Chiêu lừa đảo của các "kiều nữ"

22/02/2012 08:56

(Baonghean)- Không có thực lực về kinh tế nhưng lợi dụng giấy phép tiếp xúc, đàm phán để chuyển giao Dự án Khu liên hợp kinh tế, thương mại, du lịch, khách sạn thể thao, chung cư và biệt thự cao cấp tại Thị xã Cửa Lò, Nguyễn Thị Thanh Thủy và "đàn em" Hồ Thị Năng đã huy động vốn và lừa các nạn nhân số tiền lớn rồi bỏ trốn. Ngày 18/2, Phòng PC46 đã bắt được Thủy và Năng tại Bắc Giang và di lý về Nghệ An..

Năm 2009, Nguyễn Thị Thanh Thủy thành lập Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Chung Thủy do Thủy làm Giám đốc, đăng ký vốn điều lệ lên tới 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là con số ảo. Sau 7 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, công ty mới chỉ phát sinh 2 hợp đồng cung cấp văn phòng phẩm trị giá 585 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,5 triệu đồng.

Mặc dù không có tiềm lực về kinh tế, nhưng bằng con đường ngoại giao, Thủy đã xin được giấy phép tiếp xúc, đàm phán để chuyển giao Dự án Khu liên hợp kinh tế, thương mại, du lịch, khách sạn thể thao, chung cư và biệt thự cao cấp tại Thị xã Cửa Lò (còn gọi là Công ty Hồng Thái Sít). Lúc này, dự án đang được Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hoàng Thái (có địa chỉ tại Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) trực tiếp thực hiện. Từ cuối năm 2009 đến đầu tháng 3/2011, trong thời gian được phép tiếp xúc đàm phán đầu tư dự án, để tăng thêm uy tín cho mình, Thủy đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Du lịch Kim Liên.



Nữ quái Nguyễn Thị Thanh Thủy


Quá trình đàm phán, hai bên không đi tới được thỏa thuận, sau khi xác định Công ty TM-DL Kim Liên không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, tháng 3/2011, UBND tỉnh chấm dứt việc nghiên cứu đầu tư của công ty đối với dự án Hồng Thái Sít. Không được chuyển giao tài sản trên đất thuộc dự án, nhưng chỉ bằng tờ biên bản đàm phán, Thủy đã thông qua một "đàn em" là Hồ Thị Năng kêu gọi các cá nhân khác hùn vốn đầu tư xây dựng 20 căn biệt thự tại Cửa Lò.

Để tạo lòng tin, Thủy đưa giấy tờ, bìa đất của một số người quen cầm cố vay tiền cho khách hàng xem và còn khuếch trương thanh thế của mình có người thân quen ở Tổng cục Hải quan, Thanh tra Chính Phủ... Khi các "con mồi" mắc bẫy, Thủy đưa ra 2 hình thức để đối tác lựa chọn: Nếu đầu tư vốn được coi là cổ đông và sau khi dự án hoàn thành sẽ được ưu tiên mua biệt thự giá ưu đãi, nếu cho vay Thủy sẽ trả lãi suất cao. Thời gian hoàn trả trong vòng 2 tháng. Thời điểm năm 2010, giá nhà đất đang sốt và có thể thu lợi nhanh chóng nên "chiêu" của Thủy và Năng đã làm cho khá nhiều "con mồi" sập bẫy.

Ông H.T.L ở phường Hưng Bình nghe nói sẽ được mua biệt thự giá ưu đãi nên "đầu tư" vào Công ty 7,7 tỷ đồng. Ông N.X.H ở phường Hưng Dũng được Thủy ký 6 hợp đồng để mua 9 căn biệt thự đã huy động anh em nội ngoại đặt cọc cho Thủy 39,97 tỷ đồng. Ông L.T.S ở Hà Nội đầu tư 6,7 tỷ đồng... Với những đối tác này, Thủy tự tay viết hợp đồng, ký tên đóng dấu, đồng thời để xác tín lòng tin, Thủy đã đưa khách hàng đến vị trí các khu đất cho lựa chọn. Sau thời gian 2 tháng không thấy động tĩnh gì, khách hàng góp vốn mua biệt thự và chủ nợ đã tìm Thủy để đòi. Tuy nhiên, Thủy trấn an các chủ nợ bằng chiêu thủ tục sắp xong, muốn nhanh cần góp thêm vốn.


Đến thời hạn hoàn thành dự án nhưng không thấy khu biệt thự, các nạn nhân liền truy hỏi ráo riết, Thủy liền xin khất nợ, gia hạn rồi trốn tránh. Đến tháng 6/2011, Thủy và Hồ Thị Năng bỏ trốn khỏi địa phương. Biết bị lừa, các nạn nhân đến cơ quan công an trình báo. Tuy nhiên, trước đó mọi hoạt động huy động vốn trái phép có biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng đã bị các cơ quan chức năng nghi ngờ và xác lập chuyên án điều tra L310. Trong khi PC46 đang củng cố các chứng cứ thì Nguyễn Thị Thanh Thủy đã biến mất. Sau thời gian truy lùng, Thủy và Năng đã bị bắt tại một khu vườn ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Lúc này, cả hai đang thương thảo phi vụ chuyển giao thiết bị xay và chiết xuất cây máu chó với một đối tác là người Trung Quốc để xuất khẩu ra nước ngoài.


Khi biết 4 vị khách mới đến là lực lượng cảnh sát đang truy bắt mình, Thủy hơi sững người nhưng nhanh chóng trấn tĩnh và... cười: "Bọn em đang định về Nghệ An để gặp các anh đây". Trên đường di lý về Nghệ An, Thủy còn điện thoại cho đối tác mới: "Chị đang có việc gấp phải về quê, em cứ tiến hành công việc, khoảng vài ngày nữa chị ra ta sẽ bàn tiếp". Hồ Thị Năng tỏ ra rất sợ hãi thì Thủy trấn an: "Không việc chi mà sợ, ở trại Nghi Kim chỉ khổ ít ngày, lên trại 6 rồi sướng thôi, chị cũng từng vào đấy một lần rồi". (Theo cơ quan điều tra thì trước đây, Thủy có dính vào một vụ lừa đảo, bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra nhưng do kịp thời khắc phục được hậu quả nên được thả ra). Không chỉ trấn an "đàn em", "kiều nữ" này nói thẳng: "Em biết tội này không bị tử hình đâu, cùng lắm là 20 năm hoặc chung thân thôi".

Trên đường về Nghệ An, khi các điều tra viên hỏi về quá trình lừa đảo, Thủy tỏ ra mệt mỏi: "Giờ em không nhớ gì cả đâu. Em mệt lắm, để sau này hãy hay", rồi im lặng cho đến khi được dẫn giải về Trại tạm giam Công an tỉnh. Điều tra viên - Thượng úy Đinh Công Thắng nhận định: "Có khả năng là sau khi kêu gọi các đối tác góp vốn làm ăn, Thủy phải dùng tiền để trả lãi suất cho các đối tác trước, với mức lãi suất 30%/tháng cho số vốn quá lớn nên mới nhanh chóng vỡ nợ như thế".


Đạm Phương- Mỹ Hà

Chiêu lừa đảo của các "kiều nữ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO