Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm

Viết Tuân 29/07/2023 06:42

Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội xem xét giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Nghị quyết ngày 28/7 phiên họp Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng thống nhất đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75 tuổi.

Về rút BHXH một lần, Chính phủ đánh giá đây là vấn đề khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội. Vì vậy, cơ quan soạn thảo có thể đưa ra hai phương án xin ý kiến Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định các biện pháp thiết thực hỗ trợ, khuyến khích lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, thay vì nhận BHXH một lần.

Rut-bao-hiem-5302-1690543131.jpg
Người dân rút bảo hiểm tại TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 4/2022. Ảnh: Đình Văn

Chính phủ thống nhất cần hỗ trợ từ ngân sách để tăng thêm quyền lợi, tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân. Điều này thể hiện chủ trương "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tham vấn nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội.

Sau 6 năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nhiều lao động không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản.

Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ rút thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm để lao động tiếp cận hưu trí.

Tại buổi tiếp xúc công nhân với đại biểu Quốc hội hồi tháng 5, nhiều người đề xuất Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nên chia thời gian đóng BHXH thành nhiều mức 10-15-20 năm làm điều kiện cho lao động hưởng lương hưu. Tỷ lệ nhận lương hưu tương ứng số năm đóng, tham gia càng lâu mức hưởng càng cao.

bna_Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn cho người dân tra cứu thông tin BHXH trên ứng dụng VSSID. Ảnh -  Thanh Hiền.JPG
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn cho người dân tra cứu thông tin BHXH trên ứng dụng VSSID. Ảnh; Thanh Hiền

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng giảm thời gian đóng cũng khó ngăn lao động rút BHXH một lần.

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án về rút BHXH một lần.

Phương án một, việc rút BHXH một lần sẽ giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau.

Nhóm đóng BHXH trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (trước 1/1/2025) sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia thì được rút một lần. Quy định này kế thừa Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội để lao động được chọn bảo lưu thời gian đóng hoặc rút nếu có nhu cầu. Nếu chọn bảo lưu, lao động sẽ hưởng thêm các quyền lợi.

Nhóm tham gia sau ngày luật sửa đổi có hiệu lực không được rút BHXH một lần, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án hai, lao động tham gia BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc, không đóng BHXH tự nguyện nếu có yêu cầu thì được rút một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hệ thống an sinh và hưởng chế độ.

Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.

Sau khi Chính phủ thống nhất, các nội dung nêu trên sẽ được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp tháng 10.

Theo vietnamnet.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO