sao chép qui hoạch giữa xã này với xã khác. Đại biểu Lô Văn Vinh còn nêu ví dụ trên địa bàn huyện Quế Phong có 7/7 xã mời tư vấn Trung ương lập qui hoạch hiện đã hoàn thành còn 5 đơn vị mời nhà tư vấn Nghệ An lại chưa hoàn thành, điều này là do trình độ chuyên môn hay do trách nhiệm đối với cơ sở?

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hiền đặt câu hỏi việc bắt buộc qui hoạch sân vận động, nhà văn hóa, chợ nhưng thực tế nhiều địa phương không có quĩ đất thì giải quyết như thế nào? Trả lời chất vấn cử tri, Ông Nguyễn Thọ Cảnh giải thích nguồn kinh phí hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới phải căn cứ theo qui định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mặc dù mức hỗ trợ của Chính Phủ chỉ 50 triệu đồng/1 xã nhưng Ban chỉ đạo chương trình đã cố gắng trình UBND tỉnh giải quyết thêm 50 triệu nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.



Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc trả lời bổ sung một số vấn đề liên quan đến điều hành của UBND tỉnh.

Về sao chép qui hoạch, ông Cảnh khẳng định là có hiện tượng này nhưng ngoài lỗi của nhà tư vấn còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác nghiệm thu. Về các tiêu chí sân vận động và nhà văn hóa là bắt buộc, các địa phương phải chủ động tìm giải pháp qui hoạch phải đất phục vụ cho công trình này chứ không lệ thuộc vào hiện trạng hiện nay, riêng về chợ có thể căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh. Nhà tư vấn chỉ đóng vai trò hướng dẫn còn chính quyền địa phương phải quyết định chủ trương ở đâu qui hoạch chợ, ở đâu qui hoạch vùng sản xuất.. để nhà tư vấn làm theo chứ nhà tư vấn không phải là người định ra để địa phương thực hiện. Nếu các xã đều làm tốt công tác tổ chức thẩm định, xin ý kiến người dân, khảo sát hiện trạng trước khi qui hoạch thì chất lượng qui hoạch sẽ tốt.

Để khắc phục những tồn tại hiện nay nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu đề nghị Ban chỉ đạo chương trình nông thôn mới nên đưa ra những giải pháp thật cụ thể, nhất là đối với các chỉ tiêu khó đạt hiện nay như mức thu nhập bình quân hay cơ cấu lao động. Một số ý kiến đề xuất như nên xây dựng mỗi địa phương một mô hình điểm kể cả vùng đồng bằng, miền núi, khó khăn để các đơn vị học hỏi lẫn nhau; xây dựng các định hướng riêng phù hợp với tình hình thực tế của từng nhóm địa phương vì xuất phát điểm mỗi đơn vị khác nhau… đã được ông Nguyễn Thọ Cảnh tiếp thu và cho biết, trong thời gian tới sẽ cùng Ban chỉ đạo rà soát và có hướng giải quyết cụ thể.

Qua phần chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Trần Hồng Châu kết luận chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng điểm quốc gia và của đại hội tỉnh Đảng bộ. Việc không đạt so với mục tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra trước hết, Ban thường trực phải nhận trách nhiệm trước dân vì công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chưa tốt, chưa quyết liệt. HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và cơ quan tham mưu phải xác định rõ mốc thời gian, tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành mục tiêu đã đặt ra về xây dựng nông thôn mới; quan tâm công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc tạo sự chuyển động chung trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân.

Cần những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ về tình hình các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, dẫn đến không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng mã số thuế, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; tình trạng các công trình đã đầu tư, nay tạm dừng do phải thực hiện cắt giảm đầu tư theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, có 7 đại biểu đã nêu ý kiến, tuy nhiên chỉ có 2 đại biểu nêu trúng thẩm quyền trách nhiệm của Sở.







Đại biểu các huyện Quỳnh Lưu, Tương Dương và Nghi Lộc chất vấn tại kỳ họp.

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Lữ Kim Duyên (Tương Dương), đề nghị Giám đốc Sở KH-ĐT trả lời những giải pháp để tiếp tục thực hiện các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh như trạm y tế, trường học, đường giao thông đang tạm ngừng đầu tư hiện nay. Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng: Ngân sách của tỉnh rất là nhỏ bé, nợ nần chủ yếu đối với các công trình hiện nay là gồm các dự án thuộc nguồn vốn của Trung ương. Vì vậy, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư cần tiếp tục chủ động làm việc với các bộ, ngành trung ương để bảo vệ cho bằng được phương án đã trình trung ương về nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và trái phiếu Chính phủ. Đồng thời chủ động rà soát để có giải pháp phù hợp cho từng dự án, công trình theo từng đối tượng trung ương đã quy định, để khi có vốn là phân bổ triển khai kịp thời. Giám đốc Sở KH-ĐT cũng nhấn mạnh: Hướng giải quyết có một số công trình sử dụng vốn ngân sách có 3 phương án giải quyết, nếu không đủ vốn thì dừng đầu tư hoặc chuyển chủ đầu tư, hay chuyển hình thức các doanh nghiệp ứng vốn để làm trước.

Liên quan đến việc tháo gỡ tình trạng các công trình đã đầu tư, nay tạm dừng do phải thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đại biểu Phạm Anh Tuấn (Quỳnh Lưu) đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm của mình đã có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp? Trả lời ý kiến này, Giám đốc Nguyễn Văn Độ, cho rằng: Thời gian qua, Sở đã tập trung cải cách mạnh mẽ đăng ký đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp không cần đến Văn phòng Sở cũng có thể làm thủ tục đăng ký. Sở cũng đã thống nhất đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2015, trong khi có việc thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên trong khi chưa thành lập được Trung tâm này thì Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh chức năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Về một số nội dung được các đại biểu HĐND tỉnh nêu không thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được đồng chí Hồ Đức Phớc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bổ sung, làm rõ. Ví dụ, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nếu các địa phương có quỹ đất thì có thể tổ chức đấu giá thông thường, khi doanh nghiệp trúng thầu thì nộp tiền vào, nộp vào chừng nào thì cắt tiền chừng đó để các doanh nghiệp quay vòng vốn đầu tư. Vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là ngân sách hỗ trợ từ Trung ương, trong khi đó nguồn đó cũng hết sức khó khăn. Cho nên, mục tiêu của tỉnh là ưu tiên bố trí vốn tập trung trả nợ các công trình; các công trình đã hoàn thành; các công trình dở dang thiếu vốn, còn lại là các công trình an sinh xã hội. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách giảm giá tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu, trái phiếu Chính phủ. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Quỹ phát triển tài chính của địa phương, khi có lãi thì đầu tư cho các doanh nghiệp và xóa đói, giảm nghèo.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: Sau kỳ họp này sẽ giao cho các ngành rà soát lại các công trình cấp thiết, khi có vốn từ Chính phủ sẽ phân bổ nguồn này để tập trung hoàn thành dứt điểm các công trình. Quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh đối với phát triển Khu kinh tế Đông Nam không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các địa phương nằm trong Khu kinh tế; nếu nhà dân cần sửa chữa vẫn được sửa chữa, nhà văn hóa của các thôn, xóm cần xây vẫn được xây.

Kết luận nội dung chất vấn này, đồng chí Trần Hồng Châu chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm những tiêu cực đối với các doanh nghiệp bị đổ vỡ. Tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; định hướng việc sắp xếp lại các doanh nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh rà soát lại các danh muc đầu tư để ưu tiên đầu tư vốn trong năm 2012, hạn chế những công trình phát sinh mới. Tích cực khai thác các nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.

Tuy vẫn còn một số vấn đề chưa được giải đáp thật sự thỏa đáng, nhưng nhìn chung không khí làm việc tại hội trường đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trước cử tri cũng như sự chuẩn bị khá chu đáo của lãnh đạo các ngành chức năng được chất vấn lần này.


Mai Hoa- Khánh Ly - Ảnh: Sỹ Minh

Chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO