Chống thất thu thuế: Bài cuối: Tăng cường biện pháp mạnh

Theo Luật Quản lý thuế, một trong những trách nhiệm của người nộp thuế là thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định; kê khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định trên vẫn chưa thực hiện được triệt để hoặc người nộp thuế tìm các cách lách luật, nên cần có các giải pháp, biện pháp mạnh để thực hiện thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhà nước?

Nhằm hạn chế thất thu thuế cho Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, các cơ quan thuế cần đảm bảo mọi hoạt động phát sinh doanh thu trên lĩnh vực hoạt động chuyển nhượng bất động sản thuế đều phải được giám sát và tính thuế. Bên cạnh đó, nếu có lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng, mua bán bất động sản thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Ðể thực hiện, các cơ quan, ban, ngành cần có sự phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về giá bất động sản.

Theo đó, một mặt, tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này và chống thất thu thuế, nhưng mặt khác cũng cần có các cơ chế để thúc đẩy các giao dịch qua ngân hàng. Cụ thể, nhà nước có thể xem xét, cập nhật thường xuyên để bảng giá đất của Nhà nước sát với mức bằng 90% đến 95% giá thị trường thay vì chỉ bằng khoảng 30% đến 50% giá thị trường như hiện nay. Ngành xây dựng hay quản lý đô thị khi cấp giấy phép các công trình xây dựng thì đồng thời gửi giấy phép cho cơ quan thuế biết để chống thất thu thuế trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng và cho thuê căn hộ, khách sạn, trường học, biệt thự, resort nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh.

Về lâu dài, cần có những giải pháp nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; tiếp tục xử lý thật nghiêm trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tiền thuế của dân.

Hoạt động giao dịch môi giới đất đai diễn ra công khai. Ảnh: P.V
Hoạt động giao dịch môi giới đất đai diễn ra công khai. Ảnh: P.V

Trước cơn sốt về kinh doanh chuyển nhượng bất động sản vài năm lại đây, từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có nhiều văn bản triển khai các giải pháp chống thất thu thuế trên lĩnh vực này, trong đó cùng với tích cực vận động, tuyên truyền, Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan công an, tư pháp các địa phương phối hợp xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế…

Chính vì vậy, Trung ương đã yêu cầu cơ quan thuế quán triệt tinh thần chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” các thủ tục hành chính; các địa phương phải khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý về giá tính thuế chuyển nhượng bất động sản để áp dụng thật rõ ràng, minh bạch trên cơ sở phân tích về sự khác biệt giữa giá giao dịch bất động sản thực tế và giá kê khai trên hợp đồng, một nguyên nhân gây thất thu thuế.

Các giao dịch bất động sản còn gây thất thu thuế. Ảnh: Lâm Tùng
Các giao dịch bất động sản còn gây thất thu thuế. Ảnh: Lâm Tùng

Tại Nghệ An, đại diện Cục Thuế cho biết: So với các tỉnh, Nghệ An triển khai chỉ đạo về chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản thận trọng và bài bản. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, cùng với tích cực tuyên truyền cho người dân, ngày 23/12/2021, Cục Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản giao các sở ngành liên quan tham mưu xây dựng hệ số giá đất và tài sản phù hợp với thị trường từng thời điểm để ngành thuế tham chiếu; có giải pháp đấu tranh để hạn chế tình trạng kê khai 2 mức giá, trong đó mức giao dịch tại cơ quan thuế quá thấp để “né” và “lách” thuế, phí; giao Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức công chứng tăng cường tuyên truyền cho người dân ghi đúng, ghi đủ giá chuyển nhượng bất động sản; ngành cũng tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo tính liêm chính; hạn chế tới mức tối đa việc trả lại hồ sơ cho người dân. Nhờ vậy, đến thời điểm này, thu ngân sách về chuyển nhượng bất động sản đã có kết quả tích cực, chưa có giao dịch có dấu hiệu “né” và “trốn” thuế khiến cơ quan thuế phải xác minh, kiểm tra để ấn định thuế theo điều 15, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.

Được biết, ngành chức năng đã vào cuộc, phát hiện ra một số vụ việc như hiến đất làm đường ở nông thôn với mục đích phân lô bán nền tại một số thửa đất có diện tích lớn diễn ra ở Tân Kỳ (11 trường hợp), TX Thái Hoà (30 trường hợp), Nam Đàn 12 trường hợp, Nghĩa Đàn 43 trường hợp, Quỳnh Lưu 7 trường hợp… Một số người môi giới bất động sản có hành vi mua gom lại đất của người dân hoặc các thửa đất diện tích lớn gồm đất vườn, đất trồng cây lâu năm sau đó xin chuyển đổi mục đích sang đất ở. Ngành chức năng cũng nhận định thực trạng trên là thiếu lành mạnh, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tung thông tin ảo về quy hoạch, dự án mới, đồng thời tiến hành rao bán người dân giao dịch… Hiện tại, ngành chức năng kiến nghị tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị hoạt động môi giới bất động sản hoạt động chưa đủ điều kiện…

Cục Thuế Nghệ An cho biết: sau hơn 4 tháng triển khai tinh thần văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, doanh số thuế từ chuyển nhượng bất động sản đã chuyển động tích cực. Ông Võ Duy Đức – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Vinh cho biết: Cùng với triển khai áp dụng 100% hóa đơn bằng điện tử, việc rà soát, ngăn ngừa nguy cơ thất thu thuế trong chuyển nhượng đất đai là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho ngành thuế. Tại địa bàn TP. Vinh, thông qua vận động tuyên truyền, từ đầu năm 2022 đến nay đã hàng trăm hồ sơ kê khai mức giá chuyển nhượng cao gấp 2, gấp 3 lần so với giá nhà nước quy định.

Không chỉ lĩnh vực bất động sản, thuế vận tải, mua bán hoá đơn, hiện nay còn những khó khăn nhất định trong thu thuế thương mại điện tử mà hầu như ai cũng nhìn thấy rõ. Cơ quan thuế đang quản lý hai nhóm đối tượng chính có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là chưa quản lý hết được số người kinh doanh trên mạng cũng như khối lượng giao dịch trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: Internet
Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là chưa quản lý hết được số người kinh doanh trên mạng cũng như khối lượng giao dịch trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: Internet

Đây là con số rất lớn. Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là chưa quản lý hết được số người kinh doanh trên mạng cũng như khối lượng giao dịch trên các trang thương mại điện tử. Tại Nghệ An, qua trao đổi với chúng tôi, Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận chưa thống kê được các con số này. Số người kinh doanh và tham gia mua bán trên mạng rất lớn và lượng tiền giao dịch qua ngân hàng, qua tài khoản ngày càng tăng nhưng không thể quản lý được do họ không đăng ký kê khai thuế, không nộp thuế, giao dịch giữa các bên không thể hiện mua bán do chat riêng với nhau cơ quan thuế không quản lý được. Do đó chưa quản lý hết được các nguồn thu thuế trên lĩnh vực này.

Trước những khó khăn, bất cập trong việc quản lý, chống thất thu thuế trong kinh doanh vận tải mà chúng tôi vừa nêu, ở một số chi cục thuế vấn đề này đang triển khai khá tốt. Tại Chi cục Thuế Sông Lam I, đang phối hợp UBND xã, thị trấn mời hộ kinh doanh để tuyên truyền công tác thu nợ. Ban hành thông báo tiền thuế, phối hợp gửi ủy nhiệm thu thuế trực tiếp đôn đốc thu nợ, thực hiện biện pháp thông báo nợ trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn, đối với hộ chây ỳ. Tăng cường xác minh tài khoản tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng, xác minh tài sản của hộ kinh doanh qua UBND cấp xã, phường.

Để chống thất thu thuế vận tải, một số chi cục thuế khu vực đã tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố lập đoàn liên ngành thu hồi nợ thuế. Đoàn liên ngành đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh không đăng ký, kê khai, chây ỳ nợ thuế. Sử dụng loa phát thanh để thông báo những hộ kinh doanh đang còn nợ thuế, niêm yết danh sách hộ kinh doanh đang còn nợ thuế tại các bảng tin xã, phường; mời các hộ kinh doanh đến trực tiếp UBND xã, phường để làm việc.

Mặc dù đang nợ thuế, hành chục phương tiện vận tải ở xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) vẫn hoạt động về đêm. Ảnh: VH
Mặc dù đang nợ thuế, hành chục phương tiện vận tải ở xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) vẫn hoạt động về đêm. Ảnh: VH

Đối với khoản nợ trên 90 ngày, Cơ quan Thuế ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp cưỡng chế phù hợp như công khai thông tin người nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng…  Trên thực tế, để thu thuế vận tải tư nhân không khó, nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành giao thông và Công an tỉnh bởi hàng năm các phương tiện này đều tổ chức đăng kiểm hoặc kiểm tra phương tiện khi lưu hành. Vấn đề là UBND tỉnh cần có quy định, hướng dẫn giao việc để các sở ngành liên quan phối hợp.

Thời gian qua, Cục Thuế Nghệ An đã ban hành một số đề án trên lĩnh vực này. Một mặt Cục đang thực hiện quy chế phối hợp với cơ quan Công an và phối hợp với các ngân hàng thương mại về tham gia thu thuế và thu các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình thực hiện nộp thuế điện tử. Đối với vấn đề chuyển nhượng bất động sản, Cục Thuế đã có Công văn số 660/CT- NVDTPC ngày 27/01/2022 gửi các Chi cục thuế khu vực về giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Cục cũng đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, phối hợp với sở, ban, ngành… trong vấn đề thu thuế thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền rộng rãi và hiệu quả về chính sách pháp luật thuế để người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng thuận và thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.