Chiếc cà vạt made in VN và cuộc 'đối mặt' ở Mỹ
Cựu quân nhân của chính quyền cũ quyết định bán đấu giá chiếc cà vạt “made in Việt Nam” của ông Sơn tặng, thu tiền san nửa tặng cho một thương binh đồng đội và một nửa tặng một cựu thương binh Quân đội nhân dân VN.
Từng có mặt trong đoàn tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Mỹ năm 2005, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã có những “trải nghiệm” tai nghe, mắt thấy. Ông hiểu rằng “đối mặt” với nhóm thiểu số những người Việt còn tư tưởng chống đối, khác biệt với chính quyền trong nước là việc không dễ dàng.
Ở vị trí đứng đầu cơ quan công tác về kiều bào, ngay từ đầu ông luôn trăn trở việc phải đi để gặp gỡ và đối thoại với những người còn tư tưởng hận thù khác biệt. Bất kể ai vì những lý do riêng lẻ mà chưa từng một lần quay về, bất kể ai thiếu thông tin mà ngờ vực, còn tư tưởng cực đoan, bất kể ai vì những hận thù riêng mà đóng chặt cửa tâm hồn… ông đều muốn gặp.
Ai cũng muốn về quê cha đất tổ
Qua cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Mỹ - nơi có đông đảo kiều bào nhất trên thế giới vào 2011, Thứ trưởng Sơn cho hay ông muốn “đến bằng sự cởi mở chân thành của trái tim mình”. “Vấn đề là họ có chịu gặp mình?” - ông Sơn tâm sự.
Những cuộc gặp gỡ cá nhân riêng lẻ của ông với 20 cá nhân trong chuyến đi năm đó do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Mỹ thu xếp đều có chung mô típ: lắng nghe mọi khác biệt, đối thoại, giải đáp những khúc mắc về mọi vấn đề quan tâm và với bất cứ ai ông đều gợi ý mời trở về quê hương để chứng kiến những đổi thay, phát triển rộng mở, để phá băng ẩn ức một chiều.
Ông Hoàng Duy Hùng (thứ 3 từ phải sang) thăm tư gia nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Thanh Niên |
“Tôi không bao giờ nói không, hay từ chối trước mọi thắc mắc của bất cứ người nào. Họ cần nói để giải tỏa, việc của tôi là nghe và trao đổi thông tin, đối thoại một cách chân thành” - ông kể.
Cuộc gặp với một cựu thiếu úy thủy quân lục chiến của quân đội VNCH, một nhân vật cực đoan khét tiếng cũng vậy. Có một chuyện thú vị, đó là sau khi gặp trò chuyện, Thứ trưởng Thanh Sơn đã tặng cho cựu quân nhân này một chiếc cà vạt “bằng lụa tơ tằm Hà Đông chính hiệu made in Việt Nam”.
Sau này qua một phóng sự online, ông mới hay cựu binh trên đã bán đấu giá chiếc cà vạt thu về 10 triệu đồng. Một nửa ông ta dùng để tặng cho một thương binh đồng đội cũ và một nửa dành tặng cho một thương binh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước khi đến Mỹ, Thứ trưởng Thanh Sơn có lẽ không hình dung sẽ có cuộc gặp mặt thú vị trở lại với cựu nghị viên, luật sư Hoàng Duy Hùng ở Hà Nội theo một lời mời hẹn. Hùng là người từng có tư tưởng cực đoan, lên kế hoạch đặt bom gây nổ tượng đài tại TP.HCM những năm 1993, đã bị ta bắt và kết án 15 năm tù giam với tội danh bạo loạn lật đổ chính quyền, nhưng sau một thời gian thụ án, thể theo nguyện vọng của chính phủ Mỹ, ta đã trục xuất Hoàng Duy Hùng về Mỹ.
Ông Sơn đã có cuộc gặp Hoàng Duy Hùng trong chuyến đi Mỹ. Bữa cơm tại tư gia của gia đình vợ chồng luật sư này như cuộc gặp mặt chân thành, thiện chí.
Vị Thứ trưởng sau đó đã đề xuất các cơ quan chức năng an ninh tạo điều kiện cho chuyến trở lại Việt Nam của luật sư này cùng với vợ và hai cộng sự. Đề xuất đã được cơ quan an ninh ủng hộ và Thủ tướng chấp thuận.
Nhóm đã có một chuyến đi từ Bắc vào Nam để gặp gỡ, trò chuyện và chứng kiến mọi đổi thay. Riêng Thứ trưởng Thanh Sơn lại đích thân hẹn mời vợ chồng luật sư một bữa cơm gia đình tại nhà riêng. Con gái của Thứ trưởng cũng thân thiện dành thời gian đưa cả gia đình luật sư đi thăm quan bảo tàng, Văn Miếu ở Hà Nội…
Hỏi ông điều đọng lại sau những chuyến đi, ông nói: “Đã là con người không ai quên được quê hương đất nước, ai cũng muốn về quê cha đất tổ. Vấn đề trong tâm trí của họ còn hận thù và mặc cảm, lớn hơn cả tình cảm, cho nên họ chưa có cách giải quyết vấn đề. Tôi biết kể cả những người hiện nay bảo thủ cực đoan nhất trong sâu thẳm tâm hồn cũng muốn trở về thăm lại Việt Nam”.
“Đối mặt” với báo chí
Quyết định danh sách thành phần đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa cách đây 2 năm có đại diện 3 báo của người Việt có ảnh hưởng đối với cộng đồng ở vùng quận Cam, California (Mỹ) là một ý tưởng mà Thứ trưởng Thanh Sơn cho rằng đầy mạo hiểm.
Bởi, 3 báo trong danh sách đó chưa từng dễ chịu với chính quyền trong nước, với những quan điểm cực đoan, hạn chế thông tin, thực tiễn về Việt Nam.
Các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Mỹ đã chủ động tiếp cận để họ có thể tham gia vào chuyến đi mà ở trong nước hoàn toàn thiện ý cởi mở.
Kiều bào ra thăm Trường Sa. Ảnh: Tạp chí Quê hương |
“Mục đích lớn nhất là để họ có cơ hội nhìn trực quan, là sự khẳng định thực tế về quyết tâm gìn giữ, bảo vệ vùng trời, biển đảo của Tổ quốc” - ông Sơn chia sẻ.
Trên con tàu ra các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, C, Đá Lát… thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chuyến đi 10 ngày đêm do UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng tổ chức đã đưa họ đến tận những vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Trở về California, một cuộc triển lãm mini “Trường Sa trong con mắt chúng tôi” đã được trưng bày ngay tại tòa soạn một tờ báo. Một CD ảnh, một DVD với nhan đề tương tự cũng được phổ biến trong cộng đồng người Việt ở đây.
“Có thể có người ở bên đó vẫn còn ngờ vực. Nhưng họ không thể không tin. Đối với báo chí, chúng tôi không có chủ đích cần tô điểm cho thực tế đất nước, có thế nào thì các anh cứ đưa như vậy. Một sự thật là Việt Nam đang đi lên hội nhập và thành công. Còn những vướng mắc, khó khăn khác trong hội nhập, phát triển thì chúng ta phải vượt qua, và phải dần dần từng bước” - ông Sơn chia sẻ.
Không chỉ về Trường Sa, sau này các tờ báo cũng trở về để làm những phóng sự về đất nước, con người, về Tết ở quê hương.
Theo Vietnam.net