Chiếc khèn Mông

12/12/2013 18:11

(Baonghean) - Với truyền thống văn hóa người Mông, cây khèn là một vật thiêng, nối những tâm hồn trai gái trong tuổi yêu đương và nối cõi người với thế giới tâm linh. Tiếng khèn luôn bầu bạn với người khi vui hội cũng như lúc tiễn người chết về trời...

Ông Và Chơ Thái thổi khèn Mông.
Ông Và Chơ Thái thổi khèn Mông.

Tuyệt đại đa số người Mông ở miền Tây Nghệ An sống trên những vùng núi cao các huyện Tương Dương, Quế Phong, đông đảo nhất vẫn là Kỳ Sơn. Người Mông ở huyện vùng cao này chủ yếu cư trú tại các xã Mường Lống, Đoọc Mạy, Na Loi, Mường Ải, Mường Típ, Na Ngoi và Nậm Càn. Đó là những xã gần như thuần người Mông, sống thành những quần cư dòng họ. Mỗi bản chỉ có một hoặc một vài dòng họ. Hầu hết các dòng họ người Mông vẫn giữ được những nét đặc sắc trong phong tục của mình. Tiếng khèn vẫn là những thanh âm quen thuộc mỗi khi về những bản Mông ở Nghệ An.

Chúng tôi phải chờ đến tối mịt mới gặp được người thổi khèn hay nhất bản Nặm Càn (xã Nặm Càn - Kỳ Sơn). Cũng như những người Mông khác vốn rất siêng năng, ông Và Chơ Thái suốt ngày trên nương, ngoài rừng. Chiều nay, ông lùa con trâu và đàn bò ra rừng chăn, lại còn gùi theo cỏ về cho lũ gia súc ăn đêm. Hỏi: "Sao đi làm về muộn vậy?" Ông đáp ngay: “Có lao động mới có ăn mà. Nhà chỉ có một trâu thôi, nhưng nó vẫn phải ăn, nên bế gùi cỏ về...". Biết chúng tôi tìm hỏi chuyện về chiếc khèn, ông đặt phịch chiếc gùi xuống, nói ngay: "Bố có 3 chiếc khèn. Đêm về thổi, sáng ngủ dậy lại thổi thức người bản dậy đi làm". Ông vốn là cán bộ xã hưu trí nên lối sống cũng mẫu mực lắm. Ông lui cui nhóm bếp. Chỉ một lúc sau, căn nhà đã bừng sáng. Bà vợ cũng đã lên rừng và ở lại qua đêm để tìm cây thuốc đem bán cho thương lái. Ông ở nhà phải tự quán xuyến lấy mọi việc. Đối với đàn ông Mông, đó cũng là chuyện thường tình. Họ luôn là những người chịu khó trong bất cứ công việc và hoàn cảnh nào.

Nhờ có ánh lửa, căn nhà đã trở nên ấm cúng hơn. Trong lúc chờ nồi cơm sôi, ông Và Chơ Thái kể về sự tích cây khèn: Ngày xưa, có 6 anh em mồ côi. Không ai nuôi nấng nên phải bỏ làng, bỏ bản ra đi. Sau này gặp lại không ai còn hiểu tiếng nói của nhau nữa. Họ liền cùng nhau làm chiếc khèn có 6 ống trúc. Ống to và ngắn nhất tượng trưng cho anh cả. Ống nhỏ và dài nhất tượng trưng cho em út. Những âm thanh của cây khèn đã giúp họ nhớ lại những kỷ niệm ấu thơ và đã nói chuyện được với nhau...

Câu chuyện kể trên đôi phần khác biệt với sự tích khèn Mông của người Mông ở Yên Bái. Ông Thái cho biết, trong bản con trai lớn lên là phải biết thổi khèn. Một người biết thổi và múa khèn được người già tôn trọng, con gái trong bản quý mến. Còn những ai không biết thổi khèn dù đã lớn ngồng lớn ngộc vẫn bị coi là người chưa trưởng thành. Trong mỗi dòng họ, đều có một vài người thổi khèn giỏi, về già họ có nhiệm vụ truyền dạy lại cho thế hệ sau để tiếng khèn không bao giờ bị lãng quên. Một số dòng họ nhỏ, ít người hơn họ khác nếu không có người biết thổi khèn phải đi học người họ khác. Họ thường phải trả "học phí" cho thầy bằng bạc trắng, về sau là trả bằng tiền mặt. Người Mông cho rằng, nếu phải đi học người họ khác là một nỗi nhục, nên họ nào cũng có người biết thổi khèn giỏi. Trong bản Nặm Càn, có dòng họ Lầu chỉ có vài hộ, vẫn có anh Lầu Nỏ Xử năm nay đã ngoài 40 tuổi, thổi khèn hay cũng vào loại nhất bản.

Con trai Mông 15, 16 tuổi đã theo thầy học thổi khèn. Cây khèn Mông có vẻ đơn giản, chỉ có 6 ống trúc kẹp giữa cái khuôn gỗ. Ai cũng có thể cầm thổi, nhưng thổi sao cho ra nhạc điệu bài bản thì phải học. Người sáng dạ học vài ba tháng. Ai tiếp thu chậm thì học nửa năm, thậm chí là cả năm trời. Rồi thì ai cũng biết thổi vì muốn cầm khèn đi thổi cạnh nhà người con gái mình thương. Anh Nỏ Xử tiếp lời: "Mới biết thổi khèn háo hức lắm. Lúc nào cũng muốn mang theo, kể cả khi lên rãy. Nhưng thích nhất vẫn là đến nhà cô con gái mình thương, thổi đến nửa đêm mới chịu về ngủ!". Ông Thái kể về quãng đời thanh niên của mình: "Hồi trước, bố lo đi đánh giặc. Năm 22 tuổi rồi mới hết giặc Mỹ được xuất ngũ về, mới học thổi khèn để đi kiếm vợ”. Ngày ấy, ông chỉ học hơn mùa trăng là thổi được mấy bài khèn. Cuối năm đi bộ đội về. Đến tết Mông, vào tháng 11 âm lịch, là lấy được người con gái mình ưng về ra mắt cha mẹ. Từ đó, ông chuyên lo cho gia đình nhỏ và đàn con của mình. Sau này có làm cán bộ bản, rồi cán bộ xã nhưng ông chưa bao giờ bỏ cái khèn. Mỗi ngày hai lần từ xó nhà, tiếng khèn ông Thái vẫn vang lên vào buổi tối và lúc sáng sớm...

"Thế bố đã dạy được nhiều học trò chưa?" - Tôi hỏi. Ông Thái cười khà khà: "Nhiều chớ, đếm sao cho hết. Thanh niên bản cũng có mấy chục lớp sinh ra và lớn lên rồi mà. Chúng nó hay đến nhờ bố bày cho thổi khèn!". Nhưng ông cũng hơi chưng hửng khi bọn trẻ bây giờ ít biết thổi khèn hơn trước. Ông bảo, cũng phải thông cảm cho bọn trẻ vì bây giờ còn phải lo đi học, đi làm, đi nương đi rãy, còn đâu thì giờ học thổi khèn? Với lại, con gái ngày nay chỉ thích con trai có cái bút dắt trước áo thôi (làm cán bộ).

Dù vậy, vào những ngày xuân, ven các lối bản, trên những bãi trống, trai gái Mông vẫn hẹn hò đi chơi. Trai gái mở hội ném pao. Tốp thì đứng múa khèn, rồi hát lên những điệu tâm tình. Để rồi sau những ngày xuân, con trai dắt cô gái mình thương về nhà cho bố mẹ xem mặt. Sau Tết, người Mông có nhiều đám cưới nhất trong năm.

Tiếng khèn không chỉ vang lên trong ngày hội mà cả lúc tiễn biệt một người về với cõi trời. Người già lúc lâm chung đã chọn cho mình người để thổi khèn tiễn mình về cõi. Người chết lên trời không còn hiểu tiếng người, họ chỉ đi theo lời dẫn dụ của tiếng khèn mà thôi. Tiếng khèn mời người chết ăn cơm sáng, cơm trưa, cơm tối rồi nghỉ ngơi. Hôm sau, tiếng khèn sẽ dẫn đường cho linh hồn về với tổ tiên. Nếu không có tiếng khèn, người chết sẽ không biết đường về trời vì thế mà đám ma không thể xong được. Trong mấy chục năm cầm khèn, ông Thái đã được nhiều người chọn thổi khèn trong đám tang. Ông cũng tỏ ra lo lắng: "Không biết sau này, mình có chọn được ai thổi thật hay để tiễn mình về trời nữa không? Bây giờ, bọn trẻ bận nhiều việc nên không chăm học khèn!".

Đêm dần về khuya, chúng tôi chia tay ông Thái trở về nhà thầy giáo Lầu Bá Mùa tá túc qua đêm. Tiếng khèn của ông lại vang lên theo từng bước chân chúng tôi trên dốc núi. Trong bản, ông Thái là người thổi khèn giỏi, nhưng lại không biết chế tác chiếc khèn. Ngày nay, dân bản đều phải mua của những người lái buôn mua từ Lào về. Thỉnh thoảng, họ lại gùi đi khắp bản gõ cửa từng nhà rao bán khèn. Giá mỗi chiếc khèn từ 1,5 - 3 triệu đồng. Nhiều người vẫn xem khèn là thứ cần thiết trong gia đình, dù giá có đắt nhưng họ vẫn bỏ tiền mua. Riêng trong nhà ông Và Chơ Thái, có 3 chiếc khèn lớn nhỏ khác nhau. Ông cho biết, chiếc khèn càng lớn âm thanh càng vang xa. Người phải thật khỏe mới thổi được.

Trong bản Nặm Càn hiện giờ chỉ còn ông Và Rua Pó là còn nhớ được cách làm chiếc khèn Mông. Thường là các thợ rèn mới biết làm khèn Mông, ông Pó vốn là thợ rèn giỏi của bản. Từ hơn chục năm nay, mắt đã kém ông mới bỏ nghề rèn. Ông giải thích sở dĩ chỉ có thợ rèn làm được khèn vì trong mỗi ống khèn đều có chiếc lá đồng mỏng tạo âm thanh. Riêng ống khèn lớn nhất có 3 lá đồng. 1 chiếc bằng đồng đỏ, 1 chiếc là đồng thau, 1 chiếc là đồng pha bạc. Những chiếc lá đồng này quyết định độ chuẩn của chiếc khèn, nên đòi hỏi người thợ rèn giàu kinh nghiệm mới đúc được chiếc lá đồng cho âm thanh chuẩn...

Trong bản Nặm Càn hiện vẫn còn những thanh niên vẫn mê khèn. Năm nay 18 tuổi, Và Bá Cu đã học chơi khèn được 5 năm nay. Hiện anh là một trong những thành viên trẻ của đội văn nghệ xã tham gia ngày Hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Kỳ Sơn. Còn Và Bá Lỳ 22 tuổi cho biết: "Em vẫn đang học thổi khèn. Có biết đôi chút rồi". Lỳ cũng cho biết thêm, gái bản ngày nay không phải ai cũng chỉ thích mấy anh làm cán bộ. Gái Mông ở bản Nặm Càn vẫn yêu con trai giỏi thổi khèn, múa khèn!

Bài, ảnh: Hữu Vi

Chiếc khèn Mông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO