Chính quyền và quân đội Mỹ bất đồng về vấn đề Biển Đông như thế nào
Trong khi quân đội Mỹ muốn có động thái kiên quyết như điều tàu vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, giới ngoại giao lại muốn kiểm soát một giai đoạn nhạy cảm trong quan hệ Mỹ -Trung.
Máy bay trinh sát P-8. Ảnh: Boeing. |
Lầu Năm Góc nhiều lần khẳng định có quyền điều tàu chiến, máy bay đến một loạt các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa ở Biển Đông. Hải quân Mỹ không tiết lộ họ đã thực thi việc cử tàu hay chưa, nhưng các chỉ huy quân đội và những nghị sĩ cứng rắn trong quốc hội Mỹ muốn có hành động mạnh mẽ để phản đối Trung Quốc, bằng cách đưa tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, làm rõ lập trường rằng Mỹ không chấp nhận việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở đó.
"Chúng ta hạn chế tầm hoạt động của hải quân ngoài vùng 12 hải lý tính từ đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đó là sai lầm nguy hiểm, bởi đó chính là sự công nhận trên thực tế tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo", Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói với Politico.
Phe quân sự kiên quyết
"Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng, họ đã và đang xây dựng đảo nhân tạo tại các rạn san hô và bãi đá", Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, hai tuần trước nói tại Hội nghị an ninh ASPEN. "Tôi tin rằng các hành động của Trung Quốc để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông có thể dẫn đến những hậu quả sâu rộng đối với an ninh và kinh tế của chúng ta, bằng cách phá vỡ các quy tắc và các chuẩn mực quốc tế, được cộng đồng quốc tế xây dựng trong nhiều thập kỷ", Harris cảnh báo.
Tư lệnh Harris thể hiện quan điểm của ông, và rộng hơn là của Bộ Tư lệnh khu vực, khi phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện tháng 12 năm ngoái. Ông nói rằng việc điều tàu chiến vào trong vùng 12 hải lý "là điều cần thiết để hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện của mình và khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng đã làm tăng thêm bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh về tự do hàng hải. Mỹ và hầu hết các nước khác, dựa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), cho rằng một quốc gia ven biển có quyền thực hiện các hoạt động kinh tế như đánh bắt cá và thăm dò dầu khí trong một khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý, quyền điều khiển các hoạt động quân sự trong phạm vi 12 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định họ có thể điều chỉnh các hoạt động kinh tế và quân sự trong cả phạm vi 200 hải lý.
Nhưng với các đảo nhân tạo, Trung Quốc không có bất cứ quyền gì cả, theo quan điểm của Raul Pedrozo, luật sư cấp cao của Lầu Năm Góc, người từng kêu gọi Mỹ "không nhượng bộ về tự do hàng hải ở Biển Đông".
Pedrozo đưa ra lời kêu gọi trong một bài báo được công bố bởi Diễn đàn Đông Á, Đại học Quốc gia Australia rằng "những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng vốn là phía trên những rạn san hô và bãi đá, do đó nó không được hưởng lãnh hải 12 hải lý. Vì vậy, tàu và máy bay Mỹ có thể hoạt động một cách hợp pháp trong khu vực 12 hải lý này".
Pedrozo kết luận bài viết của mình một cách quả quyết: "Mỹ sẽ không đành chấp nhận các hành vi đơn phương, gây phương hại đến quyền và tự do của cộng đồng quốc tế".
Tranh chấp tại Biển Đông không chỉ đơn giản là cuộc tranh chấp chủ quyền. Sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nếu Trung Quốc áp đặt kiểm soát tại đây. 5 nghìn tỷ USD là giá trị thương mại giao dịch quốc tế hàng năm qua Biển Đông. Đây là nơi dầu mỏ Trung Đông đến với các thị trường châu Á, đồ chơi trẻ em đến với các cửa hàng Wal-Mart ở Mỹ. Nếu Trung Quốc cố gắng hạn chế tự do đi lại ở đây thì điều này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã minh họa việc này trong một chuyến thăm tới Singapore hồi tháng 5, khi ông cùng các phóng viên bay trên eo biển Malacca, ông đã thấy được sự đông đúc của các tàu qua lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong chuyến viếng thăm đó, Carter tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tự do hàng hải ở khắp mọi nơi để chắc chắn rằng quyền tự do hàng hải được thực thi.
Ông nhắm mục tiêu trực tiếp vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc. "Mỹ sẽ cho tàu, máy bay đến và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, giống như hoạt động lực lượng Mỹ đã làm trên toàn thế giới, cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Washington sẽ không nản chí trong việc thực hiện những quyền này, vì đó là quyền lợi của tất cả các quốc gia. Xét cho cùng, việc biến một tảng đá dưới nước thành một sân bay rõ ràng là không đủ căn cứ để có các quyền về chủ quyền và hạn chế quá cảnh hàng không, hàng hải quốc tế".
Khoảng thời gian này, hải quân Mỹ đã khiến truyền thông xôn xao khi điều máy bay tuần tra P-8 Poseidon trinh sát gần các đảo nhân tạo, cùng với phóng viên của CNN. Nhân viên không lưu Trung Quốc đã cảnh báo qua radio rằng máy bay Mỹ phải rời khỏi cái Trung Quốc gọi là "khu quân sự hạn chế". Hải quân Mỹ sau đó công bố video về chuyến bay, trong đó có thể thấy cơ sở vật chất được xây dựng trên một đảo nhân tạo và lời cảnh báo từ Trung Quốc.
Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã tạo ra khoảng 3.000 mẫu (12 km2) đất đai trên nhóm các đảo nhân tạo ở Biển Đông bằng cách bơm hàng nghìn tấn cát lên trên các rạn san hô và bãi đá. Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã triển khai pháo, xây dựng đường băng, xây các tòa nhà và lắp đặt radar định vị cùng các thiết bị khác. Tuần trước, tướng Philippines Hernando Iriberri nói với các nhà báo tại Manila rằng họ đang điều tra các báo cáo về việc Trung Quốc khai hoang thêm ba rạn san hô mới ở Biển Đông.
Chính quyền cân nhắc
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định rằng hoạt động của quân đội sẽ không thay đổi. "Quân đội Mỹ đã và sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động phù hợp với các quyền, tự do, và hợp pháp ở Biển Đông," Trung tá hải quân William Urban cho biết. "Tự do hàng hải là nền móng của an ninh, hòa bình và thương mại ở Thái Bình Dương. Không có đất nước nào có thể thực hiện những hoạt động gây ảnh hưởng đến các đất nước khác".
Nhưng khi được hỏi về cuộc thảo luận nội bộ về phương án điều tàu vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc, ông lại ngần ngại trả lời. "Chúng tôi sẽ không thảo luận về các lịch trình cụ thể hoặc kế hoạch chi tiết".
Hội đồng an ninh quốc gia cũng từ chối bình luận về các tranh chấp hoặc những phương hướng của Nhà Trắng. Chính quyền Obama bị coi là cố tránh một cuộc đối đầu bằng cách từ chối nói về hoặc thực thi việc đi vào vùng 12 hải lý. Trong khi đó, phe Cộng hòa đang ra sức gây áp lực với chính quyền, trước khi ông Tập thăm Mỹ vào tháng tới. Họ muốn ông Obama thể hiện quan điểm quyết liệt hơn đối với các động thái gây tranh cãi của Trung Quốc.
Các nguồn tin khác trong quân đội và chính quyền thừa nhận sự bất đồng quan điểm này, nhưng không công khai thảo luận trên báo chí. Việc tranh luận diễn ra trong lúc lãnh đạo các quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc sắp dự một hội nghị an ninh khu vực tuần này ở Malaysia, trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9.
"Chính quyền dường như đang bế tắc trong việc ra quyết định về chính sách này", một thành viên quốc hội nói. "Bởi vì đó sẽ là tin xấu trước chuyến thăm của ông Tập vào tháng 9".
"Chính quyền cần làm rõ vấn đề này", ông nói thêm. "Chúng ta sao có thể khiến Trung Quốc có thiện chí và đóng góp cho hệ thống luật pháp quốc tế trong khi họ vẫn có những hành động ngang nghiên phá hoại trật tự luật pháp ở châu Á. Chúng ta cần có kế hoạch đảm bảo tự do hàng hải bằng cách tuần tra và tập trận chung ở chuỗi đảo thứ nhất, đặc biệt là ở Biển Đông".
(Theo Politico/VN+)
TIN LIÊN QUAN