Chờ tin con từ hầm thủy điện bị sập
(Baonghean.vn) - 4 trong số 12 nạn nhân đang bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng là người Nghệ An, trong đó có 3 anh em gồm Phạm Viết Nam; Đặng Thị Hồng Ngọc (vợ của em trai anh Nam); Phạm Viết Lành (em họ anh Nam, đều sống tại huyện Thanh Chương) và anh Phạm Văn Quang, sinh 1992 đến nay vẫn chưa xác định địa chỉ cụ thể. Từ quê nhà Thanh Chương, người thân nạn nhân đang từng phút ngóng chờ tin.
Người thân đến động viên, chia sẻ với gia đình ông Diệm – bà Bình |
Chiều muộn, theo quốc lộ 46, vượt qua Cầu Dùng , cầu treo chợ Chùa, chúng tôi tìm đến xã Cát Văn, huyện Thanh Chương khi trời đã tối. Gió lạnh rít từng cơn, ánh đèn leo lét hắt ra từ những ngôi nhà ven đường khiến không khí trở nên ảm đạm. Hỏi về những người dân của xã Cát Văn đang gặp nạn trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng, nhiều người buông những tiếng thở dài não ruột. Bất chấp đêm tối, những người dân ở xã Cát Văn vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến nhà ông Phạm Văn Diệm, bà Hoàng Thị Bình.
Ngôi nhà nhỏ ở xóm 10, xã Cát Văn cửa đóng then cài. Thấy có người lạ, ông Diệm chạy ra mở cửa và nói nhỏ vào tai chúng tôi: “Các chú đừng nói chuyện con tôi đang bị sập hầm với cháu nhỏ biết. Tội nghiệp lắm”. Vừa nói, ông Diệm vừa bế đứa cháu nội 5 tuổi Phạm Viết An sang gửi nhà người thân rồi mới vào tiếp khách. Ông Diệm – bà Bình có 7 người con. Có hai người con trai là Phạm Viết Nam và Phạm Viết Bắc theo nghề thi công các công trình thủy điện. Trong đó, anh Nam từng chu du khắp Nam, Bắc, thi công thủy điện Yaly rồi ngược về miền Tây xứ Nghệ, thi công các công trình thủy điện nhỏ ở Con Cuông. Cách đây mấy tháng, anh Nam đưa em trai Phạm Viết Bắc cùng đi làm thủy điện. Công việc tuy vất vả nhưng cũng có thu nhập nên anh Bắc đưa theo vợ là chị Đặng Thị Hồng Ngọc cùng vào làm, để con trai 5 tuổi Phạm Viết An cho ông bà nuôi nấng.
Vợ chồng ông Diệm cầm điện thoại chờ tin con từ Lâm Đồng |
Chiều 16/12, ông Diệm nhận được tin dữ từ bạn của con trai đang làm việc ở huyện Con Cuông rằng hầm thủy điện ở Lâm Đồng bị sập, có 12 người đang mắc kẹt trong hầm, trong đó có con trai Phạm Viết Nam, con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc và đứa cháu họ Phạm Viết Lành. “Chúng tôi nghe mà rụng rời chân tay. Không tin vào tai mình, gọi điện vào cho các con thì chỉ có máy của thằng Bắc liên lạc được. Nghe nó nói là sập hết rồi, vùi hết rồi, cả hai vợ chồng tôi như muốn ngất xỉu”, ông Diệm kể lại. Lúc này, thông tin đến tai anh em, hàng xóm. Mọi người ùa đến hỏi thăm càng khiến hai ông bà đau lòng. Quá lo lắng cho đứa con trai và con dâu đang mắc kẹt trong hầm thủy điện nhưng không muốn đứa cháu nội biết tin nên ông bà chỉ âm thầm theo dõi tin tức qua ti vi và điện thoại của Anh Bắc gọi về. Mỗi lần nghe tin lực lượng chức năng bơm được ô xi, sữa và cháo vào hầm, ông bà lại có thêm niềm hi vọng. “Nghe nói chiều nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến chỉ đạo cứu hộ, anh em trong đó cũng đang làm việc suốt ngày đêm. Chúng tôi cảm ơn lắm. Mong sao, ông trời thương, các cháu sớm được giải thoát. Nếu có mệnh hệ gì, chắc hai thân già này không sống nổi”, bà Bình khóc nghẹn từng tiếng và tay cầm chặt chiếc điện thoại. Mỗi khi nó đổ chuông, bà lại giật mình, vội vàng bấm nút nghe với bao nhiêu niềm hi vọng.
Sau khi sự việc xảy ra, con trai cả của anh Nam tức tốc bắt xe vào Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc và dõi theo tin tức của cha. Mọi diễn biến của việc cứu hộ, cứu nạn đều được thông báo về cho gia đình. Thỉnh thoảng, bà con xóm giềng cũng đến động viên thăm hỏi. “Tai nạn thật thương tâm, nhưng nhà tôi có lẽ là đau khổ nhất khi có đến 2 đứa con và đứa cháu họ cũng bị vùi lấp. Bố mẹ của cháu Lành ở xã Thanh Mỹ, năm nay cũng đã 60 tuổi rồi. Xót xa lắm. Mong muốn duy nhất của gia đình chúng tôi là lực lượng cứu hộ đào được hầm để đưa công nhân ra ngoài. Sinh nghề, tử nghiệp nhưng sau đợt ni, chắc các con tui cũng không dám theo nghề đào hầm thủy điện nữa”, ông Diệm tâm sự và cho biết, các con của mình mới vào hầm làm việc được 1 tháng. Dù biết là nguy hiểm nhưng vì sự nghiệp mưu sinh, không còn cách nào khác vẫn phải để các cháu đi làm…
Theo thông tin từ lực lượng cứu hộ ở công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đến nay, công việc cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được triển khai khẩn trương. Lực lượng chức năng đang cố gắng vừa đào hầm phụ, vừa bơm ô xi, cháo, sữa vào trong cho người mắc kẹt đồng thời hút nước ra ngoài. Hiện nay, sức khỏe của các nạn nhân trong hầm đang ổn định. Trong số 12 người bị mắc kẹt trong hầm có 4 người Nghệ An, trong đó có 3 anh em: Phạm Viết Nam, sinh năm 1976; Đặng Thị Hồng Ngọc sinh 1988; Phạm Viết Lành sinh 1994 đều ở huyện Thanh Chương và anh Phạm Văn Quang, sinh 1992 đến nay vẫn chưa xác định được địa chỉ cụ thể.
Video clip tâm sự của người nhà nạn nhân:
Nguyên Khoa