Chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/7
Cơ quan chức năng không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng từ 270.000 lên 360.000 đồng, từ ngày 1/7.
Không cấp mới sổ hộ khẩu
Luật Cư trú sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Theo Thông tư 55 của Bộ Công an, khi công dân đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp.
Cơ quan này sẽ điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Như vậy, những người không làm các thủ tục nêu trên thì không bị thu hồi sổ hộ khẩu. Sổ này vẫn được sử dụng bình thường đến hết năm 2022.
Để phục vụ quản lý dân cư theo hình thức mới, từ hôm nay hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân sẽ bắt đầu vận hành. Đây là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, triển khai từ cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Một thay đổi quan trọng trong Luật Cư trú sửa đổi là điều kiện đăng ký thường trú từ nay sẽ giống nhau tại tất cả tỉnh, thành. Trước đó, Luật Cư trú 2006 quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, tại các thành phố trực thuộc trung ương và tại nội thành thủ đô Hà Nội.
Từ 1/7, cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Ảnh: Xuân Hoa |
Trợ cấp mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn
Pháp lệnh ưu đãi về người có công có hiệu lực từ ngày 1/7, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005, quy định mức trợ cấp hàng tháng với bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng ba lần mức chuẩn.
Mức chuẩn để xác định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Theo quy định trước đó, bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng tiền tuất theo số con liệt sĩ cộng phụ cấp. Nếu mẹ có một con là liệt sĩ được hưởng 1.624.000 đồng cộng với phụ cấp 1.361.000 đồng; mẹ có hai con là liệt sĩ được hưởng tiền tuất 3.248.000 (1.624.000x2) cộng với phụ cấp.
Tuy nhiên, Pháp lệnh mới không quy định trợ cấp tuất theo số con liệt sĩ mà các mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng ba lần mức chuẩn (1.624.000x3 = 4.872.000 đồng) cộng phụ cấp. Như vậy, hàng tháng mỗi mẹ Việt Nam anh hùng sẽ nhận được 6.233.000 đồng.
Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, với việc nâng mức trợ cấp, cùng với phụng dưỡng của xã hội, bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ có cuộc sống tốt hơn mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ. Pháp lệnh giữ nguyên quy định ưu đãi khác dành cho bà mẹ Việt Nam anh hùng như trợ cấp người phục vụ (với mẹ sống ở gia đình); điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm...
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội
Theo Nghị định 20, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7 là 360.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng so với Nghị định 136/2013. Mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.
Theo đó, trẻ mồ côi dưới 4 tuổi; trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp 900.000 đồng mỗi tháng (thay cho mức 675.000 đồng). Người từ đủ 60 đến đủ 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng một tháng (thay cho mức 405.000 đồng). Người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp 720.000 đồng một tháng (thay cho mức 540.000 đồng). Người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng mỗi tháng (thay cho mức 405.000 đồng)...
Nghị định 20 cũng quy định chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà ở xã hội. Có 6 hình thức hỗ trợ khẩn cấp, gồm: cấp lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; trả chi phí điều trị người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác; tạo việc làm, phát triển sản xuất.
Thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: PV |
Thêm đối tượng được cấp bảo hiểm y tế miễn phí
Nghị định 20 bổ sung nhiều đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí. Đối tượng thứ nhất là người thuộc diện hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
Thứ hai, người từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được cấp Bảo hiểm y tế miễn phí.
Thứ ba là trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Phải thông báo kết quả HIV dương tính cho người chung sống như vợ, chồng
Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi có hiệu lực từ 1/7. Luật quy định, người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn; người chung sống như vợ chồng với mình.
Luật bổ sung nhóm được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có người chuyển đổi giới tính; phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy; người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó thăn; người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.