Chìa khóa nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử

24/08/2012 15:11

Việc đổi mới phương pháp dạy - học môn Lịch sử là nội dung đã được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai từ lâu thông qua việc tập huấn cho giáo viên và các phong trào do ngành phát động hàng năm. Nhưng khi đi vào thực tế giảng dạy thì kết quả lại không được bao nhiêu, chỉ dừng lại ở những tiết dạy thao giảng, trình diễn hoặc khi có lãnh đạo, thanh tra dự giờ, đánh giá. Nói chung, chỉ để "đối phó" mà thôi! Ngay cả những tiết được gọi là đổi mới đó, cả giáo viên và học sinh cũng tỏ ra lúng túng và gượng ép. Vì thế, truyền thụ một chiều, thầy đọc trò chép vẫn là thực trạng diễn ra hàng ngày trong dạy học Lịch sử, trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa hữu hiệu!

(Baonghean) Việc đổi mới phương pháp dạy - học môn Lịch sử là nội dung đã được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai từ lâu thông qua việc tập huấn cho giáo viên và các phong trào do ngành phát động hàng năm. Nhưng khi đi vào thực tế giảng dạy thì kết quả lại không được bao nhiêu, chỉ dừng lại ở những tiết dạy thao giảng, trình diễn hoặc khi có lãnh đạo, thanh tra dự giờ, đánh giá. Nói chung, chỉ để "đối phó" mà thôi! Ngay cả những tiết được gọi là đổi mới đó, cả giáo viên và học sinh cũng tỏ ra lúng túng và gượng ép. Vì thế, truyền thụ một chiều, thầy đọc trò chép vẫn là thực trạng diễn ra hàng ngày trong dạy học Lịch sử, trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa hữu hiệu!

Theo chúng tôi, thực trạng đó có những nguyên nhân cơ bản sau đây:


Môn Lịch sử chưa tìm được chỗ đứng xứng đáng trong nhà trường. Lịch sử chỉ được xem là một môn phụ trong hệ thống các môn học, số tiết vào loại ít nhất, các kì thi quan trọng như thi tốt nghiệp, thi đại học không liên quan nhiều đến môn Lịch sử, vì thế học sinh ít quan tâm học. Dù ngành Giáo dục và Đào tạo có đề ra muôn vàn mục tiêu đào tạo tốt đẹp, nhưng thực tế mục tiêu đi học của học sinh ngày nay là để đi thi, kiếm ngành nghề sau này. Cho nên mối quan tâm duy nhất của học sinh là học những môn nào quan trọng trong các kì thi, những môn đó được mặc định là môn chính. Có lẽ không có nước nào trên thế giới lại như ở Việt Nam, học sinh phổ thông chỉ quan tâm học Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh?!


Khi vị trí của môn Lịch sử không được coi trọng, giáo viên dạy Lịch sử cũng chỉ được xem như là giáo viên hạng hai mà thôi. Dù có giỏi đến mấy, thu nhập vẫn thấp hơn nhiều lần so với giáo viên dạy các môn chính (vì không dạy thêm được), không được học sinh và phụ huynh săn đón, trọng vọng. Thậm chí, một số lãnh đạo nhà trường cũng có thái độ phân biệt. Điều đó khiến cho không ít giáo viên Lịch sử thiếu hào hứng, nhiệt tình, tệ hại hơn còn tự ti, mặc cảm làm cho chuyên môn nghiệp vụ ngày càng sa sút. Đó chính là rào cản lớn nhất của việc đổi mới phương pháp dạy- học Lịch sử.


Cơ sở vật chất cho việc dạy và học Lịch sử còn nhiều bất cập. Mặc dầu trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng phòng học khang trang, mua sắm cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Thế nhưng, phần lớn các tiết Lịch sử vẫn là "dạy chay", "học chay". Đó là vì đầu tư không đồng bộ, mang tính chắp vá như: Có băng hình, phim tư liệu lại thiếu phòng máy; Có mô hình, sa bàn mà không có phòng học bộ môn; Có nhiều bản đồ, tranh, ảnh mà không có nơi cất giữ nên khai thác không có hiệu quả...


Chúng ta đang thiếu một cơ chế để kiểm tra, giám sát cũng như động viên, khuyến khích việc đổi mới dạy - học Lịch sử. Những tiết dạy mang tính đổi mới phương pháp chỉ diễn ra khi có thao giảng, kiểm tra, thanh tra. Những tiết đó, đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều công sức. Nhưng trong trường học không thể quanh năm tổ chức thao giảng, kiểm tra, thanh tra được, những tiết đó chỉ mang tính định kì. Khi đã xong những tiết trình diễn mang tính định kì đó, giáo viên lại trở về quỹ đạo đọc chép, dạy chay, học chay mà ta quen gọi là "phương pháp truyền thống". Bởi người đầu tư công sức đổi mới phương pháp dạy học và người không đầu tư thì cuối cùng đều được đánh giá... như nhau! Cuối năm, vẫn là lao động tiên tiến, vẫn lên lương... Điều đó làm nhụt chí những giáo viên đang còn tâm huyết với môn Lịch sử.


Việc đổi mới kiểm tra đánh giá mới chỉ dừng lại ở ý tưởng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp - dạy học Lịch sử. Các đề thi môn này ở tất cả các cấp học, kể cả đề thi đại học và học sinh giỏi quốc gia vẫn chủ yếu là kiểm tra kiến thức học thuộc và ghi nhớ. Nếu có những câu được coi là mở để phát huy khả năng tư duy của học sinh thì đáp án vẫn không mở. Thậm chí, còn xẩy ra tình trạng công luận cho rằng "đề một đằng, đáp án một nẻo". Với cách kiểm tra, đánh giá như thế thì để đi thi đạt được kết quả khả quan, học thuộc vẫn là phương án an toàn nhất đối với học sinh. Vì thế lối dạy truyền thụ một chiều và đọc chép vẫn có đất để phát huy mà không bị tẩy chay.


Nhiều người phê phán môn Lịch sử có quá nhiều số liệu, sự kiện ngày tháng, địa danh? Thực ra, nếu loại bỏ những yếu tố đó thì làm gì có lịch sử nữa, bởi lịch sử đương nhiên phải có sự kiện, số liệu. Mỗi sự kiện, số liệu đều phải gắn với không gian và thời gian, đó là chất liệu lịch sử sống động. Vấn đề là trong mỗi đề thi có cần thiết phải bắt học sinh nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay đọc thuộc lòng văn bản? Ví dụ môn Địa lý, khi yêu cầu học sinh vẽ biểu đồ thì trong đề thi đã có sẵn số liệu; khi yêu cầu phân tích các nội dung liên quan đến bản đồ thì đã có Attlat. Vậy tại sao kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử lại không làm được như vậy? Khi hiệu quả dạy học được đánh giá qua kết quả các kì thi, việc dạy thế nào để học sinh thi đạt kết quả cao nhất sẽ là phương pháp phù hợp nhất được học sinh chấp nhận. Chính sự lạc hậu trong kiểm tra, đánh giá là nguyên nhân khiến cho học sinh khiếp sợ môn Lịch sử, là mảnh đất màu mỡ cho lối dạy truyền thụ một chiều, đọc chép phát triển...


Tuấn Anh - Hoàng Mai

Mới nhất
x
Chìa khóa nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO