Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

16/09/2013 18:42

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại thế kỷ 21. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường toàn cầu. Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI, đã thông qua Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Do vậy chủ động ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra.

(Baonghean) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại thế kỷ 21. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường toàn cầu. Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI, đã thông qua Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Do vậy chủ động ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra.

Theo dự báo Biến đổi khí hậu (sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và môi trường toàn thế giới: đến năm 2080, sản lượng ngũ cốc sẽ giảm 2 - 4%, trong khi giá ngũ cốc có thể tăng 13 - 45%, và nạn đói có thể tác động đến 35 - 60% dân số thế giới; mực nước biển dâng nhanh có thể gây ngập lụt và gia tăng xâm nhập mặn ở những vùng đất thấp, do đó ảnh hưởng đến nông nghiệp, công nghiệp và hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai.

Theo đánh giá thì Việt Nam là một trong các nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng. Ở nước ta trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. Các vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH lớn nhất ở Việt Nam cũng là những vùng có nhiều thiên tai, bao gồm 2 khu vực chính: khu vực ven biển tập trung đông dân cư, nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng và khu vực khác trong nội địa (như Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên) là nơi có địa hình đồi núi cao dễ bị tác động của hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và bệnh tật… Đối với Nghệ An, với đường bờ biển dài 82km, có khu vực miền Tây rộng lớn, BĐKH đang tạo ra những đe doạ thực sự với đời sống dân cư và tốc độ phát triển chung của cả tỉnh.

Quỳnh Lưu có 9 xã ven biển với tổng chiều dài 19,5km. Nhân dân các xã ven biển đang cảm nhận rõ rệt những tác động của BĐKH đối với đời sống. Chúng tôi về xã Quỳnh Long – nơi sinh sống của hơn 2 ngàn hộ dân với gần 10 ngàn nhân khẩu. Cả xã có 8 xóm thì 7 nằm sát bờ biển trên tổng chiều dài 3,9km. Tại những xóm này trước khi đê biển được xây dựng, nhân dân luôn phải đối mặt với tình trạng biển xâm thực, thậm chí sóng dâng cao tràn cả vào nhà.

Ông Trần Mão (xóm Phú Liên) cho biết: “Vào mùa mưa bão, sóng biển dâng cao đánh vào bờ đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ gia đình cư trú ven biển. Tâm trạng lúc nào cũng lo lắng, không thể toàn tâm toàn ý làm kinh tế”. Nói đoạn cụ Mão chỉ vào vách kè biển đang trong quá trình xây dựng than: “Sau trận bão 1987, sóng cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản của nhân dân. Các hộ sinh sống ở dãy nhà sát biển đều phải di dời. Các năm tiếp theo nước biển cứ ăn sâu vào đất liền ngày một nhiều”.

Những tác động do BĐKH không chỉ xảy ra ở Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), bởi theo số liệu tính toán từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN& MT), các đợt triều cường từ cuối năm 2000 đến đầu năm 2009 đã làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ biển và các cửa sông trên địa bàn tỉnh, đe doạ trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Có 19/44 xã bị xói lở với chiều dài khoảng 19.290m (cửa lạch 11.050 m, bãi ngang 8.240 m). Tốc độ xói lở trung bình 42m/năm. Như vậy, vùng ven biển hàng năm mất đi khoảng 100 ha đất, nhiều chỗ nguy hiểm như Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Bảng, Quỳnh Ngọc tốc độ xói lở từ 150 - 200m/năm. Cùng với hiện tượng đó, tình trạng bồi lắng các vùng cửa sông cũng đồng thời ảnh hưởng đến nhân dân vùng ven biển, gây khó khăn cho việc ra vào neo đậu của tàu thuyền…



Tuyến đê chắn sóng chạy qua xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu).

Do tác động của BĐKH, trong gần 1 thập kỷ qua, mức độ ảnh hưởng của thiên tai đối với Nghệ An có dấu hiệu ngày càng tăng, diễn biến phức tạp và khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng hợp của Chi cục Bảo vệ môi trường cho thấy: Năm 2005, Nghệ An chịu ảnh hưởng của 6 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, đặc biệt cơn bão số 3 với hoàn lưu sau bão đã gây ra lũ lớn ở sông Nậm Mộ, dẫn đến lũ quét ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và các sông, suối đi qua Tân Kỳ. Bão lụt năm này làm chết 28 người và tổng thiệt hại tài ước tính 372,5 tỷ đồng.

Năm 2011, địa bàn tỉnh có 3 cơn bão, 2 đợt lũ quét làm 19 người chết, ảnh hưởng đến 59.433 ha đất nông nghiệp, làm sập đổ 346 ngôi nhà… tổng thiệt hại 2.811 tỷ đồng. Và cho đến năm 2012 dù chỉ chịu ảnh hưởng của 1 cơn bão, 2 đợt lũ nhưng thiên tai cũng đã làm 15 người chết, ảnh hưởng đến 31.796 ha đất nông nghiệp, làm sập đổ 86 ngôi nhà… tổng thiệt hại ước tính 1.049 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh cũng đã xảy ra 12 đợt lốc xoáy, mưa đá ở địa bàn 13/20 huyện, làm chết 2 người; sập đổ, hư hỏng nặng 76 nhà.

Trước thực trạng đó, các cấp các ngành của tỉnh đã vào cuộc thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra. Trên tổng chiều dài 82km bờ biển, kéo dài từ xã Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai) đến Cửa Hội, phường Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò) đã xây dựng 12 tuyến đê biển với tổng chiều dài 61,02km. Những công trình đê biển này đã có tác động tích cực đến đời sống dân sinh các khu vực ven biển, tăng cường khả năng chống chọi trước thiên tai và nước biển dâng. Huyện Quỳnh Lưu có gần 18 km đã và đang được xây dựng với kết cấu chống triều cường khi có bão cấp 9, cấp 10 giúp bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân.

Anh Vũ Văn Nhuận, xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long có nhà nằm cách bờ biển khoảng 50m, cho biết: “Chúng tôi phải mua đá về đổ trước nhà để chắn sóng, nhưng nhiều lúc sóng vẫn cứ “xông” thẳng vào nhà, nhất là vào mùa mưa bão, rất nguy hiểm. Hơn 2 năm lại đây, từ khi có tuyến đê biển Quỳnh Long – Quỳnh Thuận – Sơn Hải - Quỳnh Thọ, bà con yên tâm lắm! Đặc biệt, tuyến đê biển đồng thời là đường giao thông giúp nhân dân đi lại thuận lợi”. Từ năm 1997 đến nay, bằng nguồn kinh phí tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai trồng được 1.375ha các cây đước, bần ở những diện tích đất nhiễm mặn, đầm, phá, sông nước mặn dọc theo bờ biển từ huyện Quỳnh Lưu vào đến xã Hưng Hòa, TP Vinh.

Những diện tích rừng này góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ các tuyến đê biển và cư dân sống gần biển trước tác động của BĐKH. Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía cơ sở, công tác ứng phó với BĐKH vẫn còn những hạn chế nhất định. Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng Phòng NN & PTNN huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Việc xây dựng đê chắn sóng mang lại hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi do thiếu kinh phí nên tốc độ xây dựng đang bị chậm tiến độ”.

Còn ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) kiến nghị: “Nhân dân vùng biển thường có tâm lý chủ quan trước các nguy cơ do nước biển dâng gây ra. Vì vậy, để tăng cường nhận thức về BĐKH, Nhà nước cần có những chương trình tuyên truyền bằng tranh ảnh, pa - nô… thật sinh động nhằm thay đổi nhận thức nhân dân. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng xây dựng các công trình phúc lợi kiên cố, đảm bảo chống chọi được với các nguy cơ thiên tai do BĐKH mang lại”.

Để, chủ động trong ứng phó với BĐKH, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015 có tính đến năm 2020” với mục tiêu cụ thể là: Đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đến điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển của KT-XH, đời sống và sinh kế của nhân dân trên cơ sở các kịch bản BĐKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố; Xây dựng và lựa chọn các giải pháp cụ thể của tỉnh ứng phó với BĐKH; lồng ghép được các hoạt động tương ứng của kế hoạch hành động vào các kế hoạch phát triển của tỉnh; củng cố và tăng cường được năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về BĐKH; nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn lực.

Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch đang gặp một số khó khăn do BĐKH là vấn đề mới, nhận thức của nhân dân và các cấp chính quyền về nguyên nhân và tác động của nó còn hạn chế. Việc đưa ra các chương trình hành động và các giải pháp lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu trong từng ngành, lĩnh vực và khu vực phát triển đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, chưa chi tiết.

Trong khi đó, nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho các hoạt động ứng phó với BĐKH vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do vậy, cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch và linh hoạt trong triển khai thực hiện mới chủ động trong ứng phó với những biến đổi khó lường do thiên tai gây ra.


Thành Duy

Mới nhất
x
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO