Chỉ tiêu kinh tế chạy theo thành tích
Theo Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ôm đồm và nặng về thành tích được xem là một trong những điểm yếu lớn nhất của công tác lập kế hoạch đối với kinh tế Việt Nam hiện nay.
Báo cáo về Công tác kế hoạch trong nền kinh tế thị trường vừa được Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố trong ngày 8/3. Tại báo cáo này, tuy đánh giá cao những chuyển biến đã đạt được trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng CIEM cũng chỉ ra không ít tồn tại của hoạt động này tại Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Theo các chuyên gia CIEM, hiện ở Việt Nam vẫn tồn tại tư duy Nhà nước “ôm đồm”, bệnh thành tích, hình thức làm cản trở quá trình đổi mới công tác xây dựng kế hoạch. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm giảm tính hiệu quả của các chương trình đề ra, bởi với mối nền kinh tế, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu này hầu hết đều có hạn.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam vẫn được xây dựng bằng phép ước.
Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Đặc biệt, các chuyên gia của CIEM cho rằng nội dung kế hoạch ở Việt Nam hiện vẫn chưa phù hợp với kinh tế thị trường và tương ứng với quá trình phân cấp. “Nhiều nhiệm vụ có thể giao cho thị trường hoặc các tổ chức xã hội thực hiện nhưng Nhà nước vẫn “ôm”, những nhiệm vụ khác, mặc dù đã được phân cho cấp dưới (liên quan đến đầu tư) nhưng cấp trên vẫn giữ” - Báo cáo này khẳng định.
Ngoài ra, quy trình và phương pháp kế hoạch hiện vẫn chưa hợp lý. Theo báo, thời gian xây dựng kế hoạch, đặc biệt ở cấp cơ sở, hiện quá ít. Thông thường, việc “mùa” xây dựng kế hoạch năm chỉ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Điều này khiến các đơn vị cấp cơ sở không có thời gian để xây dựng kế hoạch một cách nghiêm túc.
Không chỉ có thời gian, CIEM cho rằng, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được bất cứ một phương pháp thống nhất và rõ ràng để tính toán các chỉ tiêu trong kế hoạch. Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng và phức tạp như tăng trường đều không có những phương pháp tính một cách rõ ràng và thống nhất. Cách ước các chỉ tiêu chỉ còn mang tính chủ quan, tùy tùy tiện.
“Tôi dám chắc là không một chuyên gia kinh tế nào có thể tính toán được thu nhập của một hộ gia đình Việt Nam trong vòng một năm bởi có quá nhiều khoản thu, chi ngoài sổ sách. Như thế thì làm sao có thể tính được trong một xã, năm nay giảm được bao nhiêu hộ nghèo?” - Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế của CIEM đặt câu hỏi.
“Những chỉ tiêu dựa trên những tính toán tương đối như vậy, chẳng khác nào việc đặt yêu cầu 80% số dân trong xã tham gia tập thể dục buổi sáng, bởi có ai đi đo đếm được tỷ lệ này đâu”, chuyên gia của CIEM so sánh.
Cũng do thiếu cơ sở thực tế nên công tác giám sát và đánh giá các kế hoạch đề ra hiện được coi là “rất yếu”. Báo cáo cho rằng hầu như việc giám sát hiện chỉ mang tính hình thức, chưa có tác động nhiều đến việc điều hành phát triển và lập kế hoạch cho các giai đoạn sau.
Riêng với công tác kế hoạch ở cấp địa phương, CIEM cho rằng quá trình đổi mới công tác kế hoạch hiện chưa đồng đều (về mức độ, quy mô và phương hướng). Sự lo ngại không biết hướng đổi mới của địa phương mình có phù hợp với hướng đổi mới của trung ương hay không dẫn đến việc trù trừ, vừa làm vừa đợi tại một số nơi.
Theo kiến giải của Viên nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, bên cạnh những yếu tố khách quan thì một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong công tác lập kế hoạch là thiếu khung pháp lý và các quy định điều chỉnh. Vì thế ngay cả cơ quan đầu ngành như Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng khó có đủ thẩm quyền để “ép” các đơn vị địa phương đổi mới công tác kế hoạch.
Ngoài ra, CIEM cũng cho rằng, việc xác định vị trí của các mục tiêu trong nền kinh tế thị trường chưa thực sự chính xác tại Việt Nam cũng góp phần quan trọng khiến các kế hoạch đề ra thiếu hiệu quả. “Khác với kinh tế tập trung - bao cấp, các mục tiêu, kế hoạch trong kinh tế thị trường chỉ mang tính định hướng, không phải là mốc chết, chắc chắn phải đạt cho bằng được”, ông Lê Viết Thái khẳng định.
Vì lý do này, theo ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, không nên so sánh kết quả tăng trưởng của nền kinh tế bằng việc so sánh đơn thuần thành tựu đạt được với mục tiêu đề ra. “Nếu mục tiêu chưa đạt được thì cần phân tích, làm rõ nguyên nhân chứ không nên vội vàng đánh giá. Một tỉnh thành có thể có thành tích giảm nghèo rất tốt nhưng chỉ một trận bão có thể đưa kết quả đạt được của họ về số không”, ông Bá lấy ví dụ.
Cũng theo vị lãnh đạo này của CIEM thì hàng năm, Quốc hội Việt Nam vẫn phải cho ý kiến và biểu quyết về một hệ thống với hơn 20 mục tiêu kinh tế - xã hội khác nhau. “Tôi cho rằng số mục tiêu này cần giảm xuống. Mức giảm bao nhiêu là hợp lý thì cần phải nghiên cứu, nhưng thực sự chỉ nên giữ lại những mục tiêu mang tính tổng quát, có khả năng thực hiện và có thể giám sát”, vị tiến sĩ này khẳng định.
Theo VnExpress