Thời gian gần đây, chủ nghĩa dân túy (CNDT) xuất hiện khá nhiều và thường xuyên trong xã hội. Nó là hiện tượng đem lại điều tích cực hay tiêu cực? Có lẽ đây cũng là câu hỏi chắc chắn có các đáp án trả lời khác nhau phụ thuộc vào góc độ tiếp cận và mục đích sử dụng nó.
Về lịch sử, CNDT phát triển mạnh mẽ nhất vào thế kỷ 19, khi mà các chính trị gia, nhà hoạt động xã hội nhân danh nhân dân để chống lại lợi ích của tầng lớp tinh hoa, thường là số ít trong xã hội nhưng lại nắm quyền lực Nhà nước. CNDT thường có các đặc điểm:
– Nhân danh số đông đưa ra khẩu hiệu vì lợi ích nhân dân;
⁃ Nó là phương thức, là công cụ để lôi kéo, tập hợp số đông chống lại giới tinh hoa. Lúc đầu nó có sự tin tưởng và sức mê hoặc rất lớn đối với quần chúng, bởi quả thực nó đòi hỏi những quyền lợi rất cụ thể cho cộng đồng;
⁃ CNDT có thể kết hợp với các phong trào tư tưởng khác, thậm chí cả khi những tư tưởng này đối lập nhau, để hô hào quần chúng hành động;
⁃ Một đặc điểm khá điển hình nữa của CNDT là tính không ổn định của lập trường, hay nói cách khác là sự thay đổi về mục tiêu, phương thức đấu tranh một cách dễ dàng; nó tranh thủ sự ủng hộ nhất thời của công chúng hơn là thực hiện các giải pháp căn cơ vì lợi ích lâu dài, bền vững của họ;
⁃ Càng ngày CNDT không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực chính trị, trong hoạt động ở nghị trường mà còn lan sang các lĩnh vực khác nữa và được người ta sử dụng rất linh hoạt, nhằm có được số người ủng hộ quan điểm, việc làm của mình một cách tối đa;
⁃ Với độ mở rất cao của xã hội ngày nay, khi mà khoa học, kỹ thuật, công nghệ giúp con người tạo ra “thế giới phẳng”, “thế giới nhanh”… thì CNDT không còn là “độc quyền” của giới hoạt động chính trị nữa. Nó rất dễ dàng xuất hiện ở bất kỳ cá nhân nào và tâm lý này lan tỏa mau chóng trong cộng đồng.
Như vậy có thể thấy là tính chính trị của CNDT càng ngày càng bị pha trộn, bị loãng đi và nó nhiều khi được coi như chỉ là công cụ, thủ đoạn để đạt mục đích, đến mức gần như người ta coi nó là chủ nghĩa mị dân thuần túy.
Qua theo dõi, nghiên cứu một số sự việc, hiện tượng xảy ra gần đây của chúng ta, thấy một điều rất đáng quan tâm là CNDT đã hiện diện khá rõ ở một số cán bộ và một bộ phận nhân dân. Đáng lo ngại hơn, nó lợi dụng tâm lý “phản kháng, hẹp hòi, thiển cận” để tạo ra các phong trào mà hệ lụy rất lớn: Cái đơn lẻ đi ngược lại lợi ích chung; lợi dụng tâm lý đám đông để thực hiện mục đích cá nhân; làm thỏa mãn nhu cầu tầm thường, thậm chí lệch chuẩn nhân danh tự do, dân chủ; lấy lợi ích nhỏ trước mắt phá hoại lợi ích lớn, toàn cục về lâu dài… Cho dù là chủ ý hay vô tình, đó là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc và đấu tranh để hạn chế mặt tiêu cực mà CNDT đem lại.
Một cán bộ lãnh đạo, một đại biểu dân cử khi tiếp xúc với nhân dân thì hứa này hứa nọ, nhưng sau đó nhanh chóng lãng quên, có cán bộ kiểu “đánh trống bỏ dùi”, làm không như nói, nhiều khi họ đưa ra những khẩu hiệu, những mệnh đề rất hay, những tuyên bố rất hùng hồn nhưng lại không biết/không triển khai được các giải pháp để thực hiện, có số cán bộ mà như Đảng nói là mang nặng “tư duy nhiệm kỳ”. Lại có cán bộ a dua, vào hùa với một số hiện tượng (Lê-Nin gọi là “theo đuôi quần chúng”) mà không dám đấu tranh hoặc không dám ra quyết định vào thời khắc quan trọng theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình… Đó là CNDT của người có quyền lực. Lắng nghe nhân dân là điều không thể thiếu ở người lãnh đạo, nhưng cuộc sống nhiều lúc đòi hỏi tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm thì dứt khoát người lãnh đạo phải thể hiện.
Còn xu hướng dân túy trong xã hội thì sao? Lâu nay chúng ta gặp, chứng kiến không ít các tình huống, các sự việc mà một cộng đồng khá lớn dân chúng rầm rộ chỉ trích một điều chưa rõ thực hư hay bênh vực một số hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức truyền thống của ai đó một cách đầy cảm tính mà không dựa trên kỷ cương pháp luật Nhà nước và điều đáng buồn là nhiều khi sự phản ứng đó chỉ vì không thích (hay ghét) một lực lượng nào đó, một bộ phận cán bộ nào đó. Họ sẵn sàng lên đồng để mạt sát, xúc phạm người khác nhân danh bảo vệ “người yếu thế” một cách vô lối mà không biết rằng nhiều khi đang cổ xuý cái ác, cái tiêu cực, đang làm hại chính người mà họ bênh vực. CNDT lắm khi được khoác các chiếc áo mang danh “nhân văn, nhân đạo” thật mỹ miều. Những biểu hiện này của CNDT ở quần chúng ngày càng rõ, điều mà chúng ta thấy khác rất xa với thời sơ khai của CNDT.
Cán bộ lãnh đạo mà bị CNDT chi phối trong suy nghĩ và hành động thì họ sẽ không giải quyết được các vấn đề có tính chiến lược, thậm chí sẽ là sự cản trở cho các giai đoạn phát triển về sau của xã hội, sẽ làm lu mờ vai trò của tổ chức chính trị mà họ là người đại diện. Các cá nhân đưa CNDT ra để nguỵ biện cho những suy nghĩ nông cạn, cảm tính lấn át lý trí thì chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy tiêu cực lớn cho cộng đồng.
Vài suy nghĩ như là thể hiện một lo ngại sâu sắc trước sự lên ngôi của Chủ nghĩa dân túy ngày nay!