Chính trường Mỹ "nóng" từng ngày!

03/11/2014 10:10

(Baonghean) - Ngày 4/11 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, vì thế chính trường nước này đang “nóng” lên từng ngày. Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này được chú ý đến vì nhiều lý do, từ chuyện uy thế chính trị của Tổng thống Barack Obama đang xuống thấp cho đến những dự đoán Đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Chưa rõ kết quả cuối cùng như thế nào, nhưng nhiều cử tri Mỹ đang thất vọng với hoạt động của Quốc hội Mỹ trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cho rằng, Tổng thống Obama sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho 2 năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông. Đâu là lý do của tình trạng này?

Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 4/11 tới đây, hàng loạt cuộc thăm dò dư luận do các hãng tin uy tín thực hiện cho thấy, không chỉ đảng Dân chủ bị đánh giá kém hiệu quả, mà đảng Cộng hòa cũng không chiếm được thiện cảm của đa số người dân. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội khóa 113 của Mỹ hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử. Cuộc thăm dò của Báo “Bưu điện Washington” và kênh tin tức ABC vừa công bố cho thấy, có đến 68% cử tri Mỹ cho rằng, nước Mỹ “đang đi sai đường”.

Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là, vì sao cử tri Mỹ lại có những nhận định như vậy? Mặc dù ngành Tài chính Mỹ còn lâu mới hồi phục và vẫn còn tình trạng nợ lương, song công bằng mà nói, nền kinh tế đã tăng trưởng dần trong suốt 4 năm qua và có thể coi là đang ở tình trạng tốt hơn so với châu Âu hay Nhật Bản. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 5,9% so với mức đỉnh điểm 10% cách đây 4 năm. Giá khí đốt cũng ở mức thấp trong 4 năm qua. Tuy nhiên, nước Mỹ lại đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng và khó có thể kiểm soát, từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, cho đến dịch Ebola. Mặc dù vậy, đây không phải là những thách thức mới mẻ, ít nhất là kể từ sự kiện 11/9/2001.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thống đốc bang Illinois Pat Quinn tham dự cuộc mít tinh trước bầu cử ở Chicago. ảnh Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thống đốc bang Illinois Pat Quinn tham dự cuộc mít tinh trước bầu cử ở Chicago. ảnh Reuters

Giới phân tích cho rằng, gốc rễ của thái độ bất bình trong mùa bầu cử lần này có vẻ như không phải xuất phát từ những thăng trầm của các sự kiện, mà nằm ở thực tế là người dân ngày càng có cảm giác rằng, các thể chế chính trị quốc gia, vốn bị trói buộc bởi sự chia rẽ đảng phái đã không còn làm việc hiệu quả. Đây cũng là một lý do khiến các ứng cử viên của cả hai đảng trong cuộc chạy đua vào mùa Thu năm nay đều ra sức tuyên truyền về thiện chí hợp tác với phe đối lập của mình.

Một mối quan tâm khác của cử tri Mỹ là kết quả của cuộc bầu cử lần này, bởi nó không chỉ tác động tới tình hình an ninh chính trị Mỹ 2 năm tới, mà còn ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Theo kết quả các cuộc điều tra, triển vọng kết quả bầu cử tại Hạ viện tương đối rõ ràng, với chiến thắng gần như chắc chắn thuộc về đảng Cộng hòa. Vấn đề còn lại hiện nay là liệu đảng Cộng hòa có giành được quyền kiểm soát Thượng viện từ tay đảng Dân chủ hay không? Giới quan sát cho rằng, có lý do để điều này trở thành hiện thực. Bởi thông thường, cử tri đảng Dân chủ bỏ phiếu ở các cuộc bầu cử giữa kỳ không đông bằng cử tri đảng Cộng hòa.

Một số khá đông cử tri đảng Dân chủ hăng hái bỏ phiếu chọn tổng thống, nhưng lại không tham gia vào cuộc bầu cử giữa kỳ. Ngược lại, cử tri Cộng hòa không hài lòng với chính sách của ông Obama sẽ hăng hái đi bầu, dùng lá phiếu của họ để giúp đảng có thế vững vàng hơn ở lập pháp, xem đó là bước mở đầu cho mục tiêu lấy được ghế tổng thống để điều khiển hành pháp vào năm 2016. Thêm nữa, từ đầu năm đến giờ, uy thế chính trị của Tổng thống Obama giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc vận động của những ứng cử viên cùng đảng Dân chủ. Một thăm dò dư luận của Washington Post và ABC News cho thấy, mức tín nhiệm Tổng thống Obama là 43%. Một yếu tố nữa là trong lịch sử, đảng của Tổng thống đương nhiệm luôn không giành được ưu thế trong bầu cử giữa kỳ.

Bill Clinton là Tổng thống duy nhất kể từ năm 1945 không mất ghế Thượng viện trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình. Thế nên, nếu như giành được quyền kiểm soát đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện, thì đảng Cộng hòa không chỉ có vị thế hơn hẳn đảng Dân chủ, mà còn có khả năng gây khó khăn cho 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Có thể thấy, trong gần 6 năm ông Barack Obama làm Tổng thống, nhiều vấn đề đối nội cấp bách từ chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư, đến hạn chế buôn bán súng, đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe đều bế tắc. Và nếu cục diện đúng như suy đoán, thì thời gian còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama sẽ không ít chông gai.

Bầu không khí trên chính trường Mỹ đang “nóng” lên từng ngày, song tương quan lực lượng giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ có thay đổi hay không còn chờ kết quả sau ngày bầu cử 4/11 sắp tới.

Thanh Huyền

Chính trường Mỹ "nóng" từng ngày!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO