Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chính thức làm Chủ tịch IPU-132
Sáng 29/3, Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Chủ tịch Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện Doris Katai Katebe Mwinga, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc và các Thư ký Nghị viện chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị gồm nhiều đại biểu các nước trên thế giới.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tham luận. Nguồn: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, việc đăng cai tổ chức hội nghị này đánh dấu bước tiến quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiến pháp năm 2013 đã được thông qua hứa hẹn sẽ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của Việt Nam, trong đó có Quốc hội Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam mong muốn trong khuôn khổ Hội nghị ASGP này sẽ nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các bạn đồng nghiệp để có thể tiếp tục nâng cao năng lực bộ máy giúp việc của Quốc hội Việt Nam, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Quốc hội trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề "Quan hệ công chúng và truyền thông". Tiến sỹ Mohamed AL-AMR, Tổng Thư ký Hội đồng lập pháp Arab Saudi đã có bài tham luận "Những điều Nghị sỹ cần ở truyền thông và những điều truyền thông cần ở Nghị sỹ,"
Tổng Thư ký Quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ Irfan Neziroglu với tham luận "Quan hệ công chúng với Nghị viện: mối liên hệ giữa Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Thanh niên," Tổng Thư ký Thượng viện Tây Ban Nha Manuel Cavero với tham luận "Các phương thức minh bạch, năng động liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của công dân tại Thượng viện Tây Ban Nha."
Trưa 29/3, tChủ tịch IPU Saber Chowdhury đã thông báo: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU-132).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN |
Tiếp đó, Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng đã điều hành phiên họp. Nhấn mạnh IPU-132 là hoạt động ngoại giao nghị viện lớn nhất của Quốc hội Việt Nam từ trước đến nay, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sự kiện này sẽ là điểm nhấn trong tổng thể ngoại giao nhà nước và ngoại giao đa phương của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đại hội đồng IPU-132 diễn ra vào năm 2015 là thời điểm chuyển giao quan trọng của cộng đồng thế giới với nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững, xác định các mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến những lời nói thành hành động,” thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu gửi tới các đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU-132 lời chào trân trọng và tin tưởng rằng kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” sẽ thành công tốt đẹp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì nhiều mục tiêu của MDGs vẫn chưa hoàn thành, chưa giải quyết được tận gốc tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, điều này đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực, sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và từng cá nhân trên phạm vi toàn cầu để phát triển thực sự bền vững.
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Amina Mohammed phát biểu nhấn mạnh, IPU-132 là dịp đặc biệt, là thời điểm đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán để định ra các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được thông qua vào tháng 9/2015.
Nhấn mạnh 17 Mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu, bà Amian cho rằng cần có trách nhiệm mục tiêu này chuyển thành hành động cụ thể. Những mục tiêu, chỉ tiêu cần phải được tiến hành bởi sự hợp tác chặt chẽ của thế giới để cùng thực hiện. Bà Amina đánh giá vai trò càng ngày quan trọng của các Quốc hội trong 15 năm tới khi thực hiện những mục tiêu này; nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong xác định các nguồn lực huy động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; xác định những thách thức của từng quốc gia thành viên; về việc thay đổi thái độ của cộng đồng đối với vấn đề phát triển bền vững...
Bà Amina cho rằng, Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Vai trò kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; việc huy động sự tham gia của người dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đặt con người vào vị trí trọng tâm, không bỏ lại bất kỳ ai trong quá trình phát triển….
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury phát biểu đánh giá cao ý kiến của bà Amia về sự tham gia của IPU trong các vấn đề của Liên hợp quốc; nêu bật ba khía cạnh, đó là: Mục tiêu phát triển bền vững; Mối quan hệ giữa IPU và Liên hợp quốc; Kỳ vọng của IPU về những vấn đề chung của cộng đồng toàn cầu, đưa ra những giải pháp để xử lý vấn đề.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ mong muốn, với chủ đề phát triển bền vững, qua phiên thảo luận chung, các đại biểu tập trung thảo luận để đóng góp thiết thực vào văn bản quan trọng là đưa ra “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội”.
Phiên họp Hội đồng điều hành kéo dài đến hết ngày 29/3, bắt đầu với danh sách của các Chủ tịch Quốc hội đăng ký phát biểu với tư cách là những người đứng đầu nghị viện.
Theo Vietnam+/Tin tức
TIN LIÊN QUAN |
---|