Xây dựng Đảng

Chống lãng phí bắt đầu từ tinh gọn bộ máy

Đức Chuyên 15/05/2025 06:47

Sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ là yêu cầu cải cách, mà còn là giải pháp chiến lược nhằm hiện thực hóa tinh thần "xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí" mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật trong bài viết "Chống lãng phí".

tinhgonbomay-cover.png

Đức Chuyên • 15/05/2025

Sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ là yêu cầu cải cách, mà còn là giải pháp chiến lược nhằm hiện thực hóa tinh thần “xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí” mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật trong bài viết “Chống lãng phí”. Với hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách có thể tiết kiệm mỗi năm, việc sáp nhập, tinh gọn từ Trung ương đến địa phương là bước đi tất yếu trong kỷ nguyên hiện đại hóa quản trị quốc gia.

tinhgonbomay-tit.png

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”. Tinh thần đó không chỉ dừng ở lời kêu gọi mà được cụ thể hóa bằng những chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong việc cải tổ tổ chức, bộ máy hành chính.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: nhandan.vn

Một trong những biện pháp trọng tâm hiện nay là việc sáp nhập các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, tiết kiệm ngân sách và hạn chế tình trạng cồng kềnh, chồng chéo chức năng. Thống kê từ Bộ Nội vụ cho thấy, trong giai đoạn 2019-2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, tiết kiệm được khoảng 10.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay cả nước đang triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, sau sáp nhập, dự kiến cả nước giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành; giảm hơn 260 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh; giải thể 694 huyện và hơn 4.160 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện; số đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 10.035 xuống còn khoảng 3.320...

Ước tính từ một số cơ quan nghiên cứu cho thấy, khi thực hiện việc sáp nhập này, có thể tiết kiệm khoảng 262.500 tỷ đồng mỗi năm, chủ yếu từ cắt giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, giảm đầu tư trùng lặp cơ sở hạ tầng và bộ máy hành chính.

sausapxeptinhgianbomay.png
Đồ họa: H.Q

Đó là những con số ấn tượng, cho thấy chủ trương tinh gọn bộ máy không chỉ mang tính chiến lược mà còn mang lại hiệu quả thực chất về mặt kinh tế, góp phần giảm áp lực ngân sách quốc gia trong dài hạn. Đặc biệt, nó là hành động cụ thể hóa tinh thần "chống lãng phí" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cao.

Một góc thuận lợi với người dân và du khách khi tìm đến. Ảnh: Q.A
Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Q.A
tinhgonbomay-tit2.png

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên mới không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Đó phải là yêu cầu xuyên suốt và nhất quán trong quản lý, điều hành – được thể chế hóa thành nguyên tắc, quy trình cụ thể trong hoạt động của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Vấn đề này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết “Chống lãng phí”, khi chỉ rõ: “Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”.

Đặc biệt, Tổng Bí thư cảnh báo rằng: “Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”. Bởi lẽ, nếu chúng ta không kiểm soát tốt tình trạng lãng phí, từ vật tư, tài chính cho đến nguồn lực con người, thì chính bộ máy công quyền sẽ trở thành điểm nghẽn cho phát triển, chứ không còn là động lực. Do đó, xây dựng một nền hành chính tinh gọn, minh bạch, hiệu quả không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí, mà còn góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững.

tbt-quotes.png

Kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, việc tái cấu trúc bộ máy hành chính, sáp nhập cơ quan chức năng tương đồng và tinh giản biên chế là xu hướng phổ biến nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang đi theo hướng này, với quyết tâm chính trị cao và tầm nhìn cải cách rõ ràng.

Cùng với cả nước, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính. Trong giai đoạn 2017-2024, Nghệ An giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, từ 21 xuống còn 20 đơn vị; giảm 68 đơn vị hành chính cấp xã, từ 480 xuống còn 412 đơn vị, đồng thời, triển khai số hóa mạnh mẽ hệ thống hành chính công, tăng cường cải cách thủ tục hành chính và tinh giản biên chế.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06. Ảnh: Phạm Bằng
Phiên họp của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Sở Nội vụ Nghệ An, việc sáp nhập, tinh gọn, giúp địa phương tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng ngân sách mỗi năm từ chi thường xuyên, lương, phụ cấp và vận hành cơ sở vật chất. Quan trọng hơn, bộ máy hành chính được tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Tiếp nối thành công đó, hiện Nghệ An cũng đang hoàn thành việc rà soát, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã từ 412 xuống còn 130 (dự kiến số viên chức cấp huyện khoảng 1.391 người sẽ bố trí về xã mới. Số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư sau sáp nhập xã và bỏ cấp huyện là 3.530 người, dự kiến sẽ giải quyết trong 5 năm).

mapsnghean-2.png

Bài học rút ra là: Nếu có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền, cùng sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, việc sáp nhập, tinh gọn không những khả thi mà còn tạo cú hích phát triển mới cho địa phương.

Có thể thấy rằng, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà là bước đi chiến lược thể hiện quyết tâm chính trị cao trong thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng, chống lãng phí. Đây chính là hành động cụ thể để kiến tạo một nền hành chính phục vụ hiệu lực, hiệu quả và gần dân.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là yêu cầu về quản trị quốc gia hiện đại, mà còn là biểu hiện của một nhà nước văn minh, trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, tổ chức phải là một mắt xích chủ động trong hệ thống ấy, thể hiện tinh thần "Chống lãng phí" bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Ứng dụng công nghệ thông tin tra cứu thủ tục hành chính. Ảnh: TL
Ứng dụng công nghệ thông tin tra cứu thủ tục hành chính. Ảnh: TL

Chúng ta đang đứng trước thời cơ lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, cần triển khai đồng bộ các giải pháp chiến lược nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ nhân dân, phát triển đất nước.

Trong đó, việc phòng, chống lãng phí không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà phải trở thành một trụ cột trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị và quản trị quốc gia. Cần quyết liệt đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, tận tụy, phụng sự Tổ quốc và nhân dân!

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Thành Cường
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Thành Cường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Chống lãng phí bắt đầu từ tinh gọn bộ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO