Chợ xưa ai bán mà mua?
Chiều nay, sửa soạn nốt mâm cúng giao thừa, nghe í ới tiếng người gọi nhau đi chợ cuối năm, tự nhiên thấy lòng chùng lại, quặn lên nỗi gì thương nhớ. Một mùi hương trầm thơm mà lại rất nồng, rất cay làm hồn ta thổn thức, những ký ức xưa hiện lên khi mờ khi tỏ về những phiên chợ xưa nhấp nhô quang gánh và tiếng nhai trầu bỏm bẻm của bà, ta tưởng như đang vang vọng đâu đây.
(Baonghean) - Chiều nay, sửa soạn nốt mâm cúng giao thừa, nghe í ới tiếng người gọi nhau đi chợ cuối năm, tự nhiên thấy lòng chùng lại, quặn lên nỗi gì thương nhớ. Một mùi hương trầm thơm mà lại rất nồng, rất cay làm hồn ta thổn thức, những ký ức xưa hiện lên khi mờ khi tỏ về những phiên chợ xưa nhấp nhô quang gánh và tiếng nhai trầu bỏm bẻm của bà, ta tưởng như đang vang vọng đâu đây.
Bà ta xưa dường như cứ đếm từng ngày, từng tuần chờ đến chợ phiên. Khi phiên chợ họp, bà tất bật sửa soạn từ tờ mờ gà gáy, lo từ cái thúng con cho đến chiếc áo nâu, từ vành khăn quấn đầu cho đến đôi dép sắm từ thuở con gái mới về nhà chồng, cả một đời bà nâng niu, đi chợ cũng kẹp vào thúng chứ không dám bỏ ra đi. Trong ký ức mơ hồ của ta cũng còn lưu giữ cả nét mặt rạng rỡ, dáng người nhỏ nhắn bước thấp bước cao, đẩy cửa kẽo kẹt ra khỏi nhà khi trời còn tinh sương, bước hối hả trên con đường đất quanh co qua những đồng xanh và những mái nhà tranh còn đương ngủ mê chưa buồn bốc lên mùi khói bếp. Mãi đến khi ta lên sáu, lên bảy, mới được theo bà đi chợ phiên. Bao nhiêu là háo hức mong chờ, bao nhiêu là lạ lẫm, cái lần đầu tiên ấy! Suốt từ bé đến giờ ta chỉ biết quẩn quanh bên chái bếp, nhà tranh, và vũ trụ của ta gói gọn dưới dải yếm cũ mòn của bà, nên chợ phiên thành ra to lớn lắm. Trong mắt ta ngày ấy, không gì tuyệt bằng chợ phiên, và ta đồ rằng vạn vật trên thế giới là từ trong chợ phiên mà ra.
Đi chợ cùng bà - Ảnh: Internet
Chợ phiên thật là vui! Từ người lớn cho đến trẻ nhỏ, từ đàn ông cho đến đàn bà, ai ai cũng tìm được những vui thú của riêng mình. Ta thích nhất những lần được bà đưa cho một đồng xu để mua quà bánh, nhưng ta chẳng ăn gì đâu vì còn mải ngắm những con giống, con tu huýt bằng đất nung, đưa lên mồm thổi ra những tiếng lảnh lót thích mê người. Ta vẫn thường thèm thuồng lén lút ngoái đầu nhìn những đứa trẻ được bà, được mẹ dẫn đến bên mẹt con giống ở cổng chợ, mua cho một con mà thổi váng cả chợ phiên. Ước mơ bây giờ mới thoả, ta rụt rè chìa đồng chinh ra cho ông lão mặt hiền khô, tựa hồ như không chỉ con giống của ông mà chính ông cũng được thổi hồn từ đất, để rồi sung sướng nhận về một con tu huýt bé xinh, ngập ngừng đưa lên môi thổi nhẹ, giật mình nghe âm thanh phát ra trong vắt, vang vọng bên tai ta đến tận bây giờ. Bà ta thì đương bận rộn mua những nải chuối xanh về chưng bàn thờ. Ngày nay, những bận đi chợ ta vẫn thường ngơ ngẩn vài giây khi đi qua những sạp bán đồ cúng, đồ lễ, nao nao nhớ bà ta xưa bỏ hàng tiếng đồng hồ để chọn cho bằng được nải chuối đủ mười lăm quả, thắp hương cho có thảo, có thơm. Bây giờ biết có ai còn nhớ, còn bỏ công ra mà đếm, mà tìm như thế nữa. Thương cho nải chuối lay lắt bên sạp hàng, bà ta không còn, biết có ai nâng niu, tẩn mẩn giữ gìn bằng tất cả niềm tin và lòng thành kính nữa không? Trong khi các bà đang mải mua đồ lễ, trầu cau thì các ông, các bác lại say sưa ở hàng con giống, tranh luận ầm ĩ về con lợn này có cái xoáy âm dương là tốt lắm, con trâu kia sừng dài và cong, bụng thon, hông nở, thật là một con trâu đẹp, mua được giá ấy kể cũng chẳng đắt. Đứa bé con được ông dắt theo đi chợ, chẳng mảy may quan tâm đến cuộc hội thoại đầy tính "thông thái" của người lớn, vì còn mải thò tay trêu chọc những con bê đang ngơ ngác lần đầu đi xa khỏi mảnh sân và góc vườn.
Những phiên chợ xưa bao giờ cũng ồn ã và đông vui thế đấy, vì không phải ngày nào chợ cũng họp đâu, mà phải có phiên, có lệ hẳn hoi, thường là mồng hai, mồng bảy, hai nhăm, hai bảy hàng tháng. Một phần vì ngày xưa, người ta khổ nên một đời chỉ biết cắm cúi với cái máng lợn, vườn rau và thửa ruộng con, cuộc đời xoay vòng chỉ ngần ấy mối lo mà tưởng như cả ngày dài vẫn là chưa đủ, thời gian và tiền bạc đâu mà sắm sanh, hưởng thụ. Thứ nữa, lối sản xuất xưa là lối sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nên nhà ai lo của ăn nhà đấy, hoạ hoằn lắm những thứ không tự mình làm ra được mới phải đi chợ để mua. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà chợ phiên thành ra đáng quý, đáng trông chờ, một thứ lễ nghi thần thánh, một ngày hội đầy màu sắc và âm thanh. Bây giờ nghĩ lại, ta mới thấy những điều tưởng chừng mộc mạc, đơn sơ thuở ấy sao mà đáng yêu đến thế. Ta bỗng thấy yêu những người áo quần nhàu nhĩ, tất tả quảy quang gánh từ sớm tinh mơ đi từ những đâu đâu về đây họp chợ, giọng trọ trẹ nghe rõ là người miền quê, rõ cả những vất vả một nắng hai sương, những năm tháng dãi dầu bán mặt, bán lưng cho trời đất. Ta cũng yêu cả những bà bán gà, bán vịt, dáng người phốp pháp, trông cứ tưởng nặng nề, hoá ra lại nhanh chân, nhanh tay và nhanh miệng đáo để. Tay các bà không ngừng nắn mề con gà này, xách cổ con vịt kia mà mồm năm miệng mười khen gà ngon, vịt béo với khách. Để rồi khi gà đã yên vị trong chiếc giỏ lủng lẳng ở tay người mua, đôi bên đều tươi cười phấn khởi với cuộc mua bán của mình. Ta yêu những rổ rá con con, đan rất khéo rất đều còn thơm mùi mây tre, yêu những con cá to quẫy nước sóng sánh, mang về mùi sông biển mặn mòi, yêu cả những sạp tranh Đông Hồ, màu in tưởng chừng còn ươn ướt trên tờ giấy dó ram ráp những hồ quết, trên đó là những cảnh hái dừa, đám cưới chuột, mẹ con nhà lợn hay cảnh chợ Tết muôn màu muôn vẻ, sống động mãi trong tâm trí ta như thể ai mới vẽ lên ngày hôm qua.
Cái chợ muôn năm cũ của ta ơi! Bây giờ biết tìm đâu nữa? Bụi đã giăng đầy kí ức rồi, những chiều 27 Tết hối hả cho kịp phiên chợ cuối năm, nhộn nhạo mặc cả một góc chợ này, tấp nập người đi xem quất, xem đào một góc chợ nọ. Bà già bán những cặp bánh chưng xinh bây giờ bàn tay gói bánh có còn chặt và thảo thơm như ngày xưa nữa không? Những con tu huýt ngày xưa ta say mê bây giờ có còn ấm hơi đất mới nung, tiếng có lảnh lót và vang xa bằng những đồ chơi hiện đại? Ông đồ già hàm răng móm mém, ung dung một mành chiếu, một bút, một nghiên, bây giờ mắt đã mờ, tay đã yếu hay sao mà để mùa xuân trong ta không nảy chồi, đơm nụ, cứ mãi ngủ mơ trong sắc đỏ nhạt nhoà của đôi câu đối Tết năm nào? Ngồi ngẩn ngơ một chiều gần Tết, thấy gió đã bớt lạnh, mưa đã bớt rả rích, hoa đào đã bớt thắm đi nhiều so với những Tết xưa, chợt nhớ đến mấy câu thơ của Xuân Diệu mà rơi nước mắt:
"Tôi muốn nắng tắt đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"
Xuân Diệu ơi hỡi Xuân Diệu, những mùa xuân xưa kí ức ta đã gói chặt rồi, nhưng lượng trời sẽ cho thời trẻ của ta dài được bao lâu? Khi mùa xuân tuần hoàn và đất trời xoay chuyển, biết đâu ta sẽ khác, những mùa xuân đáng yêu đáng quý năm xưa có sống mãi được trong lòng ta không, hay rồi đây cũng nhạt màu phai hương theo năm tháng? Những phiên chợ xưa rồi cũng thành dĩ vãng. Chợ nay mở quanh năm suốt tháng, dễ dàng và thường nhật quá, nên với ta thành ra hiển nhiên, không còn đáng mong chờ, đáng trân trọng nâng niu nữa. Ta không còn háo hức tìm đến cô hàng xén có nụ cười xinh xinh và đôi mắt lúng liếng đưa tình, hoặc ghé qua hàng chè xanh của bà lão tóc cước, răng đen, luôn miệng nhai trầu, cà kê kể chuyện ngày xưa. Ta làm gì còn thời gian mà nhớ, mà thương những niềm vui giản dị ấy, có chăng là năm mười phút chóng vánh tạt vào mua vội một mớ rau, vài lượng thịt sau một ngày vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Vả lại những con người ấy, bây giờ không biết về đâu? Hay là họ cũng đang cắp thúng chạy theo giá gạo, giá xăng, chạy theo những tính toán lời lãi thiệt hơn, làm sao để mua may bán đắt, chứ mấy ai còn màng đến những người khách ưa hoài niệm vẩn vơ.
Chiều nay, mẹ ta ngồi ôm đứa cháu trước hiên nhà, nhẩn nha hát ru những lời ta vẫn mơ hồ nghe thấy trong những giấc mơ ngày ấu thơ: "Em là con gái nhà quê, xưa nay em vẫn giữ nghề đi buôn. Đầu sông cho chí ngọn nguồn, mùa nào thức ấy em buôn kịp người...". Bất giác, ta nghe như mẹ ta cũng đang thổn thức đem nỗi lòngmình ra mà hát lên những nốt bi ai. Tết năm nay ta với mẹ không đi chợ sắm sanh, mà đi siêu thị, đi trung tâm thương mại, nơi có cầu thang cuốn lên tầng hai tầng ba, nơi hàng hoá "đã qua kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm", nơi đèn điện chói loà và ấm áp, trong khi ngoài kia đang mưa gió ủ ê. Nhưng nơi ấy, liệu có phải là nơi mẹ ta hằng gắn bó và mong chờ từ thưở mười tám đôi mươi cho đến khi thành người thiếu phụ hát ru bên nôi, và thậm chí đến cả bây giờ, khi đã được làm ông, làm bà? Thế nên những người mái tóc còn xanh như ta đang thao thức, nhớ nhung những phiên chợ xưa một, thì những người thuộc thế hệ mẹ ta, bà ta hẳn phải thương nhớ gấp năm, gấp mười. Thương nhớ biết bao nhiêu cho đủ, phiên chợ đã tàn rồi, bây giờ còn ai bán mà mua.
Vẫn biết cuộc sống hiện đại chỉ có thể tiến lên chứ không quay đầu lại, đến một lúc nào đó, ta sẽ phải đành lòng rũ bỏ những điều quen thuộc, thân thương để hướng đến những thứ tiên tiến, tiện ích hơn. Nhưng có cần phải cất bước quay lưng phũ phàng, để rồi chính ta lại hụt hẫng ngẩn ngơ, nhớ tiếc chốn cũ người xưa đến nao lòng như thế? Giá như vẫn đổi mới, vẫn hiện đại nhưng làm sao để dung hoà được bình cũ rượu mới, giữ lại được chút nét xưa, hẳn nỗi lòng của ta sẽ vơi đi ít nhiều, mà con cháu ta mai sau cũng vẫn biết đến những truyền thống, văn hoá cổ truyền chứ không bị các nền văn hoá ngoại lai "tẩy não". Thế nên những mô hình kinh doanh với ý tưởng tìm về cõi xưa, về những tháng ngày đã xa xôi như những nhà hàng món ngon ba miền, những làng nghề truyền thống được phục dựng như làng gốm, làng tranh, làng thủ công mây tre đan thật đáng được hoan nghênh. Dẫu biết rằng tìm đâu ra cái cổ xưa muôn thưở ấy, nhưng tái hiện lại được đôi nét mộc mạc, chân quê xưa giữa bạt ngàn cái hiện đại, kể cũng đủ để nỗi hoài niệm của ta được vỗ về, đủ để gợi cho ta nhớ về bà, về mẹ, để cái tâm, cái tình trong ta được nhen nhóm lại, thay vì bị guồng sống hiện đại xô bồ làm cho nguội lạnh, chai sạn đi. Nhưng những mô hình điểm như vậy đâu phải là nhiều và biết có mấy người nhìn ra được giá trị đáng quý của những nhà kinh doanh đầy tính nhân văn ấy? Nói đến đây, tự nhiên ta thấy lòng trĩu nặng và mỏi mệt vô cùng. Có phải vì ta đã già nên hoài niệm mới ùa về, thổi vào hồn ta lạnh buốt thế không? Hay vì ta biết nỗi mong chờ, nhớ nhung của ta chỉ là vô vọng, khi mà mọi người còn đang bận chạy theo đồng tiền, bát gạo và cuộc sống xa hoa hơn là những giá trị văn hóa?
Hải Triều (Mail từ Paris)