Chi phí Logistics của Việt Nam đang quá cao!

TS.Nguyễn Minh Phong 21/04/2018 15:17

(Baonghean) - Dù ra đời chưa lâu nhưng logistics đã dần khẳng định vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế nước ta: Lợi nhuận cao lên đến hàng tỷ đô mỗi năm, là 1 trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên và hỗ trợ phát triển, đồng thời đang là dịch vụ kinh doanh hấp dẫn của nhiều công ty khác nhau trong và ngoài nước.

Mới đây trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt quyết tâm phát triển dịch vụ logistics Việt Nam xứng tầm khu vực và thế giới.

Theo Luật Thương mại, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc, bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng, xử lý hàng hư hỏng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Nếu logistics làm tốt sẽ đảm bảo dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn nhưng lại hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

WB xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước, đứng thứ 4 ASEAN. Ảnh Internet
WB xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước, đứng thứ 4 ASEAN. Ảnh Internet

Theo đúng lộ trình cam kết WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho ngành dịch vụ logistics từ ngày 11/1/2014, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài đã được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng các dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa. Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 và đứng thứ 4 trong ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan), với chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 25% GDP hàng năm, cao hơn đáng kể so với Thái Lan (19%) và Singapore (8%).

Các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế… rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như: Cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ, hạn chế, doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ, hoạt động manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp, tính hợp tác và liên kết để tạo ra sức cạnh tranh thấp; chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước. Việt Nam đang bị hạn chế về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài, vì thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới.

Cộng đồng khoảng 1.300 doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ, chỉ chiếm 25% thị phần và khoảng 72% lao động (lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%), hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng... Trong khi, cả nước có 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh logistics dưới nhiều hình thức và chiếm 75% thị phần, chủ yếu là các dịch vụ quốc tế.

Chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện chiếm gần 25% GDP, trong khi chi phí này ở Mỹ chiếm 9,5% GDP, Nhật Bản là 11% GDP, Hàn Quốc 16%, Trung Quốc 21,6%; Theo VCCI, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam).

Hiện nay hạ tầng vận tải đường bộ mặc dù đã được đầu tư nhiều nhất nhưng vẫn còn chậm và chưa theo kịp tốc độ phát triển của lưu lượng vận tải, trong khi đó đường sắt công nghệ lạc hậu,thiếu an toàn. Hệ thống cảng biển Việt Nam được đầu tư xây dựng hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế rất ít. Hiện mới chỉ có cảng Cái Mép – Thi Vải đón được tàu container siêu lớn chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam đặt quyết tâm trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để đạt mục tiêu trên, Việt Nam cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập, phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại, chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế cả về số lượng, quy mô, công nghệ, nhân lực và chất lượng dịch vụ, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; quản lý tốt chuỗi cung ứng.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Các bộ, ngành và địa phương liên quan cần chủ động rà soát đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phát triển đồng bộ, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan và các quy hoạch sản xuất công-nông nghiệp trong một tổng thể thống nhất; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics, phát triển kết cấu hạ tầng logistics, sàn giao dịch logistics gắn với thương mại điện tử trên các địa bàn.

Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền về thị trường và các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics; Xây dựng Cổng thông tin thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tra cứu thuế suất và các thủ tục xuất nhập khẩu liên quan đến từng mặt hàng; Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương… nhằm đưa ngành dịch vụ logistics – một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao lên một bước mới hiện đại và mở rộng…

Ở Nghệ An, hiện đã có cụm cảng quốc tế Cửa Lò, có sân bay quốc tế Vinh, có hệ thống đường biển với 82 km bờ biển rất thuận lợi, có 128 km đường sắt. Tuy nhiên dịch vụ logistics mới dừng lại ở việc giao nhận, vận tải hàng hóa và chi phí vận tải đang rất cao. Các dịch vụ vệ sinh và công nghiệp phụ trợ chưa có. Hiện nay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nhận ra bất cập này nên đã và đang đề nghị Nghệ An có giải pháp tháo gỡ logistics để các doanh nghiệp có thể XNK hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp một cách thuận lợi.

Mới nhất

x
Chi phí Logistics của Việt Nam đang quá cao!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO