Chữ "khéo" của Hồ Quang Lợi
(Baonghean) - Nếu ai đó từng chủ quan mặc định rằng dân Nghệ tuyền những người ăn to nói lớn (theo nghĩa khó nghe) thì Hồ Quang Lợi dứt khoát là một trường hợp ngoại lệ. Trừ những khi cần đến giọng điệu đanh thép cho một bài bình luận thời sự quốc tế - địa hạt mà anh là một cái tên gần như không thể thay thế, trước và ngay cả sau khi nhậm chức Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thì Hồ Quang Lợi ở ngoài đời là một người ăn nói điềm đạm, từ tốn, có cái nghiêm chỉnh, mực thước của một người sống lâu trong môi trường quân đội; lại thêm độ đằm của một người giàu trải nghiệm, đam mê sống, đam mê làm nghề, tinh thông nhiều điều ngang lẽ dọc ở trên đời…
TIN LIÊN QUAN
Gặp Hồ Quang Lợi - cây bút bình luận thời sự quốc tế nổi tiếng mà suốt một thời đại học tôi từng thần tượng (vì anh từng đến khoa Báo chí của trường tôi thỉnh giảng), và nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2015), mới thấy cựu nhà báo này… “khổ” ra phết! Vì bên cạnh những bó hoa chúc mừng, đôi khi anh còn phải nghe… thơ. Mà thơ, nhất là thơ ca ngợi cá nhân, người thật việc thật (!), lại được dùng để đọc trực tiếp ngay trước nguyên mẫu thì thường là… khó hay. Và tôi e là tôi sẽ thất vọng về anh biết chừng nào, nếu như sau đó anh lại cũng sẽ như một số ông “quan bàn giấy” tôi từng gặp, là… làm một động tác vỗ đùi đánh đét để nắc nỏm khen thơ ấy hay, khiến các nhà thơ nghiệp dư lại càng được đà, thì “nguy to”! May thay, cách anh chọn là xã giao đủ dùng, vừa không đến nỗi phụ lòng, gây cụt hứng cho “thi nhân”, lại vừa không quá làm mất thời gian của chính mình.
Nhà báo Hồ Quang Lợi. Ảnh: Internet |
Nghề của anh là vậy chăng: trước khi nói, hay viết, thì cứ phải nghe cái đã, kể cả những thứ không dễ lọt tai. Hồ Quang Lợi khéo, tôi nghĩ thế. Anh viết khéo, nói khéo và cư xử khéo, cả trên mặt báo lẫn ngoài đời. Khéo mà không gây cảm giác khôn, vì vẫn ấm, vẫn gần và thật, trong cái cách anh “chỉnh volume” một cách vừa phải, dùng câu chữ một cách thận trọng để không làm phiền người nghe và cũng không làm khó chính mình.
Tôi từng nhận được một bài học làm báo từ Hồ Quang Lợi khi được nghe anh giảng ở khoa Báo chí - Trường KHXH&NV Hà Nội, và tận đến giờ vẫn còn dùng được chán. Ấy là nghệ thuật đặt tít - một thế mạnh nổi bật ở cây bình luận quốc tế nổi tiếng này, không chỉ bởi văn phong lôi cuốn mà còn ở tầm nhìn xa rộng. “Vùng Vịnh - thanh gươm chiến tranh đã rút khỏi vỏ” - cái tít bài “kinh điển” (vì về sau được rất nhiều đồng nghiệp của anh “mượn dùng” trong những bối cảnh tương tự), từng đưa anh đến với giải Báo chí quốc gia trong lần tổ chức đầu tiên, có thể nói là một trong những đỉnh cao của chữ “khéo” ở Hồ Quang Lợi. Bởi thời điểm bài báo “nhạy cảm” ấy của anh ra đời (được viết ngày 15/1/1991, đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 16/1/1991) thì cuộc chiến gây nín thở ấy phải một ngày sau đó mới xảy ra. Một cái tít cực đắt, không chỉ ở chỗ nó dũng cảm và tự tin dự báo, mà đáng nói hơn cả, là nó khéo: Để trong mọi trường hợp (chiến tranh xảy ra hay không xảy ra) thì tác giả bài báo cũng không bị… hớ. Mà nghề báo, nhiều khi hơn nhau ở chỗ là đừng để mình bị hớ vậy!
Tôi còn biết Hồ Quang Lợi khéo - vẫn là anh, nhưng là trong một câu chuyện khác, ngoài nghề. Ấy là khi anh bị một nữ nhà báo hỏi khó: “Có bao giờ anh nghĩ tồn tại giới hạn yêu và thôi yêu, yêu đời và yêu ai đó? Anh có hay “xiêu lòng” trước phái đẹp?”, thì câu trả lời, rất “lụa”, mà rằng: “Tôi không hơn những người biết yêu - yêu đời và yêu phụ nữ”. Hết! Một câu trả lời ngắn gọn hết sức có thể, nhưng lại hàm chứa bao điều, muốn hiểu kiểu nào cũng được, và quan trọng là toại cả đôi đường: “chủ sở hữu” không bắt được vào đâu, mà các “điệp vụ bất khả thi” khác (nếu có, và nếu muốn) hẳn cũng vẫn có thể tìm thấy cho mình chút “ánh sáng ở cuối đường hầm” (?).
Hẳn cũng vì chữ “khéo” ấy ở Hồ Quang Lợi (mà cái nền tảng đáng kể nhất của nó chính là sự sâu sắc, tinh thông) mà Thành ủy Hà Nội không dưới 5 lần “cho vời” anh (vốn lúc đó vẫn đang trong cơn say nghề dù đã hơn 30 năm cầm bút) về “giúp việc nước”. Một trường hợp chưa từng có tiền lệ ở đây: Lần đầu tiên có một người thậm chí chưa vào đến cấp ủy, lại được mời đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, vào đúng thời điểm trọng đại: Đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, lại là một Hà Nội mở rộng - đầy đặn hơn, rộng dài hơn, nhưng cũng dọc ngang, bề bộn hơn bao nhiêu….
Mà, ngành Tuyên giáo, kể ra cũng đến là có duyên với người Nghệ: Từ Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đến Phó Ban tuyên giáo TƯ (PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ) đều là “dân quê choa” mà ra cả. “Tôi nghĩ là một sự tình cờ ngẫu nhiên thôi, và thường sự tình cờ hay mang lại cảm giác thú vị. Cũng giống như có đợt, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (nhà văn Hồ Anh Thái) và Chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội (là tôi) đều là hai cái anh… cùng làng (Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An), thì sao…” - Hồ Quang Lợi cười.
Cây bình luận quốc tế không nhận là mình “khéo”. Có chăng là khéo học hỏi mà thôi: “Người Nghệ mình, thường là thẳng thắn, bộc trực, chân thành. Âu cũng là một tính cách “thuận” với cái nghề cần đến phát ngôn. Nhưng một mặt, tiếng Nghệ, nếu không biết “chỉnh volume” cho khéo, thì có thể ít nhiều cũng bị cho là khó nghe đấy! Và cái nghệ thuật “điều chỉnh âm lượng” ấy, muốn đủ dùng, lại cũng phải học…” - anh nói.
Nhà báo Hồ Quang Lợi (trái) trong lễ ra mắt cuốn sách “Thế sự và mắt nhìn”. Ảnh: Internet |
Tất nhiên, cũng có lúc, người rành rẽ tinh thông bao chuyện trên trời dưới biển ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới, kể cả những nơi… chưa từng đặt chân kia, lại nhiều khi không trả lời nổi những câu hỏi diễn ra ngay trong chính nhà mình, đất nước mình. Chẳng hạn như là, trong suốt bao nhiêu năm anh không biết được mộ người em trai của mình đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1978 đang nằm ở đâu trên thăm thẳm bao la mảnh đất hình chữ S này; cũng không hiểu vì sao mẹ anh không muốn đưa hài cốt của em anh về quê, ngay cả khi đã tìm được mộ… Câu trả lời, dĩ nhiên cuối cùng cũng có, nhưng để trả lời nó, anh và người thân của anh đã phải bập bùng đi qua cả một miền đau. Và có những nỗi đau không thể bình luận nổi!
Nhưng riêng điều này thì tôi lại muốn (bắt chước anh) hành nghề bình luận: Làm nghề Tuyên giáo lúc này có thể nói là khó khăn hơn bao giờ. Nếu như một thời, cả nước, cả xã hội, người người nhà nhà cùng chung một tư tưởng, một nếp nghĩ, một hành trang thế hệ (đôi khi chỉ cần một ca khúc hiệu triệu hay một cuốn sách gối đầu giường) thì ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của internet, của mạng xã hội, thì mỗi một cư dân mạng nghe chừng cũng đồng thời là một “nhà tư tưởng”, một “bình luận viên” Biết Tuốt nào đó, hay ít ra là khó mà tránh khỏi một đôi lần ảo tưởng vậy. Thế nên, nói thế nào cho những tay “Biết Tuốt” ấy thấy phải, thấy dễ nghe, lại càng lại cần chữ “khéo” hơn bao giờ.
Mà tôi thì biết, ngoài chơi “bóng chữ”, Hồ Quang Lợi còn chơi bóng đá - môn thể thao “vua” cần cả sức mạnh lẫn sự khéo léo.
Ngành Tuyên giáo, kể ra cũng đến là có duyên với người Nghệ: Từ Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi đến Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ) đều là “dân quê choa” mà ra cả...”. |
Nguyên Lê