Chế tạo nhiên liệu máy bay từ bã mía
Loại dầu diesel mới này sẽ giúp giảm khí thải carbon và không gây ảnh hưởng nhiều đến đất trồng cây lương thực khác.
Nhiên liệu sinh học sản xuất từ bã mía giúp cắt giảm khí thải nhà kính. Ảnh: Science Alert |
Theo Science Alert, trên thế giới mỗi ngày có 8 triệu người đi lại bằng máy bay và con số này không ngừng gia tăng. Năm 2012, lượng carbon ngành hàng không thải ra chiếm 2% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu. Do đó, giới khoa học đang nghiên cứu các loại nhiên liệu thay thế mới, thay thế nhiên liệu truyền thống.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California, Mỹ đã nghĩ ra cách sản xuất dầu diesel bằng cách sử dụng sinh khối bã mía. Theo đó, họ sẽ dùng nước nóng để loại bỏ đường trong mía, sử dụng chất xúc tác MgO và Nb2O5 để chuyển hóa bã mía thành dầu diezel.
Các nhà khoa học từ lâu vẫn tìm kiếm một nguồn nhiên liệu sinh học hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu của các máy bay công suất lớn, đòi hỏi nhiều tiêu chí nghiêm ngặt về trọng lượng, khối lượng riêng, độ bôi trơn.
Nhiên liệu mới này đáp ứng đủ tất cả các tiêu chí cần thiết trên, BBC hôm 8/6 dẫn lời giáo sư Alexis Bell, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Ngoài ra, do mía sinh trưởng trên đất nghèo dinh dưỡng nên sẽ không ảnh hưởng đến đất trồng cây lương thực khác.
"Nếu dùng củ cải đường thay cho mía, sẽ tiềm tàng mối nguy với cây lương thực," Bell nói. "Sử dụng mía, đặc biệt mía trồng ở Brazil, khu vực không có đất trồng cây lương thực, chúng tôi giải quyết được bài toán khó này."
Nghiên cứu do công ty xăng dầu Anh BP tài trợ, đang chờ cấp bằng sáng chế. Trong tương lai, quá trình sản xuất sẽ được ứng dụng trong sản xuất dầu mỡ bôi trơn trước khi chế tạo nhiên liệu sạch cho động cơ máy bay.
Theo VnExpress