Chiếc kèn của người Thổ

21/12/2013 20:56

(Baonghean) - Từ những vật liệu sẵn có, đồng bào dân tộc Thổ đã làm nên chiếc kèn truyền thống. Để rồi tự bao đời nay, thanh âm của nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng: tiếng kèn mừng lễ thôi nôi, tiếng kèn gọi bạn, tiếng kèn mừng nhà mới, vui hội làng, tiếng kèn tiễn đưa người quá cố về cõi vĩnh hằng...

Trong hành trình tìm hiểu về chiếc kèn, tôi đã gặp cụ Trương Văn Lợi ở làng Mo, xã vùng sâu Văn Lợi (Quỳ Hợp), người từng được báo chí ca ngợi là “thần kèn”. Quả vậy, chiếc kèn qua “biểu diễn” của cụ đã ngân lên những thanh âm mê hoặc lòng người. Lúc trầm ngâm như lắng hồn sông núi, lúc réo rắt như chim rừng gọi bạn... tiếng kèn ấy đã theo cụ đến với nhiều miền quê. Và nay, đã bước sang tuổi 78, cụ vẫn thủy chung với tiếng kèn, neo giữ cho con cháu những khúc dân nhạc đã truyền đời bao năm tháng.

Làng Mo là một trong những cái nôi của đồng bào Thổ trên miền Tây Nghệ An, nên vốn dân ca - dân nhạc - dân vũ nơi đây hết sức phong phú. Vốn quý ấy ngấm vào cụ Lợi từ cái thời còn thơ bé. Cụ kể với tôi rằng hơn 10 tuổi cụ đã biết thổi kèn, ngày ấy cứ hết lẽo đẽo theo các anh các chị đi chơi xuân lại theo người già đi tế lễ nên “bị” cái âm thanh của tiếng kèn quyến rũ tự lúc nào chẳng biết. Năm 18 tuổi thoát ly gia đình, làm công nhân chi nhánh Lâm trường Nghệ An đóng tại Con Cuông, trong cái túi vải bên người Trương Văn Lợi luôn có cây kèn truyền thống. Sau nhiều lần chuyển công tác, đến khi tham gia đoàn khảo sát địa chất lặn lội khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, cây kèn vẫn là vật bất ly thân. Những lúc nhớ quê, những lúc rảnh rỗi tiếng kèn lại cất lên như tiếp thêm sức mạnh cho người con xa quê luôn nặng lòng nhớ về nguồn cội...

Nghệ nhân  Trương Sông Hương và chiếc kèn truyền thống.
Nghệ nhân Trương Sông Hương và chiếc kèn truyền thống.

Vượt cây cầu tre chênh vênh bắc qua dòng sông Dinh, tôi tìm đến với nghệ nhân Trương Sông Hương, người con của làng Dũa (làng thuần đồng bào Thổ), thuộc xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Nghệ nhân Trương Sông Hương là người có thể chơi thành thạo 13 loại nhạc cụ từ kèn, đàn bầu, nhị, sáo, tiêu, hồ, líu, đến măng đô lin, vi ô lông... Tự học và tự mày mò chế tạo kèn nên khi nhắc đến chiếc kèn của đồng bào mình, ông dốc lòng như truyền lửa; câu chuyện giữa tôi và ông cứ thế dẫn dắt từ việc chế tạo kèn cho đến các “niêm luật” của việc thổi kèn.

Câu lạc bộ Văn hóa xã Thọ Hợp tập luyện.
Câu lạc bộ Văn hóa xã Thọ Hợp tập luyện.

Việc chế tạo kèn không đòi hỏi cầu kỳ như chế tạo một số nhạc cụ khác nhưng cũng không vì thế mà... dễ làm! Cả cây kèn chỉ ước dài chừng 25 cm, gồm ba bộ phận chính, có thể tháo rời, ấy là miệng kèn, thân kèn và loa kèn. Một chi tiết rất quan trọng của miệng kèn và cả chiếc kèn, đó là lưỡi dăm. Có thể nói lưỡi dăm chính là hồn vía của cây kèn, chỉ nhỏ ước chừng cỡ ba hạt lúa xếp dọc, nhưng thiếu nó hoặc làm không đúng kỹ thuật thì cây kèn dù có đẹp mấy, người thổi có dài hơi đến mấy, kèn cũng không “kêu” lên được. Nhiều người nhầm tưởng lưỡi kèn làm bằng đồng, nhưng không phải thế, trước đây bà con làm lưỡi kèn bằng lá sa nhân, nay thì sáng tạo chế lưỡi kèn từ... ống nhựa hút nước giải khát, một vật liệu rất rẻ và cũng rất dễ kiếm.

Phần giữa của chiếc kèn là thân kèn, thân kèn được làm bằng gỗ khoét rỗng, đường kính chỗ to nhất của thân kèn khoảng 3cm. Trên thân kèn nhất thiết phải có 7 lỗ để luyến láy thanh âm, khoảng cách giữa các lỗ phải tuân thủ những bí kíp gia truyền, có thế kèn thổi lên mới đúng “tông” trầm bổng. Phần cuối của chiếc kèn là loa kèn, loa kèn được làm bằng gỗ đường kính khoảng 10 cm.

Kèn là một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng và các nghi thức tâm linh, “niêm luật” thổi kèn vì thế cũng được chia ra thành hai dạng vui và buồn. Những điệu kèn vui thường được dùng trong ngày Tết, lễ mừng nhà mới, hội làng... có thể kể đến điệu Kèn xải, Kèn lồng ba. Kèn xải là ở tiết tấu cấp 1 trầm bổng du dương; điệu Kèn lồng ba là ở tiết tấu cấp 2 dồn dập hơn hòa cùng với tiếng trống để làm nền cho mọi người nhảy múa. Những điệu kèn buồn thường được dùng trong đám tang gồm có Kèn rung, Kèn diệu, Kèn dăng, Kèn rượt, Kèn khắc dùi và Kèn lạy. Kèn lạy được dùng khi phúng viếng, Kèn rung được thổi trong lễ nhập quan, bốn điệu còn lại được luân phiên thổi khi múa quanh quan tài...

Gắn bó cùng cộng đồng bao đời nay là vậy nhưng trước nhịp sống sôi động của cơ chế thị trường cùng những trào lưu nhạc trẻ, như không ít nhạc cụ truyền thống khác, cây kèn của dân tộc Thổ đang có nguy cơ dân ít người biết dùng. Điểm lại không khỏi chạnh lòng khi số người biết thổi kèn trong cộng đồng dân tộc Thổ hiện nay thật không nhiều, hầu hết đều cao tuổi; người trẻ biết thổi đúng các điệu kèn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo anh Trương Thanh Hải - cán bộ văn hoá xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) thì cả xã hiện có khoảng 8 người biết thổi kèn và đều là người cao tuổi. Ở các xã có đông đồng bào dân tộc Thổ sinh sống như Thọ Hợp, Tam Hợp, Văn Lợi, Hạ Sơn... thực trạng cũng không mấy sáng sủa hơn!

Có biết thổi kèn mới làm được kèn hay, bởi suốt quá trình khoét ruột, dùi lỗ thân kèn; chế dăm kèn... đều phải thẩm âm và điều chỉnh từng chút một. Vậy nên, người biết thổi kèn đã ít, người biết chế tạo kèn lại càng ít hơn. Để làm được một cây kèn truyền thống, những người khéo tay, thạo việc như nghệ nhân Trương Sông Hương cũng phải mất ba ngày mới làm xong. Cả vùng Thọ Hợp - Tam Hợp đến nay chỉ mỗi ông biết làm kèn, ông đã nhiều bận gắng truyền nghề cho lớp trẻ nhưng được vài ba bữa các học trò đều xin... bỏ học giữa chừng. Phần vì việc chế dăm kèn, khoét thân kèn đòi hỏi tỉ mẩn công phu, phần vì mối lo cơm áo gạo tiền khi mà quãng thời gian từ khi bắt đầu học làm kèn đến khi chế tạo được cây kèn như ý dễ đến cả năm trời; thứ nữa kèn làm ra cũng chủ yếu để dùng chơi chứ người tìm mua kèn thường rất ít...

Làm thế nào để những bí quyết chế tạo kèn truyền thống không bị thất truyền, để tiếng kèn mãi còn đây cùng đồng bào dân tộc Thổ là nỗi niềm đau đáu của rất nhiều người khi chúng tôi tiếp cận, tìm hiểu để viết những dòng này!

Cao Duy Thái

Mới nhất
x
Chiếc kèn của người Thổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO