Chính phủ bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

30/10/2016 08:36

Đại diện các bộ ngành đề xuất giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng là đẩy mạnh xuất khẩu và tăng giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, chiều nay (29/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm và quý I/2017. Hai giải pháp trọng tâm mà nhiều đại diện các bộ ngành đề xuất là đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của bão lũ, thiên tai, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội có chuyển biến tích cực. Môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện, vốn đầu tư nước ngoài tăng cao với số vốn đăng ký là 12,7 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016. (Ảnh: VGP)

Những thách thức đặt ra là lạm phát đã ở mức 4%, so với mục tiêu Quốc hội giao là 5% cả năm nay. Nguyên nhân cơ bản đẩy CPI tăng là do giá thuốc và dịch vụ y tế điều chỉnh 2 lần, tăng hơn 10%; giá xăng dầu cũng được điều chỉnh 2 lần. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, CPI cả năm nay sẽ tăng ở mức 4,7 – 5%.

Cũng theo Bộ này, khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,3% trong tầm tay. Tuy vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn thì trong quý 4, các bộ, ngành địa phương phải nỗ lực rất nhiều.

Đề xuất giải pháp tăng trưởng thông qua đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay tháng 10 này Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, mở ra cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm cũng như năm 2017. Cùng với đó là khai thác tốt các thị trường Trung Quốc và Campuchia.

“2 tháng cuối năm cần có giải pháp quyết liệt thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường tiềm năng và dư địa và có điều kiện cụ thể để triển khai như mặt hàng trái cây, thịt lợn, sữa… Bên cạnh đó có giải phải thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia mới được ký kết, hỗ trợ các doanh nghiệp được hưởng thuế suất nhập khẩu vào Campuchia ở mức 0% đối với 29 mặt hàng, trong đó có sữa, kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, nhựa…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, vẫn còn dư địa đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có thủy sản, rau củ quả, thịt lợn. Điểm thuận lợi là hầu hết các sản phẩm cây công nghiệp đều tăng giá, như điều, tiêu, cao su, cà phê. Việc cần làm thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh khai thác các thị trường xuất khẩu hiệu quả là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đối với vấn đề giải ngân vốn xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, giải ngân của một số bộ, ngành không đạt tiến độ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Do đó, cần rà soát lại các giải pháp thúc đẩy giải ngân, trong đó có Nghị quyết 60 của Chính phủ.

“Chúng ta đã có Nghị quyết 60, nhưng cần kiểm điểm kỹ các nội dung, đặc biệt là các nội dung liên quan đến điều chỉnh cơ chế chính sách, kể cả luật. Ngày hôm nay mới thông qua ý kiến về danh mục và kế hoạch đầu tư năm 2017 đã là chậm. Đến 31/10, lẽ ra các dự án năm 2017 phải được duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công. Nhưng hiện chúng ta chưa phân bổ được chi tiết, chưa rõ danh mục đầu tư, thì có thể 2017 sẽ lại vướng tiếp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế xã hội có nhiều điểm tích cực khi 11/13 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt kế hoạch. Tuy vậy, các bộ, ngành địa phương phải tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hai tháng cuối năm và quý I/2017. Một trong những giải pháp Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai là thực hiện Nghị quyết 60 của Chính phủ, đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

“Các bộ ngành địa phương cần tập trung thực hiện giải ngân hết số vốn được giao, nhất là vốn mới bổ sung, tăng cường kiểm tra đôn đốc. Các dự án nào nếu đến tháng 9/2016 chỉ giải ngân dưới 30% kế hoạch thì kiên quyết chuyển vốn sang năm 2017. Bộ trưởng Bộ Y tế phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ đầu tư 5 bệnh viện tuyến cuối của Trung ương. Tp HCM phải báo cáo tiến độ hai bệnh viện tuyến cuối trước ngày 20/11/2016. Mấy chục nghìn tỷ nằm ở đây làm sao tăng trưởng được”, Thủ tướng chỉ rõ.

Một giải pháp quan trọng khác Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành thực hiện, đó là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Điều đáng mừng là lĩnh vực nông nghiệp đã có kết quả khả quan khi năm nay dự kiến đạt 31 tỷ USD, xuất siêu 7-8 tỷ USD, giúp nông nghiệp không bị rơi vào tăng trưởng âm. Bước tiếp theo là các địa phương, bộ ngành phải xuất khẩu nhiều mặt hàng ra nhiều thị trường hơn nữa.

“Các bộ ngành phải rà soát các thủ tục để đẩy mạnh xuất khẩu. Tôi đề nghị sau hội nghị này, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao lưu ý thị trường ASEAN, hiện xuất khẩu sang thị trường này quá thấp. Trong khi Thái Lan và một số nước Malaysia, Singapore họ rất chú ý thị trường ASEAN thì kim ngạch hai chiều của Việt Nam và ASEAN lại giảm hẳn đi. Giảm 7,6%. Đặc biệt là phỏng vấn người dân và doanh nghiệp thế nào là cộng đồng ASEAN, những trụ cột chính nào thì phần lớn người dân và doanh nghiệp ít biết. Nếu không làm tốt khâu này thị các nhà bán lẻ Thái Lan vào hết Việt Nam và chúng ta thất bại ngay trên sân nhà”, Thủ tướng nêu rõ.

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi, nhất là dịp cuối năm đối với các hoạt động tiếp khách, hội họp, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, sử dụng xe công.

Về thông tin thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện đang lấy ý kiến các bộ ngành sau đó mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Bộ đang tính toán hai phương án, phương án 1 nghỉ 7 ngày, phương án 2 nghỉ 10 ngày. Tuy vậy, Bộ nghiêng về đề xuất thực hiện phương án 1.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có sự tính toán để thời gian nghỉ Tết hợp lý, dành thời gian lao động sản xuất, nhất là trong bối cảnh năng suất lao động của nước ta còn thấp.

Thủ tướng lưu ý, kinh tế quý I mọi năm thường tăng trưởng chậm, trong khi đó lại là những tháng nhu cầu tiêu dùng lớn. Việc nghỉ Tết quá dài, dừng các hoạt động sản xuất-kinh doanh, các dịch vụ tài chính - chứng khoán, giao dịch quốc tế và đi chùa, lễ hội quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Chính phủ bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO