Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,4 tỉ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (năm 2021 xuất khẩu đạt 3,55 tỉ USD). Trong khi đó, nhập khẩu rau, quả đạt trên 2 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2021. Như vậy, ngành rau, quả vẫn xuất siêu khoảng 1,3 tỉ USD.
Mặc dù xuất khẩu rau, quả của nước ta vẫn lớn hơn nhập khẩu hàng tỉ đô la nhưng nhìn khoảng cách chênh lệch giữa xuất và nhập hình như ngày càng xích lại gần nhau. Chuyện nhập khẩu rau, quả được đánh giá là bình thường khi đất nước có nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và có rất nhiều người dân trong nước thích ăn rau, quả ngoại. Thế nhưng, một khi cán cân xuất và nhập khẩu rau, quả bị rút ngắn, rõ ràng có sự lo lắng “không hề nhẹ”. Chúng ta càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới thì cuộc đua về năng suất, chất lượng, giá cả càng khốc liệt đối với tất cả các mặt hàng, song lo lắng cho ngành rau, quả là điều không chỉ các cấp, ngành quan tâm mà mỗi người dân cũng cần nhìn nhận đúng đắn.
Rau, quả là mặt hàng “mùa nào thức nấy”. Các vùng đất đặc trưng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển rau, quả, nhưng biến đổi khí hậu đang ngày càng khó lường, trong khi việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác chưa sâu rộng, dẫn đến nhiều vụ mùa thất bát. Ở diễn biến liên quan, nhiều nước không có lợi thế đang áp dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật để có nhiều rau, quả phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đáng chú ý, đối tác lớn nhất của ngành rau, quả Việt Nam là Trung Quốc, ở chiều xuất khẩu (11 tháng) đạt gần 1,4 tỉ USD, giảm 22% so với năm 2021, thị phần giảm từ 54% xuống còn 45% trong năm nay. Trong khi đó, nhập khẩu rau, quả từ Trung Quốc đạt 765 triệu USD, tăng 83% và thị phần tăng từ 31% lên gần 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Con số thống kê trên cho thấy, chúng ta vẫn xuất siêu rau, quả, nhưng rõ ràng cán cân xuất và nhập đang bị thu hẹp. Sau đại dịch, Trung Quốc mở lại các cửa khẩu, đồng nghĩa xuất, nhập khẩu sẽ sôi động, nhưng thuận lợi và khó khăn đan xen. Đáng chú ý là các loại rau, quả Trung Quốc được tiêu thụ mạnh ở thị trường Việt Nam gồm táo, nho, cam, quýt, tỏi, đậu xanh, hành tây, hành củ, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp… Những thứ đó, nước ta vẫn có thể sản xuất tốt, song thị phần đã bị thu hẹp. “Cơm không rau, đau không thuốc” – rau, quả ở nước ta là lương thực, thực phẩm và nhiều loại được xem như vị thuốc rẻ tiền nhưng hiệu quả cao… Vì thế, vấn đề củng cố vững chắc “chỗ đứng” của rau, quả có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nông nghiệp.
Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Tư liệu