Châu Âu lo sợ khi Nga rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Mỹ
Việc Nga tuyên bố ngừng tuân thủ INF khiến nhiều người nhớ lại không khí căng thẳng bên bờ vực xung đột hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh.
Căn cứ Buechel tại Đức, nơi Mỹ lưu trữ nhiều đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Wikipedia. |
Bà Elke Koller, dược sĩ nghỉ hưu, chọn một nơi yên tĩnh với những ngọn đồi xanh bát ngát ở khu vực Eifel, miền tây nước Đức để an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, căn nhà của bà lại nằm gần một kho vũ khí hạt nhân thuộc căn cứ liên hợp Mỹ - Đức đến mức nếu chúng phát nổ, bà sẽ bốc hơi trong tích tắc.
"Nơi này thật đẹp, tôi không biết đến sự tồn tại của những quả bom bởi đó là bí mật quân sự. Khi phát hiện ra, tôi nghĩ 'quân đội sẽ không cần dùng đến chúng và số bom này sẽ được chuyển đi sau vài năm'", Koller nhớ lại. Tuy nhiên, đã 25 năm trôi qua, các đầu đạn hạt nhân không biến mất mà ngày càng trở nên nhiều hơn.
Bóng ma chạy đua vũ trang hạt nhân đã trở lại trong bối cảnh cả Mỹ và Nga đều rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Đi kèm với đó là câu hỏi về việc châu Âu có nên chấp nhận cho Mỹ triển khai thêm nhiều đầu đạn hạt nhân ở ngay sát nách nước Nga hay không.
Phần lớn người dân châu Âu đều không ủng hộ leo thang căng thẳng với Nga. Đề nghị cho phép cất trữ, sẵn sàng triển khai các loại bom và tên lửa mới của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng dữ dội, đồng thời phơi bày rạn nứt trong liên minh vốn đã căng thẳng vì hoài nghi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người đồng cấp châu Âu. Nga có thể khai thác sự chia rẽ này.
"Tình hình hiện nay rất rõ ràng. Ngoài Ba Lan và có thể một vài nước khác, không quốc gia châu Âu nào tình nguyện triển khai thêm vũ khí hạt nhân tầm trung trên lãnh thổ của mình", Otfried Nassauer, chuyên gia tại Trung tâm Thông tin An ninh Xuyên Đại Tây Dương (ICTS) ở Berlin, nhận định.
Nga và Mỹ trên lý thuyết vẫn có 5 tháng để cứu vãn INF, nhưng không nước nào tỏ ra lạc quan về triển vọng này. Một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai siêu cường hạt nhân sẽ khiến bức tranh giải giáp vũ trang toàn cầu thêm ảm đạm, trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran bên bờ vực sụp đổ, các cuộc đàm phán Mỹ - Triều chưa đạt được tiến bộ rõ rệt và hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ - Pakistan không ngừng đe dọa lẫn nhau.
Động thái rút khỏi INF của Nga và Mỹ cũng khiến người dân châu Âu một lần nữa phải sống trong nỗi ám ảnh của chiến tranh hạt nhân. Trong thập niên 1980, Mỹ liên tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân, trong khi các nước châu Âu sẵn sàng cho triển khai chúng trên lãnh thổ để đối phó Liên Xô, khiến họ trở thành tuyến đầu trong xung đột luôn có nguy cơ bùng nổ giữa hai siêu cường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ điều này. Sự xuất hiện của hàng nghìn tên lửa hạt nhân khắp châu Âu đã khơi mào các cuộc biểu tình rầm rộ vào thời điểm đó. Chỉ đến khi Mỹ ký hiệp ước INF với Liên Xô năm 1987 và Liên Xô tan rã năm 1991, mối đe dọa hạt nhân ở châu Âu mới giảm đáng kể.
Ngày nay, dù vẫn là cường quốc hạt nhân, Pháp và Anh đã cắt giảm đáng kể kho vũ khí. Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ mà không vi phạm INF.
20 quả bom hạt nhân đang được lưu giữ một cách bí mật tại căn cứ liên quân Mỹ - Đức ở thị trấn miền tây Buechel. "Khi tôi nói rằng mình sống gần những quả bom nguyên tử, mọi người cho rằng tôi đang đùa. Họ khẳng định 'Đức làm gì có vũ khí hạt nhân'", Koller nói.
Washington và Berlin chưa bao giờ công khai thừa nhận sự tồn tại của những vũ khí này, nhưng cũng không bác bỏ các đồn đoán về chúng. Các tiêm kích Tornado Đức, vốn có nhiệm vụ mang vũ khí hạt nhân khi nổ ra chiến tranh, lướt qua đầu Koller mỗi ngày để huấn luyện và tuần tra.
Biên đội tiêm kích Tornado bay qua căn cứ Buechel. Ảnh: USAF. |
Koller đã vận động loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi khu vực từ năm 1990, với hàng trăm lần biểu tình bên ngoài căn cứ Buechel. Tuy nhiên, đây dường như là cuộc đấu tranh đơn độc khi phần lớn hàng xóm chỉ miễn cưỡng ủng hộ bà, một số còn tỏ thái độ hằn học và cho rằng cần duy trì căn cứ quân sự để tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế trong vùng.
"Khi tôi đến quán bar, mọi người bảo ý tưởng của tôi là điên rồ và đang hủy hoại công ăn việc làm của họ. Họ không muốn thừa nhận rằng vũ khí nguyên tử là mối đe dọa với toàn thể nhân loại", Rüdiger Lancelle, giáo viên nghỉ hưu 79 tuổi và là nhà hoạt động phản đối vũ khí hạt nhân, nói.
Tuy nhiên, những dấu hiệu lo ngại đang gia tăng sau khi Mỹ và Nga đều tuyên bố rút khỏi INF. Các cuộc biểu tình bên ngoài căn cứ ở Buechel xuất hiện ngày càng nhiều với sự tham gia của thanh thiếu niên, những người được coi là nguồn năng lượng mới trong phong trào vốn chủ yếu gồm người cao tuổi.
"Với thế hệ của chúng tôi, chiến tranh hạt nhân là điều gì đó rất xa xôi, nhưng sự thực không hẳn là vậy", Clara Tempel, một công dân 23 tuổi, cho biết. Tempel bị giam một tuần do đột nhập vào căn cứ quân sự trong cuộc biểu tình năm ngoái. Quân đội Đức đang xây dựng hàng rào an ninh cao và kiên cố hơn quanh căn cứ Buechel với chi phí khoảng 12 triệu USD nhằm ngăn các hành động tương tự.
Người biểu tình phản đối việc cất trữ vũ khí hạt nhân ở Buechel. Ảnh: Wikipedia. |
Quyết định rút khỏi INF của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy phong trào phản đối hạt nhân ở Đức. Trong một cuộc khảo sát thực hiện đầu năm nay, chỉ 10% người Đức được hỏi tin tưởng ông chủ Nhà Trắng đang làm điều đúng đắn cho thế giới.
"Tái vũ trang hạt nhân gây phản ứng rất tiêu cực ở Đức, trong đó Trump là tâm điểm của mọi chỉ trích", Christian Molling, chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, đánh giá.
Trong cuộc bầu cử Đức năm 2017, đảng Dân chủ Xã hội trung tả cố gắng tận dụng suy nghĩ này với lời cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân ở Buechel. Giờ đây, với tư cách là một đảng trong liên minh chính phủ, họ cho biết sẽ phản đối mọi nỗ lực triển khai tên lửa hạt nhân ở Đức, trong khi đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền khẳng định mọi lựa chọn vẫn để ngỏ.
Hiện trạng này vẫn được giữ nguyên. Điều đó khiến Walter Schmitz, thị trưởng thị trấn Cochem, địa điểm nằm gần căn cứ không quân Buechel nhất, cảm thấy hài lòng. Thị trấn có dân số 5.000 người và chỉ cách căn cứ quân sự khoảng 20 phút lái xe. Schmitz cho biết chính quyền thị trận không có bất cứ kế hoạch khẩn cấp nào trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc chiến tranh hạt nhân.
"Về cơ bản, vũ khí nguyên tử rất tệ. Chúng là vũ khí hủy diệt và chúng ta nên loại bỏ. Tuy nhiên, việc đối thủ sở hữu chúng khiến các đồng minh phương Tây cũng cần duy trì kho vũ khí tương đương. Đó là cái giá phải trả cho hòa bình", Schimitz cho biết.