Chính sách khó đi vào cuộc sống
Đã hơn 2 năm, kể từ khi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho vay đầu tư trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản có hiệu lực, nhưng trên địa bàn Nghệ An chưa có một đối tượng nào được vay vốn từ chính sách này. Trong khi đó, mỗi năm tỉnh ta thất thu khoảng 100 tỷ đồng do tổn thất sau thu hoạch thủy hải sản.
(Baonghean) - Đã hơn 2 năm, kể từ khi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho vay đầu tư trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản có hiệu lực, nhưng trên địa bàn Nghệ An chưa có một đối tượng nào được vay vốn từ chính sách này. Trong khi đó, mỗi năm tỉnh ta thất thu khoảng 100 tỷ đồng do tổn thất sau thu hoạch thủy hải sản.
Tỉnh ta được đánh giá là địa phương có ngành nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản lớn ở khu vực Bắc Trung bộ. Sản lượng khai thác hàng năm hơn 100.000 tấn các loại. Trong đó, có những đối tượng có giá trị xuất khẩu lớn như mực, cá thu … Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất sau đánh bắt lên là khoảng từ 15 - 20%, tức là thất thoát khoảng 20.000 tấn, tương ứng khoảng 100 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của những tổn thất này là do tàu khai thác trên biển chủ yếu có công suất nhỏ, thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác. Hầu hết các tàu đều áp dụng phương pháp bảo quản bằng đá lạnh xay, thậm chí có nhiều tàu hiện vẫn giữ phương pháp bảo quản truyền thống bằng cách ướp muối, chỉ những tàu có công suất lớn mới bố trí các hầm chứa cách nhiệt, thực hiện phân loại bảo quản với sản phẩm phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Còn lại hầu hết các tàu nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm, nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản, làm giảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Ông Tô Ngọc Trường, thôn Minh Sơn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết, tàu ông có công suất 420CV, chủ yếu đánh bắt hải sản ở ngư trường đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và các tỉnh ven biển miền Trung, bám khơi từ 10 - 15 ngày, nhưng do sử dụng công nghệ ướp thủ công bằng xay đá cây, khó bảo quản sản phẩm lâu, tàu phải cập bờ sớm để bán. “Để có được các thiết bị thủy sản tốt cần nhiều vốn, trong khi chúng tôi khó tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng do nghề đánh bắt hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng quay vòng vốn chậm. Mỗi chuyến đi biển, đánh bắt được khoảng 7 tấn cá. Tuy nhiên, khi cập bến và bán cho thương lái thì số lượng cá chỉ còn khoảng gần 6 tấn đảm bảo chất lượng. Tỷ lệ thất thoát là khoảng 15%” - ông Trường cho biết. Bên cạnh đó, hiện chưa có các tàu thuyền làm dịch vụ ngay trên biển nên sản phẩm người dân khai thác không được vận chuyển kịp thời về đất liền nên chất lượng giảm sút.
Thu mua cá tại cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu).
Việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá ở nhiều địa phương cũng còn hạn chế. Thực tế, các cảng cá trên địa bàn tỉnh như Lạch Vạn, Lạch Quèn… dù đã được đầu tư nạo vét, mở rộng nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng được. Ở các cảng cá này hiện vẫn chưa có khu tiếp nhận, phân loại hải sản, giữa cầu cảng với khu tiếp nhận vẫn còn một khoảng cách khá xa nên sản phẩm tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời làm giảm chất lượng hải sản. Tại các chợ trong cảng cá cũng chưa được đầu tư đồng bộ nên sản phẩm sau khi thu hoạch về chưa được bảo quản một cách tốt nhất. Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 100 cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư, nhiên liệu nhưng hầu hết quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là phân phối sản phẩm, khâu chế biến còn sơ sài thủ công.
Tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ cho vay đầu tư trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông - thủy sản. Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, tổ chức hộ gia đình, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất để mua các máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản; vật tư, thiết bị xây dựng, cải tạo các ao (hồ) nuôi thủy sản; thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thủy sản. Thiết bị làm lạnh, cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch được miễn tiền thuê đất…
Tuy nhiên, đã hơn 2 năm trôi qua nhưng trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có một cá nhân, tổ chức nào tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. Ông Tư Lâm, Trưởng phòng Chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) cho biết: Mặc dù, Quyết định 63 và sau đó là Quyết định 65 đã được triển khai trên địa bàn tỉnh ta nhưng chưa có một đối tượng nào tham gia. Thực tế trước khi có 2 quyết định này, thì tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cụ thể như Quyết định 10 và hiện đang triển khai là Quyết định 09 rất được người dân đón nhận và cho thấy hiệu quả, ý nghĩa thực tiễn cao. Trong khi đó, Quyết định 63 thì khó áp dụng trên địa bàn tỉnh ta. Bởi trong quyết định có một yêu cầu là máy móc thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60% mới nằm trong danh mục được hỗ trợ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Dương, Trưởng phòng Tín dụng, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh cho biết: Sau khi Quyết định 63 có hiệu lực, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng cơ sở tập trung tuyên truyền và hướng dẫn cho các đối tượng có nhu cầu và đủ hồ sơ làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một đối tượng nào làm thủ tục. Nguyên do tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nên không có nhu cầu tham gia vay vốn theo Quyết định 63. Bên cạnh đó, hiện các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ nên chưa có nhu cầu vay vốn để đầu tư hệ thống máy móc thiết bị lớn. Mà các máy móc nằm trong danh mục được hỗ trợ theo Quyết định 63 hầu hết được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong miền Nam. Đây là điều khiến người dân của chúng ta ngại ngần khi tham gia vay vốn.
Để giảm tổn thất sau thu hoạch với khai thác thủy hải sản xuống dưới mức 10% đến năm 2020 theo mục tiêu của Bộ NN&PTNT, Nhà nước cần hỗ trợ ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc thực hiện các đề án khoa học trong lĩnh vực nâng cao chất lượng bảo quản sau thu hoạch thủy sản, trong đó cần xây dựng quy trình công nghệ xử lý, bảo quản trên tàu khai thác xa bờ. Các địa phương cần tuyên truyền để ngư dân thành lập các tổ hợp sản xuất trên biển để giúp nhau trong khai thác và đầu tư các dịch vụ hậu cần để nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hàng năm cần có kinh phí đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá để xây dựng đồng bộ các khâu trong bảo quản, có chính sách cho ngư dân vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, các ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn do trình độ của họ còn hạn chế…
Bài, ảnh: Phạm Bằng