Chính phủ cần tìm giải pháp mạnh hơn chống lạm phát

27/10/2011 16:18

Sáng 27-10, tại phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh lạm phát, nợ xấu, giá vàng… đang tác động mạnh đến đời sống nhân dân đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Cần giải quyết dứt điểm lạm phát

Đại biểu Trần Du Lịch, TP.HCM đánh giá nghị quyết của Chính phủ về bình ổn kinh tế vĩ mô đã đem hiệu quả rõ nét. Lạm phát đã đạt đến đỉnh vào tháng 4 và đang giảm dần. Tuy nhiên, ông Lịch đặt câu hỏi: Chỉ số giá cả giảm có phải do giảm sức mua? Nếu đúng tình trạng này nguy cơ nền kinh tế VN sẽ tái diễn cảnh suy giảm 2008.

Ông Lịch cho rằng việc Chính phủ cần làm là dứt khoát đặt mục tiêu lạm phát năm 2012 phải một con số, tức dưới 10%. “Nếu 2012 vẫn hai con số sẽ mất dần thành quả đã đạt trong nhiều năm” - ông Lịch nói.

Giá cả tăng cao khiến nhiều người đắn đo khi đi chợ. Trong ảnh: mua bán thịt heo ở chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Hòa Bình đánh giá VN cứ lặp đi lặp lại chu kỳ lạm phát, suy giảm, lạm phát... Vì vậy, ông Sơn đề nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết dứt điểm lạm phát. Đề cập đến khía cạnh khác của lạm phát, ông Sơn cho rằng hiện doanh nghiệp đang khó tiếp cận vốn để sản xuất nên Chính phủ cần tìm cách tháo gỡ vốn đến những địa chỉ cần thiết, nếu không sẽ có nguy cơ thiếu hàng hóa, tiếp tục đẩy giá hàng hóa lên cao.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Cà Mau cũng chuyển thông điệp từ người dân mong Chính phủ sớm tìm ra giải pháp mạnh hơn để thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Lạm phát đang gây nhiều bức xúc trong xã hội, hiện vẫn chưa chống được lạm phát căn cơ và bền vững. Ông Hoàng đề nghị trước mắt Chính phủ không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng năm 2012 mà tăng trưởng phải thấp hơn 2011 để chống lạm phát.

Đề cập vấn đề nhiều người lo ngại là mức nợ công của VN, ông Trần Du Lịch cho rằng cần có cách nghĩ khác về thế nào là mức nợ công an toàn? Với điều kiện VN, không thể không vay, nhưng theo ông Lịch, điều cần quan tâm, cần đánh giá là khả năng trả nợ và việc thất thoát trong đầu tư. “Không thể nói đơn giản cứ nợ công ở mức 60-65% GDP là an toàn”.

Ông Trần Du Lịch cũng bày tỏ trước diễn đàn QH nìềm vui khi Nghị quyết Hội nghị T.Ư3 vừa qua đã nói rất rõ phải tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trọng tâm. Nhấn mạnh tái cấu trúc đầu tư, ông Lịch đề nghị cần nhận thức đầu tư nhà nước mang tính động viên tái cấu trúc doanh nghiệp. Phải tuân thủ nguyên tắc: đồng tiền có hạn, bỏ vào đâu để kích thích xã hội.

Ông Lịch kiến nghị QH cần ra nghị quyết, đưa đầu bài rõ, giao Chính phủ thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.

Quan tâm hơn đến đời sống nông dân, công nhân khu công nghiệp

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường, Bắc Giang, chủ tịch Hội nông dân VN, thì đề nghị tăng quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo ông Cường, Nhà nước có tăng đầu tư nhưng tổng đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn giảm mạnh qua nhiều năm.

Cho rằng đây là điều bất hợp lý, ông Cường kiến nghị phải sửa các luật, quy định theo hướng tăng ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.

“Cần cải tiến công tác quản lý đầu tư nông nghiệp, phân định rõ trách nhiệm trong đầu tư. Việc nhà nước có ưu thế thì nhà nước làm, nếu không thì tập trung ưu đãi, có thể đổi đất lấy công trình” - ông Cường đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh, Hưng Yên: báo cáo của Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật, nhưng cũng cần đánh giá sâu hơn một số vấn đề, trong đó phải đánh giá rõ hiệu quả các DNNN những năm qua. Ông Thịnh nêu ngay cả ở những nơi kinh tế phát triển là cạnh các khu công nghiệp cũng đang có bức xúc lớn do tình trạng ô nhiễm và thiếu hạ tầng.

Theo ông Thịnh, môi trường khu công nghiệp, rồi tình trạng dân số tăng, nhà ở hạn chế tại các khu công nghiệp đang gây bức xúc. Vì vậy, cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp để chấn chỉnh tình trạng môi trường.


(Theo Tuổi trẻ)

Chính phủ cần tìm giải pháp mạnh hơn chống lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO