“CHẠY VIỆC”: Chạy ai, ai chạy?

(Baonghean) - Chuyện “chạy việc” đã nghe nói từ lâu, đã có nhiều người bị mất tiền, trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo. Cũng có không ít kẻ nhận tiền “chạy việc” bị bắt về tội lừa đảo. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra mấy trăm triệu đồng để mong có một công việc cho con em mình.

Ai nhận “chạy việc”?

Qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Phượng, ở khối Tân Tiến, Hưng Bình, Thành phố Vinh để nhờ “chạy việc” cho đứa cháu. Qua tìm hiểu, nhiều người cho biết, bà “quan hệ rất rộng, có thể “chạy” được nhiều công việc ở các cơ quan nhà nước”. Khi đã yên vị trên bộ ghế salon gỗ, người phụ nữ trạc tuổi 50 tiếp chuyện tôi cầm lấy hai bộ hồ sơ tôi mang theo, gồm một học ngành y ở Hà Nội và một tốt nghiệp thạc sỹ xây dựng ở nước ngoài săm soi xem xét từng loại giấy tờ. Tranh thủ quan sát trong nhà, tôi phát hiện ở phía trên mặt tủ còn có mấy bộ hồ sơ xin việc ai đó vừa tới. Sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng, bà rút điện thoại ra gọi cho một người ở Hà Nội.

Sau khi kết thúc cuộc đàm thoại, bà khẳng định: “Việc lo cho hai đứa cháu này là chuyện nhỏ”. Như củng cố thêm lòng tin với tôi, bà ta đưa ra mấy cọc tiền, mỗi cọc có kẹp thêm ba tấm ảnh 4 x 6, loại dùng cho hồ sơ xin việc và khoe: “Mấy người này chuẩn bị có quyết định đi làm, hôm nay đưa tiền đi giao để nhận quyết định về”.

Còn đối với hai hồ sơ của cháu tôi, bà ra giá rõ ràng: Hồ sơ học Y, nếu đồng ý làm điều dưỡng tại bệnh viện B, có giá 210 triệu đồng;  Hồ sơ học xây dựng, làm ở Sở X giá 300 triệu đồng. Tất cả đều phải nộp trước 200 triệu đồng. Tôi đồng ý và xin phép ra về để chuẩn bị tiền.

Tiền cọc, kẹp ảnh phía trên của bà Phượng.

Thực hư về mối quan hệ của bà Phượng và tính hiệu quả trong việc “chạy việc” như thế nào thì chưa được kiểm chứng. Nhưng qua tìm hiểu, tôi được biết có không dưới 10 người đã nộp hồ sơ và tiền cho bà để “chạy”. Nhiều người đã chờ đợi đến hàng năm, nhưng vẫn chưa được nhận vào cơ quan nhà nước. Để làm rõ thêm, tôi tìm đến nhà cháu S ở đường Nguyễn Duy Trinh (TP Vinh). Chị N, mẹ cháu nói với tôi như mếu: “Tôi nộp hồ sơ của cháu, kèm thêm 160 triệu đồng cho bà Phượng để nhờ “chạy” vào làm việc tại trung tâm  C, nhưng đã hơn một năm nay cháu vẫn chưa được đi làm”. Rồi chị đưa cho tôi xem tờ giấy nhận tiền của bà Phượng viết trong đó ghi rất rõ: “...Tôi sẽ giúp cho cháu từ học việc, đến xét tuyển, đến hợp đồng và đến biên chế (giúp từ A đến Z) ...”. Tờ giấy biên nhận này được viết từ ngày 27/6/2012.

Giấy nhận tiền “chạy việc” của bà Phượng

Ai phải “chạy việc”?

Khi chứng kiến những câu chuyện này, tôi không khỏi thắc mắc: Phải bỏ ra mấy trăm triệu để chạy việc, chưa kể chi phí cho mấy năm học đại học nữa, vậy nếu được đi làm với mức lương chỉ trên dưới 2 triệu đồng, thì biết đến khi nào mới lấy lại số vốn đã bỏ ra để chạy việc? Nhưng tại sao mọi người vẫn chấp nhận và coi điều đó như một ân huệ? Đem băn khoăn này đi hỏi những người đang “chạy việc” cho con, nhận được câu trả lời: “Cần phải có một công việc ổn định và chắc chắn ở cơ quan nhà nước”... Ra vậy, bởi tâm lý phải là người nhà nước, ổn định với công việc nên người ta không ngần ngại đánh cược, để “chạy việc”.

Mỗi năm, lao động dư thừa tại tỉnh Nghệ An chưa được thống kê một cách chính xác, nhưng chắc chắn rất nhiều. Chỉ tính riêng Trường Đại học Vinh, số sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm gần 4000, trong đó có 60% là sinh viên của tỉnh Nghệ An. Có nghĩa là mỗi năm có 2400 sinh viên Trường Đại học Vinh người Nghệ An tốt nghiệp ra trường, chưa kể ở các trường khác trên cả nước nữa. Theo số liệu của Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An thì số sinh viên đậu vào các trường đại học, cao đẳng năm 2010 – 2011: 21588 sinh viên; năm 2011- 2012 là 22050 sinh viên. Đây quả thực là con số để không hổ danh tỉnh Nghệ An là đất học. Các trường đại học đào tạo ra thì nhiều như vậy, nhưng nhu cầu sử dụng thì quá ít. Theo số liệu của Sở Nội vụ Nghệ An cung cấp, số công chức được tiếp nhận vào các cơ quan, đơn vị nhà nước trong năm 2011 và năm 2012 là 146.

 Đem con số 21588 sinh viên, so sánh với số 146  thì đúng đây là tỷ lệ “chọi” khá căng thẳng và cam go. Vậy số còn lại không được vào công chức sẽ đi đâu, làm gì? Đây chính là điều khiến cho nhiều người vẫn phải “chạy việc”, mặc dù chưa biết có “chạy” được hay không nữa.

Rõ ràng, “chạy việc” xuất phát từ sự chênh lệch quá lớn giữa nhu cầu sử dụng nhân lực và số lượng người được đào tạo. Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng rõ ràng lỗi của các bậc cha mẹ cũng rất lớn, khi vẫn còn tâm lý “trọng thầy, khinh thợ”. Và còn là lỗi của các cơ quan chức năng khi chưa dự báo được nhu cầu lao động xã hội, dẫn đến chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bị bất hợp lý, cung vượt quá cầu.

Qua những gì tôi được nghe, được thấy và suy ngẫm thì rõ ràng không thể nói rằng, việc người ta bỏ tiền ra để “chạy việc” là dại, không có cơ sở để tin, bởi tất cả đều có nguyên do để tạo nên niềm tin đó. Còn nhớ trong cuộc họp ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng: “Trong bộ máy của chúng ta có 30% số công chức không có cũng được. Bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” không mang lại bất cứ một thứ hiệu quả công việc nào”   

Riêng ở tỉnh Nghệ An vừa qua, Sở Nội vụ Nghệ An lập đoàn thanh tra công tác tuyển dụng, công chức nhà nước ở một số sở, cơ quan đơn vị nhà nước trong toàn tỉnh. Kết quả thanh tra phát hiện rất nhiều trường hợp có dấu hiệu sai phạm về nguyên tắc tuyển dụng công chức, nên buộc phải hủy bỏ quyết định tiếp nhận. Có nhiều người đặt câu hỏi: “Với chất lượng công chức như hiện nay và cách thức tuyển dụng sai nguyên tắc như vậy, liệu có hay không mối liên hệ với vấn đề “chạy việc”?

Còn nhớ năm 2012, tại Thành phố Vinh, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giam đối với ông Bùi Xuân Lâm, lúc đó là Phó Giám đốc Trung tâm VH - TT tỉnh, với tội danh “Lừa đảo”. Đây cũng là người “chạy việc” nổi tiếng một thời mà đến khi bị bắt, Lâm đã gian dối nhận chạy việc làm cho 195 người và hứa chạy 11 công trình cho các doanh nghiệp được chỉ định tư vấn, giám sát, thi công với tổng số tiền lừa đảo gần 10 tỷ đồng. Cá biệt, trong nạn nhân, còn có cả người công tác trong ngành bảo vệ pháp luật. Thế mới biết, trở thành “người nhà nước” vẫn là áp lực đối với nhiều người, chính vì vậy nên người ta dễ dàng bị mắc lừa đến thế.

Hình ảnh bà Phượng mắt nhìn hồ sơ, miệng liến thoắng nói về thi tuyển công chức như chính bà là người trong cuộc, và những lá đơn chúng tôi nhận được, gửi đến các cơ quan chức năng để nhờ giúp đỡ, lấy lại tiền “chạy việc” của các nạn nhân hiện ra. Tôi tự hỏi, thời gian tới đây có thêm cò “chạy việc” nào bị bắt vì tội lừa đảo nữa không? Mong các gia đình, các bạn trẻ hãy cẩn trọng. Và quan trọng nhất, hãy nhận ra rằng: Công chức nhà nước không phải con đường duy nhất để tồn tại, mà còn rất nhiều sự lựa chọn khác nữa.

Bài, ảnh: Thế Quân

tin mới

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. 

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.