“Cho nó ổn định...“
(Baonghean.vn) - “Đã là thuyền thì phải là ở trên biển, thuyền nằm yên trên bờ chỉ có thể là chiếc thuyền đã bỏ đi...”.
“Vì sao em tốt nghiệp loại Giỏi ngành Kế toán mà lại xin vào một vị trí không liên quan gì đến ngành học thế này?”
“Dạ, em không hề thích ngành này, mẹ em ép em học để sau này vào cơ quan mẹ làm thế chân cho nó ổn định nên em theo, làm được 1 năm cho mẹ vui lòng, em chịu hết nổi, nên em bỏ luôn rồi vào Sài Gòn kiếm việc...”.
Câu trả lời quá đỗi thành thật của cô bé người Hà Nội trước câu hỏi có phần đánh đố của tôi trong buổi phỏng vấn tuần rồi nó cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi dù đã mấy ngày trôi qua.
“Cho nó ổn định....” từ ngày chuyển vào sinh sống ở miền Nam tôi ít nghe thấy câu này mặc dù đây là một câu nói rất quen thuộc của rất nhiều bố mẹ thuộc thế hệ Baby Boomer ở miền Bắc, những người sinh ra từ những năm 1943 -1960...
“Học ngành này đi sau này cho nó... ổn định”.
“Học xong vài năm lấy một anh chồng gia đình cơ bản đi cho nó... ổn định”.
“Làm tư nhân làm gì, cố xin vào biên chế Nhà nước đi cho nó... ổn định”.
Đã bao giờ bạn nghe thấy những câu tương tự như vậy?
Vậy “nó” là cái gì mà lại phải cần ổn định???
Suy nghĩ riết để định vị và gọi tên “nó”, tôi nghĩ “nó” là chính là Tương Lai.
Với một thế hệ trải qua chiến tranh, thiên tai và biết bao nhiêu những biến động xã hội, chuyện người ta gắn sự “ổn định” của tương lai như một tiêu chuẩn của cuộc sống tốt là điều hoàn toàn nhân bản và dễ hiểu. Tuy nhiên, bằng cách này cách khác, vận động cũng như cưỡng ép, vẫn còn rất nhiều vị phụ huynh đang cố truyền cho con em mình lối suy nghĩ ấy dưới một mỹ từ đầy tính giáo dục và trách nhiệm: “định hướng”.
Nhưng chậm lại một chút và nhìn từ góc độ của người trẻ:
“Ổn định” phải chăng là tâm lý chấp nhận dừng lại, và dễ bằng lòng với những gì đang có?
“Ổn định” rất gần với cái cảnh sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, cuối tháng đều đặn lĩnh lương, thấp cũng được, nhưng được cái...“ổn định”.
Suy cho cùng, “nó” - tương lai khó mà có thể ổn định, bởi vì nó luôn bất định và vô thường như một thuộc tính thú vị của cuộc sống muôn màu. Không ai biết được ngày mai sẽ thế nào. Bạn, và cả tôi, chúng ta đều sẽ là hài hước, chủ quan và võ đoán như nhau nếu nói về chính chúng ta của những năm về sau.
Một người đang rất vượt trội hôm nay, ngủ một giấc hơi lâu, sáng mai đã thành kẻ tụt hậu là chuyện đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ và không còn là hiếm, nhất là trong thời đại 4.0. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng dễ bị cuốn trôi và bỏ lại phía sau nếu chúng ta thỏa hiệp với với một sự ổn định nhất thời.
Thế nên, “cho nó ổn định”!
Cá nhân tôi sẽ nhất quyết chẳng chọn gì “cho nó ổn định” cho mình và cho con mình cả ngày nay và ngày sau. Tôi chọn sự dấn thân, bất chấp thăng trầm, được làm vua thua làm... lại, hơn là ngủ yên trong vỏ ốc của sự ổn định.
Ngày còn bé, bố tôi thường nói rất nhiều về những mặt trái - mặt tối, những kiểu người khác nhau trong xã hội, những điều tiêu cực của cuộc sống song song với chuyện đề cao những giá trị nhân văn tốt đẹp cần được gìn giữ và tôn trọng trong mọi hoàn cảnh. Đã có lúc ngờ nghệch, tôi thầm trách bố vì toàn lo xa, toàn nói đến những khả năng xấu nhất mà chẳng ai muốn xảy ra. Lúc ấy, bữa cơm gia đình tôi rất dễ thành giờ phát thanh “Câu chuyện cảnh giác”. Ngày đưa tôi đi thi đại học, bố tôi chia sẻ bí mật lần đầu được kể: Bố đã từng rớt đại học lần đầu tiên, và chỉ thành công lớn ở lần thi thứ hai. Rồi bố hỏi “Phương án của con nếu chẳng may trượt là gì?”. Thật chẳng giống ai!!!
Tôi không thể nghĩ đến chuyện xin vào cơ quan bố làm, vì chưa kịp nghĩ tới bố đã phủ đầu: “Thế hệ trẻ như bọn con mà phải dựa hơi bố mẹ để xin một việc làm thì là dấu hiệu đầu tiên của một sự kém cỏi dài lâu. Bơi đi, tự bơi đi, bơi chậm cũng được, nhưng vẫn còn tốt hơn là dùng áo phao”. Thật chẳng giống ai!!!
Nhưng về sau này, đi nhiều, dấn thân và trải nghiệm nhiều, tôi mới thấm đến tận cùng chủ ý sâu thẳm của bố - một Baby Boomer hơi lạc lõng với thế hệ. Bố không muốn tôi “cho nó ổn định” mà tập cho tôi “cho nó sẵn sàng” trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống có thể tặng ta hoa hồng nhưng cũng rất có thể thử thách ta bằng gạch đá, quan trọng là ta sẵn sàng và chủ nhận đón nhận “nó” như thế nào. Tương lai là động, chứ không bao giờ là tĩnh, và bản thân ta càng không thể tĩnh vì cuộc sống đã bao giờ ngừng chuyển động.
Một mùa thi nữa sắp đến rồi, các bạn trẻ và các vị phụ huynh, các bạn chọn “cho nó ổn định” hay “cho nó sẵn sàng” ?
“Đã là thuyền thì phải là ở trên biển, thuyền nằm yên trên bờ chỉ có thể là chiếc thuyền đã bỏ đi...”.