Chính trường Mỹ "nóng" lên cùng khí hậu toàn cầu?

25/04/2015 08:11

(Baonghean) - Thứ Tư, ngày 22/4 và cũng là ngày Trái Đất, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn công viên quốc gia Everglades ở phía Nam bang Florida để tổ chức mít tinh, đọc diễn văn phát biểu. Trước đó vài ngày, ông cũng chọn môi trường làm chủ đề trọng tâm của tuần, khẳng định "Không có mối đe doạ nào đến hành tinh của chúng ta nguy hiểm hơn là hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu".

Công viên quốc gia Everglades là một trong những khu bảo tồn sinh thái đa dạng sinh học có diện tích lên đến 60.000 ha. Tại đây có những đầm lầy với "cư dân" chủ yếu là các loài cá sấu. Ngoài ra, Everglades còn là thiên đường của các loài chim nước và là hành lang di cư của loài chim. Tuy nhiên, thiên đường của tự nhiên và điểm du lịch sinh thái ưa thích của người Mỹ ấy từ lâu đã bị đe doạ bởi sự phát triển chóng mặt của đô thị Miami. Nguy hiểm hơn, hiện tượng nóng lên toàn cầu, tăng mực nước biển đang đặt nguồn dự trữ nước ngọt khổng lồ này trước nguy cơ bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ sinh thái chung.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) thăm Công viên Everglades, Florida ngày 22/4.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) thăm Công viên Everglades, Florida ngày 22/4.

Không có gì khó hiểu khi ông Obama lại chọn Everglades làm địa điểm để nhắc lại những cảnh báo đã từng được nêu trong bản báo cáo hồi tháng 10 năm 2014 của Lầu Năm Góc, rằng diễn tiến của hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ. Ông tuyên bố: “Đây không phải là vấn đề đặt ra cho thế hệ con cháu chúng ta. Hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu là điều không thể nào phủ nhận. Chúng ta không thể giấu giếm điều đó nữa”.

Thông qua động thái đề cao sự cấp thiết của vấn đề môi trường và khí hậu, có vẻ như ông Obama đang một lần nữa củng cố sức nặng của một loạt các biện pháp đã triển khai nhằm giảm lượng khí thải nhà kính. Tham gia vào Hội thảo về khí hậu tại Paris hồi tháng 12 năm 2014, Washington đã cam kết đến năm 2025 sẽ giảm 26 - 28% lượng khí thải so với năm 2005. Mục tiêu chung mà hội thảo đề ra là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 20C từ nay cho đến cuối thế kỷ XXI.

Những tuyên bố trên cũng đồng nghĩa với việc Obama đặt các đối thủ phe Cộng hòa ở thế phòng thủ: Cả hai đảng phái chính trị lớn của Mỹ sẽ phải phối hợp cùng giải quyết vấn đề môi trường, khí hậu. Bên cạnh đó, đây cũng là “đòn công kích” đối với các đảng viên theo chủ nghĩa hoài nghi đối với các vấn đề môi trường đến từ đảng Grand Old Party. Một trong những lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ nhắm trực tiếp vào Chủ tịch Ủy ban Hạ viện chịu trách nhiệm cho các vấn đề về môi trường và xây dựng cơ bản James Inhof và người đứng đầu bang Florida - ông Rick Scott.

Đối với những hoài nghi, ý kiến tìm cách phủ nhận hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu đến từ những đảng viên Cộng hòa thân cận với đảng Tea Party này, Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Mùa Đông vừa qua khá lạnh ở một vài khu vực trên cả nước, tuy nhiên, ở quy mô toàn cầu thì đây là mùa Đông nóng nhất mà lịch sử khí tượng học từng ghi nhận”. Được biết, ông Rick Scott đã cấm Sở Bảo vệ môi trường Florida sử dụng thuật ngữ “thay đổi khí hậu” - điều mà ông hết sức phủ nhận. Trước khi Tổng thống Mỹ đến thăm Florida, ông Scott cũng bày tỏ sự “hối lỗi” vì đã chậm trễ trong việc phân bổ nguồn ngân sách liên bang dành cho Everglades.

Một sự tình cờ - dù người phát ngôn của Tổng thống đã bác bỏ giả thiết này - khi Florida có hai đại biểu sẽ tham dự cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và cả hai đều là đảng viên Đảng Cộng hòa. Hạ nghị sỹ Marco Rubio là người thứ nhất tự ứng cử và người thứ hai - cựu Thống đốc Jeb Bush - có lẽ cũng sẽ sớm “lộ diện”. Vậy thì, liệu chuyến đi này có phải là nước cờ gây sức ép của Tổng thống Obama? Nên nhớ rằng thay đổi khí hậu là chủ đề “nhạy cảm” đối với các đảng viên Đảng Cộng hòa. Trước câu hỏi đặt ra liệu con người có chịu môt phần trách nhiệm đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu, câu trả lời truyền thống của đảng Cộng hòa vẫn là “tôi không phải là nhà khoa học” - cái phao giúp họ trốn tránh vấn đề.

Một sự mâu thuẫn thú vị là trong khi Nghị viện Cộng hòa ủng hộ cho việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt) và tỏ thái độ bất hợp tác với những biện pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính mà Nghị định của Tổng thống Obama đề ra thì cử tri Cộng hòa lại có thái độ thiện cảm và quan tâm hơn nhiều đến những thông điệp cảnh báo về hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Vào tháng 1 vừa qua, tờ New York Times đã phối hợp với Trường Đại học Stanford và Quỹ Tài nguyên cho tương lai cùng thực hiện một cuộc điều tra khảo sát ý kiến cử tri. Kết quả cho thấy số cử tri có ý định ủng hộ cho một ứng viên theo đuổi cuộc đấu tranh chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu chiếm đa số (48%). Chỉ có 24% cử tri bày tỏ nguyện vọng ủng hộ cho ứng viên theo đuổi “lý tưởng” truyền thống của Đảng Cộng hòa, theo đó hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu chỉ là một trò “chơi khăm”.

Cũng thông qua cuộc điều tra này, cho thấy thái độ phản đối mạnh mẽ của những phần tử cố hữu cực đoan nhất của đảng Cộng hòa đối với sự cần thiết phải hành động, ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đó là những thành viên của đảng Tea Party - một đảng mà sự trỗi dậy mạnh mẽ đến kinh ngạc đã từng làm “rung chuyển” chính trường Mỹ trong kỳ bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ trước. Nếu như ý tưởng về sự thay đổi toàn diện hệ tư tưởng của người Mỹ về những vấn đề nóng, nhạy cảm và cố hữu của xã hội Mỹ như bình đẳng xã hội, phân biệt chủng tộc,... đã từng là điểm nhấn của chiến dịch tranh cử của ông Obama nhiệm kỳ trước thì liệu lần này, quân bài môi trường, khí hậu có giúp ông “làm nên chuyện”?

Thục Anh

(Theo Le Monde)

Chính trường Mỹ "nóng" lên cùng khí hậu toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO