Chính quyền địa phương chưa vào cuộc

05/12/2011 14:47

(Baonghean) - Từ ngày 26/7, Đội công tác đặc biệt số 1 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Nghệ An được giao nhiệm vụ đấu tranh xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến quốc lộ 7. Gần 4 tháng triển khai nhiệm vụ, bước đầu đội công tác đã lập được kỷ cương khai thác khoáng sản trên các địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn...

"Vàng tặc" - "nóng" ở Con Cuông, Kỳ Sơn

Trước tiên là huyện Con Cuông, mấy năm qua, khu vực xã Bình Chuẩn giáp ranh với Tương Dương, Quỳ Hợp "vàng tặc" vẫn hoạt động hết sức ngang nhiên, trong khi chính quyền huyện, xã lại thờ ơ. Người ta tự do đưa máy móc, sàng tuyển công suất lớn vào để đào đãi vàng, dọc khe suối toàn những hầm, hố lớn nhỏ. Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều bản làng ở Bình Chuẩn không có nguồn nước để sinh hoạt. Thời điểm này vẫn còn 1 tàu cuốc nặng trên 100 tấn đang ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm tại khe Choăng, xã Châu Khê. Khi trao đổi với phóng viên, ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: "Đoàn liên ngành của tỉnh, huyện đã đẩy đuổi được "vàng tặc" và đã bàn giao hiện trường cho xã Bình Chuẩn. Còn tàu đang khai thác vàng tại khe Choăng thì anh hỏi thêm ông chủ tịch xã nắm rõ hơn". Anh Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Châu Khê, giải thích: "Tàu cuốc đang nằm tại địa bàn xã nhưng không hoạt động 3-4 tháng nay rồi". Dư luận địa phương đang đặt ra câu hỏi, hình như đã có một đường dây giữa một số quan chức địa phương và các "chủ" khai thác vàng trái phép được "thiết lập". Theo người dân địa phương thì mỗi lần có đợt truy quét của huyện vào Bình Chuẩn là các "vàng tặc" đều biết trước, họ sơ tán máy móc, sau kiểm tra thì đâu lại vào đấy. Đối với con tàu cuốc nặng khoảng trên 120 tấn, lắp ráp khoảng gần 30 ngày mới xong. Vậy không có ai "bao che" thì làm sao "vàng tặc" tự do đến vậy? Thượng tá Chu Minh Tiến - Trưởng đoàn công tác số 1 thừa nhận: "Việc tàu cuốc đang khai thác vàng trái phép tại khe Choăng là có thật, chúng tôi đang tiếp tục điều tra".

Vấn đề khai thác vàng sa khoáng trái phép dọc sông Nậm Mộ - Kỳ Sơn đang rất nóng bỏng. Mùa này nước cạn, người dân các xã Hữu Kiệm, Thị trấn Kỳ Sơn... chia nhóm 10 -15 người đem theo máy nổ Đông Phong, vòi hút rồi đào thành hầm hố, bới nát cả dòng sông để đãi vàng. Chính quyền xã, UBND huyện Kỳ Sơn mấy năm nay đã bất lực. Ông Vi Văn T, ở xã Hữu Kiệm -Kỳ Sơn đang khai thác vàng trên sông Nậm Mộ thản nhiên nói: "Chúng tôi chung nhau hơn 70 triệu đồng mua sắm máy và vòi hút để làm vàng. Làm hơn 10 ngày nay rồi cũng chẳng thấy ai kiểm tra. Mà kiểm tra thì lại cất máy, đoàn rút thì lại ra làm". Theo dư luận thì có một số cán bộ xã, bản cũng cùng chung "cổ phần" khai thác vàng thổ phỉ dưới sông, nên vấn đề dẹp được nạn khai thác vàng thổ phỉ là rất khó. Đội công tác đặc biệt số 1 ngay từ đầu tháng 1/2011 đã triển khai kiểm tra, xử lý, đốt 5 lều lán, thu giữ được một số máy móc. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp của chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động các đối tượng "vàng tặc" thì sợ rằng "đá ném ao bèo".

Đối với địa bàn huyện Tương Dương, hiện tại Công ty Kim Sơn (Hà Nội) được cấp phép thăm dò với diện tích lớn 322 ha. Đến thời điểm này công ty này đã hết phép thăm dò, nhưng không hiểu sao vẫn được các ngành chức năng cấp 400 kg thuốc nổ, gần 3.000 kíp mìn, và 2.000 dây cháy chậm. Đây quả thực là hiểm hoạ đáng báo động, đề nghị Đội công tác đặc biệt số 1 cần làm rõ, nếu cần thì phải tịch thu lại toàn bộ số thuốc nổ trên. Tại đỉnh Phu Phen, Công ty Bảo Lâm đang có giấy phép khai thác, tuy nhiên có dấu hiệu bán lại mỏ cho người Thái Nguyên. Ông Lô Thái Sinh - Chủ tịch UBND xã Yên Hoà - Tương Dương, cho biết: Điểm mỏ này khai thác không có hố lóng, nước thải xả trực tiếp ra khe suối, gây ô nhiễm môi trường cho nhiều bản làng.



Lực lượng liên ngành đốt hủy lán trại của "vàng tặc"
tại Phu Phen - Tương Dương.



Người dân mót vàng ở Tương Dương.

Liệu có "bắt cóc bỏ đĩa"?

Thượng tá Chu Minh Tiến-Trưởng Đoàn công tác số 1, cho hay: Đoàn được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến Quốc lộ 7. Bao gồm các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Ngoài việc kiểm tra hoạt động khai thác vàng thì Đoàn còn làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trên 40 mỏ đá được cấp phép khai thác, và có 18 mỏ đá vôi trắng được cấp phép thăm dò. Tập trung nhiều nhất là ở Tân Xuân (Tân Kỳ), xã Tràng Sơn, Trù Sơn, Mỹ Sơn (Đô Lương). Một số quặng, chì, kẽm, thiếc... nằm rải rác ở các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Đô Lương. Chưa kể là tình trạng khai thác cát sỏi trên các tuyến sông Lam, sông Con, sông Nậm Mộ ở các huyện Kỳ Sơn, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nam Đàn diễn biến phức tạp. Chủ yếu khai thác cát tự phát, người dân dùng thuyền hút cát trên sông, bán cho các tuyến ven bờ, dọc sông nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra xử lý. Nhiều lò gạch, ngói thủ công đang xả khói bụi tràn lan gây ô nhiễm môi trường.

Tuy gặp không ít những khó khăn, nhưng từ ngày 26/7 đến nay, Đội công tác đặc biệt số 1 đã tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 44 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Nộp vào ngân sách 705 triệu đồng. Trong đó, khai thác vàng sa khoáng 5 vụ (2 cá nhân, 3 tổ chức), khai thác đá xây dựng 7 vụ (1 cá nhân, 6 tổ chức), khai thác cát sỏi 14 vụ. Tạm giữ 18 phương tiện các loại, trong đó có 2 máy đào, 1 tàu cuốc, 14 thuyền, 9 máy nén hơi. Phá huỷ tại chỗ 8 máy nén hơi, máy xay đá, tháo dỡ 12 lều, lán trại và phá huỷ hàng chục đường ống dẫn nước lên đồi núi để làm vàng. Đẩy đuổi trên 200 người khai thác ở các khu vực khai thác vàng. Bước đầu ổn định nề nếp tại các xã trọng điểm làm vàng sa khoáng ở Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Thắng. Khai thác đá sỏi ở Thị trấn Tân Kỳ, Nghĩa Bình, Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng.

Ông Tiến nói thêm: Các đối tượng khai thác vàng trái phép chủ yếu là người ngoại tỉnh, khi đoàn kiểm tra đến thì họ thường trốn vào rừng, khó khăn cho công tác kiểm tra thu giữ các phương tiện. Đội không có phương tiện kiểm tra, xử lý các tàu thuyền hút cát sạn trên sông. Hầu hết ở nhiều xã có hoạt động khai thác khoáng sản, chính quyền địa phương không vào cuộc, thiếu sự hợp tác với đoàn công tác.

Theo tìm hiểu thì mặc dù Đội công tác đặc biệt số 1 được chốt chặn kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại các huyện dọc Quốc lộ 7, tuy đã triển khai xử lý được một số vụ vi phạm khai thác khoáng sản nhưng cũng chỉ như "đá ném ao bèo". Khai thác vàng thổ phỉ ở Kỳ Sơn vẫn gia tăng không hề suy giảm, khai thác cát, sỏi vẫn hỗn loạn gây nên sạt lở trầm trọng ở các huyện dọc sông Lam, Tân Kỳ, Đô Lương. Đề nghị chính quyền địa phương, các huyện cần có sự phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản trên địa bàn.


Vương Trần

Mới nhất
x
Chính quyền địa phương chưa vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO