Cậu cháu năm nay 16 tuổi, xếp theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ là Gen Z, vừa thông báo sẽ tham gia nhóm tình nguyện đi nhặt rác cuối tuần của Đoàn Thanh niên quận. Trong bữa cơm chiều, cậu cháu hồ hởi khoe về cộng đồng sống xanh của thế hệ mình. Cộng đồng trẻ có nhiều nhóm phát triển trên toàn quốc với những hành trình thu nhặt rác tại các công viên, vớt rác tại các kênh rạch, và phổ biến việc chung tay bảo vệ môi trường.
Tôi nhớ có lần mình đi bộ ngang khu vực cầu bắc ngang dòng kênh, nhìn dòng kênh lềnh bềnh rác chợt lắc đầu ngao ngán. Từ lâu lắm rồi, việc vứt rác ra các kênh rạch của thành phố này như lẽ hiển nhiên, nhất là những người buôn bán quanh khu vực các con kênh. Họ nghĩ nước lên sẽ cuốn rác theo dòng mà trôi đi nơi khác, chứ nơi họ sống sẽ không có rác. Ai cũng nghĩ thế nên chục con kênh của thành phố thì cũng là chục nơi rác cứ trôi nổi ngay vào bờ. Các dòng kênh dù nhiều lần cải tạo, nạo vét, vớt rác nhưng vẫn ngập rác. Mãi đến khi các nhóm hoạt động vì môi trường ra quân.
Tôi theo dõi Cộng đồng Xanh Việt Nam và ấn tượng bởi sự miệt mài cho các hành trình vì môi trường của họ. Hầu hết đều là người trẻ, họ đến với nhau bằng tình yêu với môi trường, một hy vọng cho Việt Nam xanh lành. Hầu hết các hoạt động của Cộng đồng Xanh Việt Nam đều gắn với các đoàn viên của các trường đại học, các trường cấp 3. Đây chính là lực lượng nòng cốt trên các mặt trận sống Xanh với các chương trình hành động cụ thể. Chính những bạn trẻ này mới là thế hệ tiếp nối của tương lai. Vì thế, nâng cao ý thức sống Xanh cho lớp trẻ mới chính là bước đi đúng đắn cho sự cải thiện môi trường trong tương lai. Nhiệt huyết và tư duy trẻ khiến hành động vì môi trường của các bạn trẻ miệt mài, sáng tạo và thiết thực hơn.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ phấn đấu thành lập được trên 2.000 mô hình “Biến rác thải thành việc có ích”. Các rác thải và phế liệu sẽ được thu gom, phân loại từ nguồn. Sau đó, thông qua các hoạt động trao đổi, thu mua sẽ chuyển thành quỹ để hỗ trợ cho các hoạt động xã hội. Sẽ có ít nhất 20.000 gia đình, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế được giúp đỡ về con giống, mua thẻ BHYT, trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An còn đẩy mạnh phong trào hạn chế sử dụng bao ni lông, giảm lượng rác tác động môi trường, làm xanh sạch địa bàn, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Trong muôn vàn hình thức giải trí cuối tuần thì chọn cách sống Xanh có lẽ chính là một nếp sống đẹp nhất của Gen Z và cánh chị em mà tôi cảm thấy cần được lan tỏa trên bình diện sâu, rộng với cộng đồng. Bởi lẽ, nhiều bạn trẻ đang dành những ngày cuối tuần ngủ vùi trong chăn nệm, nhiều bạn chọn tán hươu nói vượn bên ly cà phê, hoặc đắm mình vào game, quay các clip vô bổ post lên mạng tìm like, kiếm view thì bên ngoài, vẫn có những người trẻ chọn thức sớm và hành động theo lời con tim đầy trách nhiệm và rất tử tế.
Tôi thích sự tử tế trong cách “Biến rác thải thành việc có ích”, tử tế với chính môi trường sống, để từ đó nhận lại sự xanh lành đáng có cho xã hội này. Môi trường sống tốt sẽ tạo ra một bầu khí quyển trong lành, cho chúng ta sự sạch sẽ và không ô nhiễm để duy trì thêm năng lượng sống. Năng lượng tích cực từ môi trường trong lành cũng sẽ giúp cuộc sống giảm tải bớt nhiều áp lực bí bách, hay những mệt mỏi, bực bội. Khía cạnh môi trường sống tác động tâm lý và hành vi con người là điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng.
Tôi tin, có thể chỉ từ một nhóm nhỏ các bạn trẻ, từ Hội Liên hiệp Phụ nữ của một tỉnh, những hành động tử tế vì cộng đồng này sẽ lan tỏa một thông điệp xanh, sạch mạnh mẽ, bởi chính nhiệt huyết, sức trẻ, tư duy mới và chính sự tận hiến với xã hội là điểm mấu chốt cho hành trình sống xanh đúng nghĩa. Những điều tử tế luôn tự khắc có một sức mạnh đại đồng và phổ quát.
Bài: Tống Phước Bảo
Ảnh minh họa: T.L