Chính phủ họp trực tuyến thường kỳ: Nhiều đề xuất thiết thực từ các địa phương
(Baonghean.vn) - Sáng 1/7, Chính phủ tiếp tục phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 6/2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự phiên họp, về phía đầu cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Sáng nay phiên họp tiếp tục với phần nêu kiến nghị, đề nghị của các địa phương và các Bộ, cơ quan ngang bộ trả lời các giải đáp, thắc mắc.
Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An. |
Đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị phân cấp lại cho địa phương trong việc trùng tu bảo tồn các di tích lịch sử. Mong muốn Chính phủ cho phép thực hiện thêm hình thức bảo đảm bảo lãnh cho các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn. Về ngư dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm do Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải đề nghị chuyển đổi nghề cho người dân theo hướng xuất khẩu lao động.
Đại diện tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thực hiện 2 chương trình lớn là xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, có điều chỉnh các tiêu chí và cơ chế phù hợp với từng địa phương cụ thể.
Đại diện tỉnh Sóc Trăng phản ánh một số khó khăn của Sóc Trăng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nổi bật là tình trạng hạn mặn làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa gạo và đời sống người dân. Kiến nghị các bộ ngành liên quan cần có những nghiên cứu và dự báo để điều chỉnh quy hoạch sản xuất cho người dân đồng bằng sông Cửu Long, có biện pháp hạn chế việc sạt lở đất ven sông, biển.
Tình trạng hạn mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng gay gắt. Ảnh: internet. |
Tiếp đó là ý kiến phát biểu của đại diện các tỉnh, thành: Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Định, Hải Phòng, Hà Nam, Hòa Bình, Đồng Tháp, Lào Cai.
Đại diện tỉnh Đồng Nai kiến nghị một số nội dung về bồi thường tái định cư dự án sân bay Long Thành; mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn Đồng Nai cho 4 làn xe. Đối với tỉnh Khánh Hòa đề nghị về một số vấn đề như xây dựng đề án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, tăng mức ký quỹ trong thực hiện Luật Đầu tư công.
Ngư dân Bình Định sử dụng thiết bị câu cá ngừ đại dương từ Nhật Bản. Ảnh: Danviet |
Đại diện tỉnh Bình Định nêu các băn khoăn về tình trạng người nông dân đang dần xa ruộng đồng do thu nhập thấp từ sản xuất nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn chưa phát huy hiệu quả, cần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đề nghị tập trung nguồn lực hỗ trợ người nghèo và cận nghèo, chú trọng phát triển giáo dục và y tế.
Đại diện tỉnh Hà Nam mong muốn Chính phủ quan tâm triển khai các dự án kinh tế xã - hội liên vùng.
Về phía tỉnh Hòa Bình đề xuất một số nội dung như đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Hòa Bình, đề nghị xem lại việc phân cấp các bộ phận quản lý hành chính như trung tâm quản lý quỹ đất, các chi cục; không nên bàn giao y tế xã về tỉnh quản lý, xem xét không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích dùng cho hệ thống lưới điện quốc gia.
Tỉnh Lào Cai mong muốn Chính phủ hỗ trợ mở rộng quy hoạch, xây dựng Sapa thành khu du lịch trọng điểm quốc gia; đề nghị chuyển đường liên tỉnh Yên Bái - Lào Cai thành quốc lộ; xem xét ban hành, sửa đổi đối với việc sản xuất hóa chất trên địa bàn nhằm bảo vệ môi trường và bãi bỏ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải đáp các ý kiến tại phiên họp. |
Tỉnh Bình Dương đề xuất một số ý kiến về hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp. Còn đại diện tỉnh Đồng Tháp đề xuất một số nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có cơ chế cho khu kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp Mười.
Sau khi các địa phương phát biểu, đề xuất, đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ đã giải đáp các ý kiến của các địa phương và thông tin về các chương trình, chính sách liên quan. Theo đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin một số nội dung về thi tuyển công chức; tinh giản biên chế; cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, trong đó hướng tới xóa dần bao cấp đối với các dịch vụ công.
Cán bộ, chiến sỹ BCH Quân sự huyện Quỳ Châu cùng bà con bản Cằng làm đường giao thông nông thôn, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, thời gian tới tiếp tục nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới; duy trì phát triển các thị trường để kích thích nông nghiệp phát triển; mở rộng sản xuất và giảm chi phí trong nông nghiệp, trong đó tập trung cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản; tiếp tục chỉ đạo sắp xếp lại các nông - lâm trường quốc doanh; trong xây dựng nông thôn mới còn phát sinh một số vấn đề cần giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa giải đáp và thông tin về một số nội dung: bổ sung 4 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng đầu tư về giao thông; cơ cấu lại các hình thức vận tải, trong đó chú trọng kết nối các phương thức vận tải; quyết tâm giảm các tiêu chí tai nạn giao thông./.
Hoài Thu
TIN LIÊN QUAN |
---|