Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Cuộc chiến còn nhiều cam go

05/12/2013 18:48

(Baonghean) - Đã thành quy luật, vào dịp cuối năm hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu lại trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm các đối tượng gia tăng hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống của các lực lượng chức năng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu bình ổn giá, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh…

(Baonghean) - Đã thành quy luật, vào dịp cuối năm hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu lại trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm các đối tượng gia tăng hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống của các lực lượng chức năng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu bình ổn giá, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh…

Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thủ đoạn tinh vi…

Từ đầu năm đến tháng 9/2013, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã kiểm tra 4.476 vụ và xử lý 3.262 vụ vi phạm với tổng giá trị thu phạt trên 5 tỷ đồng. Riêng tháng 11/2013, Chi cục đã kiểm tra 1.195 vụ, xử lý 786 vụ; tổng giá trị thu phạt 1 tỷ 127 triệu đồng. Nhưng không vì thế mà tình hình buôn lậu, gian lận thương mại giảm đi mà trái lại, diễn biến phức tạp và mức độ tinh vi hơn.

Theo lực lượng QLTT, hầu hết các loại hàng hóa có sức tiêu thụ lớn, hàng có thương hiệu đều bị làm giả. Cũng có tình trạng cá nhân và doanh nghiệp trong nước móc nối với các tổ chức nước ngoài sản xuất giả các sản phẩm thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Tình trạng sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì, nhãn mác giả có xu hướng tăng, thậm chí tem chống giả cũng bị làm giả, khiến cho cuộc chiến chống gian lận thương mại càng thêm khó khăn. Đặc biệt, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.

Trong số 24 vụ đã được kiểm tra và xử lý hầu hết là gia cầm, nội tạng gia súc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có dấu kiểm dịch, đã bị phân hủy hoặc được bảo quản bởi các loại hóa chất độc hại. Điển hình như vụ ngày 21/4/2013, Đội QLTT số 4 phối hợp với CSGT huyện Quỳnh Lưu kiểm tra xe khách BKS 37S- 0629 do ông Trần Quốc Trụ (ở xã Diễn Thắng - Diễn Châu) điều khiển chạy từ Thanh Hóa vào. Qua kiểm tra phát hiện trên xe có vận chuyển hơn 5.000 con gà và vịt con, 2.500 quả trứng gà, 10.000 quả trứng chim cút đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm dịch.

Đội đã lập hồ sơ chuyển giao số hàng trên cho cơ quan thú y tiêu hủy; trị giá lô hàng vi phạm là 94 triệu đồng. Ngày 3/5/2013, trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Diễn Hồng (Diễn Châu), Đội QLTT số 1 đã kiểm tra xe ô tô khách BKS 98K- 4178 do ông Trần Nhân Khương (trú tại xã Song Vân, huyện Tân Yên - Bắc Giang) điều khiển chạy từ Bắc Giang vào Đà Nẵng. Qua kiểm tra phát hiện khoảng 600kg thịt lợn được đóng trong 10 thùng xốp đã được ướp lạnh; 1.200 chai bia mang nhãn hiệu nước ngoài. Tất cả số hàng đều không có giấy tờ hợp lệ. Đội đã làm thủ tục, hồ sơ bàn giao số hàng trên cho cơ quan thú y tiêu hủy theo đúng quy định...

Là tỉnh có tuyến biên giới trải dài với các cửa khẩu quốc tế, Nghệ An trở thành điểm "nóng" của các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, pháo nổ, gia cầm thải loại, động vật hoang dã, hàng điện tử, điện lạnh... Hàng nhập lậu với giá rẻ, mẫu mã đẹp nên có sức tiêu thụ mạnh đã kích thích các đầu nậu tìm mọi phương cách để nhập. Thời gian qua, các đơn vị thuộc Cục Hải quan Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nên nhìn chung các vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ, xử lý giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên giá trị hàng hóa bị bắt giữ tăng cao so với năm 2012.

Tính từ đầu năm đến nay, các đơn vị Cục Hải quan Nghệ An đã bắt giữ và xử lý 68 vụ, trong đó có 12 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thu giữ 2 xe ô tô, 27 chiếc ắc quy đã qua sử dụng, 47,6 kg pháo các loại, 1 xe ô tô Camry, 35 chiếc âm ly, 64 loa đài, 2 con beo, 15 cá thể rùa và 170 kg gỗ trắc; xử phạt vi phạm hành chính 596.499.000 đồng. Đặc biệt, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn bán với khối lượng lớn ngày càng nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay, Đội cảnh sát phòng chống ma túy - Cục Hải quan đã bắt giữ và xử lý 15 vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, thu giữ 613,949 gam heroin, 570 viên ma túy tổng hợp. Địa bàn trọng điểm là các xã trên tuyến biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương; các cửa khẩu Nậm Cắn, Mỹ Lý, Thanh Thủy, Thông Thụ, Tam Hợp và ở khu vực cánh gà cửa khẩu, các lối mòn từ Lào vào Việt Nam dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào.

Theo ông Văn Đình Huy - Trưởng phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm - Cục Hải quan Nghệ An: Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới nhìn chung có chiều hướng gia tăng so với những năm trước, đồng thời các vụ việc vi phạm thường có giá trị lớn. Hàng hóa trọng điểm chủ yếu là gỗ, trâu bò, động vật hoang dã, động vật quý hiếm, thuốc nổ, pháo các loại, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh. Các phương thức, thủ đoạn và dấu hiệu vi phạm được phát hiện từ các đầu nậu ở các huyện miền xuôi lên sát khu vực Cửa khẩu Nậm Cắn thuê dân địa phương chăn dắt gia súc qua biên giới, sau đó viết giấy bán để hợp thức hóa giấy tờ mua, bán, vận chuyển trong nội địa. Lợi dụng chính sách về tạm nhập tái xuất các phương tiện vận tải, bọn buôn lậu đã làm giả giấy tờ, biển số xe, hợp thức hoá chứng từ để buôn bán trái phép. Nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới thuộc khu vực tuyến biên giới Việt - Lào, đã hình thành những đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia, móc nối giữa trong nước với nước ngoài, tạo thành đường dây, ổ nhóm để mua bán, vận chuyển từ Lào vào tiêu thụ trong và ngoài tỉnh...

Bất cập trong chế tài xử lý

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại là hệ thống pháp luật còn chồng chéo, không đồng bộ, các chế tài xử lý chưa thực sự đủ mạnh. Theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự, hành vi buôn lậu qua biên giới từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự. Còn hàng hóa đối tượng mua lại để tiêu thụ, dù là hàng lậu nhưng vẫn chưa có chế tài xử lý hành vi này. Đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách miễn giảm thuế đối với cư dân biên giới và một số quy định quản lý hóa đơn, chứng từ chưa chặt chẽ để thu gom, hợp thức hóa hàng nhập lậu, vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ. Các hành vi gian lận thương mại như quay vòng hóa đơn, chứng từ, gian lận kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng, không xuất hóa đơn chứng từ. Một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng thủ tục hải quan, khai báo hàng hóa không đúng số lượng, chủng loại… để trục lợi bất chính. Có doanh nghiệp còn lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất nhằm qua mặt cơ quan chức năng để buôn lậu.

Hiện nay, trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại nhiều hành vi vi phạm mới nảy sinh, nhưng do văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp nên không có cơ sở để xử lý; chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe. Mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, nên chưa triển khai thực hiện luật này trong thực tế. Vấn đề chi phí giám định hàng vi phạm cao, thủ tục rườm rà, thời gian chờ đợi lâu... phần nào cũng làm ảnh hưởng đến công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Theo ông Nguyễn Minh Thọ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An: Thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 được cho là một biện pháp giảm thiểu những thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, trong đó việc quy định "Hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là đủ và có thể xuất trình hóa đơn của lô hàng trong vòng 72 giờ" đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa hàng nhập lậu. Mặt khác, theo Thông tư, chứng từ hoá đơn của các hộ kinh doanh không phải ghi cụ thể các nhãn hàng hóa, cho nên để trốn thuế và tiêu thụ hàng nhập lậu, các hộ kinh doanh chỉ ghi số lượng, mặt hàng, tổng giá...

Nguyên nhân khiến nạn buôn lậu, hàng giả vẫn có "đất sống" là do những sản phẩm này thường có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong khi một bộ phận người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua hàng giá rẻ, khi chỉ cần đáp ứng được thị hiếu về nhãn hiệu, kiểu dáng, mà không tính đến chất lượng. Để ngăn chặn vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại cần phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và cơ quan chức năng phải nắm được diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo thị trường… từ đó có kế hoạch kiểm tra, xử lý, nhất là các khu vực xung yếu, tuyến đường trọng điểm. Về phía các địa phương, đẩy mạnh sự phối hợp với lực lượng chức năng, để trao đổi thông tin, điều tra xử lý các vi phạm. Về lâu dài cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hàng giả, hàng lậu cũng như tầm quan trọng của việc phòng chống…

Chỉ còn gần hai tháng nữa tới Tết Giáp Ngọ 2014, sức mua thị trường sẽ tăng mạnh trong dịp này. Đây cũng chính là thời điểm tăng cường "làm ăn" của các đối tượng kinh doanh. Do vậy, trước mắt các địa phương cần tập trung lực lượng, biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu trong thời gian cao điểm này, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.

Anh Châu

Mới nhất
x
Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Cuộc chiến còn nhiều cam go
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO