Chống cúm gia cầm: Không chủ quan, không hoang mang
Trong nước, dịch cúm gia cầm diễn biến hết sức phức tạp. Tại nước láng giềng Trung Quốc, dịch cúm A/H7N9 hoành hoành, đe dọa xuất hiện sớm tại Việt Nam. Thực tế này yêu cầu công tác phòng dịch tiến hành khẩn trương nhưng tránh gây hoang mang trong dân chúng.
Nguy cơ rất cao
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về phòng chống dịch cúm, sởi do Bộ Y tế tổ chức ngày 23-2, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho biết: Tính đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 306 trường hợp mắc cúm A/H7N9 trong đó có 67 trường hợp tử vong. Đáng lo hơn các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp với Việt Nam đã có nhiều người mắc cúm A/H7N9.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lo lắng: Vi rút cúm A/H7N9 khó kiểm soát vì đường lây không chỉ qua gia cầm mà còn có thể lây truyền qua không khí. Thực tế, Trung Quốc đã xét nghiệm nhiều mẫu môi trường và phát hiện chứa vi rút H7N9. Tuy vậy, hiện chúng ta chưa có biện pháp cụ thể phòng chống lây nhiễm vi rút nguy hiểm này qua môi trường.
Ông Trần Đắc Phu cho biết thêm, tại Trung Quốc, hiện cơ quan chức năng nước này đã đóng cửa các chợ gia cầm sống ở Quảng Đông. Điều này sẽ tạo ra một lượng lớn gia cầm có nhu cầu cần vận chuyển, tiêu hủy đi nơi khác. Do vậy ông Phu lo lắng lượng gia cầm này sẽ được chuyển sang Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Việc ngăn ngừa vận chuyển trái phép là việc vô cùng khó khăn.
Tiến sĩ Takeshi Kasai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: Dịch cúm A/H7N9 là mối hiểm họa với Việt Nam, vì thế, nếu có ca bệnh trên người thì cũng không có gì ngạc nhiên.
Nhiều khó khăn
Bàn về khó khăn trong phòng chống dịch, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, nơi có địa bàn phức tạp vì giáp ranh biên giới Trung Quốc nêu ý kiến: Trong công tác phòng dịch, việc xác định ngăn chặn để hạn chế dịch bệnh là mục tiêu quan trọng. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm soát dịch quyết liệt nhưng trên nhiều tuyến đường mòn, tình hình vận chuyển gia cầm nhập lậu vẫn xảy ra.
Theo báo cáo của ngành chức năng, Lạng Sơn vẫn chưa phát hiện mẫu dịch nào nhiễm 2 chủng vi rút cúm A/H5N1 và H7N9. Tuy nhiên, với 2 cửa khẩu quốc tế, 8 cửa khẩu quốc gia và rất nhiều tuyến đường mòn thì nguy cơ xuất hiện dịch hoàn toàn có thể xảy ra.
Cúm A/H7N9 có thể sẽ xuất hiện sớm ở Việt Nam. |
Theo ông Vũ Văn Tám, hiện trong công tác phòng dịch vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế tại một số cửa khẩu nhận thấy, việc phòng chống vi rút cúm lây nhiễm qua môi trường cho đối tượng là khách du lịch, khách nhập cảnh vẫn chưa có biện pháp triệt để. Các máy đo thân nhiệt tại một số cửa khẩu quốc tế vẫn chưa đủ về số lượng và hoạt động chưa thông suốt.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại, hiện cả nước có 30 tỉnh, thành có cửa khẩu giáp với biên giới, trong đó 28 tỉnh có máy đo thân nhiệt để giám sát khách nhập cảnh, nhưng có đến 9 máy đã bị hỏng. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương để bổ sung kinh phí mua máy và sớm sửa chữa máy hỏng.
Không hoang mang
Đề cập đến tính phức tạp và mối nguy trước tình hình dịch cúm A/H7N9, ông Trần Đắc Phu cho biết, các cơ quan chức năng cần chủ động phòng chống nhưng không hoang mang.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Vũ Văn Tám, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan truyền thông tuyên truyền rõ dịch đang ở mức độ nào, nguy cơ ra sao, tránh đề người dân hoang mang, tẩy chay gia cầm, thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng chống cúm gia cầm như không kinh doanh, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, môi trường thường xuyên để phòng bệnh. Tuy nhiên người dân không quá hoang mang trước dịch bệnh, vẫn có thể sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, đã được kiểm dịch của thú y.
Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ, điều đáng mừng là đến thời điểm này, cúm A/H7N9 chưa xuất hiện ở Việt Nam. Phó Thủ tướng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu trong Hội nghị cần phải tuyên truyền để nhân dân không hoang mang nhưng không được chủ quan mà phải đề cao cảnh giác.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò, ý thức trách nhiệm của các địa phương. Ông cho rằng, nếu các địa phương có trách nhiệm, không riêng gì dịch cúm, nhiều dịch khác sẽ được xử lý tốt hơn.
Về đề xuất thành lập 5 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về phòng dịch trong thời thời tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc thành lập quá nhiều đoàn kiểm tra chưa chắc đã có tác dụng tốt trong chống dịch. "Không thể tổ chức nhiều đoàn công tác, vì tổ chức nhiều đoàn quá, xuống địa phương cũng không làm việc được. Họp thì cần, nhưng họp quá nhiều cũng rất khổ", Phó Thủ tướng nói.
Theo Haiquan online