Chữ "tâm" của nữ tổng biên tập

11/11/2011 17:36

(Baonghean) - Có người đã từng nói: Chị Phan Thị Thúy Liên sinh ra để làm báo và cống hiến cho Báo Nghệ An. Khi là phóng viên, chị lăn lộn nơi cơ sở. Với cái nhìn sắc sảo và thẳng thắn, tác phẩm của chị, dẫu nói về vấn đề tích cực hay tiêu cực, cũng đầy tính nhân văn. Khi là nhà quản lý, chị mềm mại và đằm thắm trong điều hành, luôn biết khơi dậy những thế mạnh của anh em phóng viên cũng như cộng tác viên xa gần. Gần 40 năm lăn lộn trong nghề báo, cái "tâm" của nữ tổng biên tập để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và độc giả xứ Nghệ.

Năm 1969, tốt nghiệp lớp 10 với thành tích xuất sắc, cô học trò bé nhỏ Phan Thị Thúy Liên được Tỉnh ủy lựa chọn gửi đi học khoá đầu tiên Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí tuyên truyền). Năm 1973, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, chị được phân công về tổ Công nghiệp Báo Nghệ An (do nhà báo Thanh Phong làm tổ trưởng). Bằng sức trẻ và lòng yêu nghề, chị không ngần ngại đi đến bất cứ nơi đâu do Ban Biên tập yêu cầu hay đơn giản chỉ là để khám phá. Lắm lúc chị phải đi bộ cả ngày mới đến được nơi mình cần đến hay thường xuyên phải xin anh chị lớp trước đi "ké" xe đạp.

Chiến tranh chấm dứt, Thành phố Vinh được nhiều chuyên gia nước Đức sang viện trợ xây dựng lại thành phố. Để kịp thời thu thập thông tin phản ánh hơi thở cuộc sống lúc bấy giờ, chị vừa đi làm, vừa theo học lớp tiếng Đức do các chuyên gia Đức dạy. Những lớp học này đã giúp chị có nhiều bài viết kịp thời về công việc tái thiết thành phố. Không chỉ thế, chị còn phát hiện ra nhiều điển hình từ nông thôn lên thành phố rèn luyện và trưởng thành từ các nhà máy. Tác phẩm "Viên gạch chịu lửa", hay "Ước mơ bình dị" của những nữ công nhân mong được đối xử công bằng được những người công nhân, lao động chuyền tay nhau đọc...



Đồng chí Phan Thúy Liên và đồng chí Tạ Việt Anh - Phó Tổng biên tập báo Hà Nội Mới ký kết chương trình phối hợp hoạt động chuyên môn. Ảnh: S.M

Sau ngày hòa bình và thống nhất đất nước, vẫn bằng cái nhìn sắc sảo và thẳng thắn ấy, chị luôn phát hiện và lựa chọn những sự kiện sâu sắc và tinh tế phản ánh rất sát đời sống kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh, đặc biệt giai đoạn nhân dân ta đang gồng lên trước bao khó khăn thách thức, bươn chải để thoát khỏi thời kỳ bao cấp, bước sang giai đoạn đổi mới của đất nước. Nhiều bài viết động viên tích cực những nhân tố mới ở làng quê nọ, hoặc đơn vị, cơ quan, xí nghiệp nhà máy kia như những tác phẩm: "Đường cày nối những bờ vui", "Chiều sâu của những mét khoan"... Những tác phẩm của chị luôn thu hút độc giả ngay từ cái tít. Chị cũng luôn đề cao việc chọn lựa đề tài với quan niệm không viết xuôi một chiều mà thường lật lại vấn đề để phản biện. Chính vì vậy, nhiều bài báo của chị vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho tới tận hôm nay...

Phần thưởng lớn nhất đối với những nhà báo là tác phẩm của mình được bạn đọc quan tâm. Chị đã làm được điều đó. Từng là phóng viên, biên tập viên, có những năm kiêm luôn cả họa sỹ mi trang..., dẫu ở giai đoạn nào, nhiệm vụ nào, chị vẫn luôn sáng tạo, tận tụy, hết sức, hết mình vì công việc. Cuối năm 1993, chị được đề bạt Phó Tổng biên tập trực xuất bản. Vẫn tác phong làm việc đó, chị luôn nhanh nhạy, phát hiện những đề tài bám sát chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như những vấn đề được bạn đọc quan tâm. Để có những bài báo hay, chất lượng, chị không ngừng tìm tòi, đọc và phát hiện những đề tài hay, gợi ý cho anh em phóng viên thực hiện. Mọi công đoạn từ nội dung, biên tập, đến việc soát lỗi đều được chị quan tâm sát sao để ra mắt một tờ báo hoàn hảo nhất phục vụ bạn đọc. Những ngày chuẩn bị các số báo đặc biệt, báo tết âm lịch, dương lịch dường như chị quên ăn, quên ngủ, bám tòa soạn làm việc thâu đêm suốt sáng. Với lòng đam mê và trách nhiệm trước công việc, chị luôn là chỗ dựa cho các cộng sự.

Năm 2003, chị trở thành nữ Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nghệ An. Trong cuộc sống, chị đối đãi với mọi người bằng sự bao dung, độ lượng. Còn trong công việc chuyên môn, chị chỉ đạo điều hành anh em bằng chính kiến, quan điểm, lập trường cũng như tôn chỉ của tờ báo đảng. Chị không nóng nảy một cách độc đoán nhưng không bao giờ đồng tình khi ai đó cho rằng báo Nghệ An không có tính chiến đấu. "Tính chiến đấu của báo Nghệ An luôn mang động cơ xây dựng, phê bình để rút ra bài học kinh nghiệm, để lần sau thực hiện tốt hơn chứ không bằng mọi cách vùi dập". "Chống" phải nhằm mục đích "xây", đó là quan điểm xuyên suốt của chị. Ví như những loạt bài báo đăng về giống lúa Q.ưu, gạch Nam Giang, giáo xứ Trung Hòa,... nhằm định hướng dư luận, có cái nhìn khách quan, công tâm, được và chưa được. Dẫu có những lúc không tránh khỏi lo sợ từ những cuộc gọi lúc nửa đêm khủng bố tinh thần trước loạt bài báo Nghệ An đã, đang và sẽ đăng. Với lập trường kiên định và tỉnh táo, chị lựa chọn thời điểm phù hợp để nêu vấn đề, để không bị lợi dụng, để không trở thành công cụ cho những kẻ xấu.

Để có cái nhìn đa chiều, đa diện, kịp thời có thông tin từ cơ sở, chị đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Giai đoạn chị làm Tổng Biên tập có thể nói là giai đoạn việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Giai đoạn chị làm Tổng Biên tập có thể nói là giai đoạn báo Nghệ An có đội ngũ cộng tác viên dồi dào nhất. Chị viết thư mời CTV cộng tác, khuyến khích họ viết tin, bài, có chế độ khen thưởng, biểu dương những CTV tâm huyết, gắn bó với tờ báo. Thậm chí chị còn đích thân gọi điện xin lỗi cộng tác viên khi anh em sơ suất không gửi nhuận bút, báo biếu...

Gắn bó với Báo Nghệ An gần 40 năm, từ khi Báo mới chập chững những bước đi đầu tiên trong ngôi nhà tranh vách nứa cho đến lúc Báo Nghệ An vững mạnh như hôm nay, nhà báo Phan Thị Thúy Liên đã có những cống hiến, những hy sinh thầm lặng. Chị luôn được mọi người trân trọng bởi sự tận tâm, tận tụy với công việc của một người làm báo, với nghề được xem là nguy hiểm, nghiệt ngã, nhiều cám dỗ.


Thanh Lương

Mới nhất
x
Chữ "tâm" của nữ tổng biên tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO