Chủ tịch UBND tỉnh: 'Đảng bộ và nhân dân Nghệ An mãi mãi tự hào về đồng chí Nguyễn Duy Trinh'

Nguyễn Đức Trung 15/07/2020 18:16

(Baonghean.vn) - Tại Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2020) tổ chức ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài diễn văn ôn lại thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh - vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhà chính trị - ngoại giao xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Báo Nghệ An trích đăng bài diễn văn:

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày diễn văn ôn lại thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày diễn văn ôn lại thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Thành Duy

…Hôm nay, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2020) - vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhà chính trị - ngoại giao xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

Tổ chức lễ kỷ niệm là dịp để chúng ta ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng; đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về tấm gương sáng, đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp đổi mới quê hương đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

…Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền, sinh ngày 15/7/1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đồng chí là hậu duệ đời thứ 15 của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.

Sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, lớn lên trong thời kỳ lịch sử đầy biến động, nhiều phong trào yêu nước do các văn thân, sĩ phu khởi xướng chống lại ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến; sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, căm thù thực dân và không cam chịu kiếp sống nô lệ, cậu thanh niên Nguyễn Đình Biền tích cực tham gia các phong trào yêu nước.

Được sự dìu dắt của thầy Trần Phú cũng như kết tình bằng hữu với nhiều bạn bè đồng môn có chí hướng cách mạng, Nguyễn Đình Biền tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân phong kiến, đòi tự do hoạt động chính trị ở Vinh như: Tham gia lễ truy điệu Cụ Phan Chu Trinh, tham gia ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Getty Image
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Getty Image

Năm 1927, khi vừa tròn 17 tuổi, Nguyễn Đình Biền gia nhập Việt Nam cách mạng Đảng (tên gọi mới của Hội Phục Việt), sau đó được tổ chức tín nhiệm phân công hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định. Để tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên thành Nguyễn Duy Trinh - tên gọi đã theo đồng chí đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị Pháp bắt tại Sài Gòn và trục xuất về nguyên quán.

Tháng 8 năm 1930, về tới quê hương khi phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đang ở thời kỳ quyết liệt, phong trào đấu tranh kinh tế kết hợp đấu tranh chính trị đưa yêu sách của nhân dân chuyển dần sang tính chất “tiểu bạo động làm tan rã từng mảng bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở các làng xã”, đồng chí tiếp tục những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng quê hương.

Sau cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của nông dân Hưng Nguyên, với sự tham gia của hơn 8.000 nông dân thuộc 3 tổng: Phù Long, Thông Lạng và Nam Kim (Nam Đàn) bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn hơn trên toàn tỉnh, nhằm thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, anh dũng đấu tranh của tầng lớp công - nông.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An tham quan triển lãm chuyên đề về đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Thành Duy

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng với các chi bộ Đảng ở Cổ Đan, Kim Khê, Song Lộc thuộc Đảng bộ huyện Nghi Lộc đã kêu gọi, vận động nhân dân trong tổng đoàn kết đứng dậy, tiến hành nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, cảnh cáo, trừng trị bọn tay sai, phong kiến. Tiêu biểu như cuộc mít tinh ở Cồn Mô, Cổ Bái vào ngày 20/9/1930; tổ chức cuộc mít tinh diễn thuyết ngày 5/10/1930 với hơn 300 quần chúng tham gia; tập trung tại tổng Đặng Xá và các làng lân cận, biểu tình tuần hành trấn áp tên cai thầu Một Độ ở làng Bường.

Hoảng sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở địa phương, thực dân Pháp tìm mọi cách đàn áp, dập tắt phong trào. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các cấp ủy Đảng trong huyện lãnh đạo Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn vận động nhân dân dự lễ truy điệu các chiến sỹ đã hi sinh. Hàng ngàn người dân Nghi Lộc cùng với công nhân các nhà máy, nhân dân Vinh - Bến Thủy và phủ Hưng Nguyên đã tập trung về dự lễ, dấy lên làn sóng biểu tình, thị uy.

Cũng trong thời gian này, nhân dân Nghi Lộc lâm vào nạn đói hết sức nghiêm trọng, việc cứu đói cho nhân dân đặt ra một cách cấp bách và là việc sống còn của cách mạng.

Trong dịp kỷ niệm “Tuần lễ đỏ” từ ngày 15 đến ngày 24 tháng Giêng năm 1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí đảng viên vùng Nam Nghi đã vận động và lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh vay lúa cứu đói, buộc hào lý trong tổng xuất thóc gạo, tiền quỹ công để trợ giúp những gia đình bị đói, bị nạn trong đấu tranh. Trước phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam Triều đã tập trung lực lượng, dùng những chính sách khủng bố điên cuồng và man rợ nhằm dập tắt phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Nhiều cơ sở Đảng ở Nghi Lộc bị tan rã, nhiều cán bộ đảng viên bị địch giết và tù đày. Thoát khỏi cuộc vây lùng của địch, tháng 4 năm 1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tìm cách liên lạc với một số đảng viên trung kiên tổ chức hội nghị lập ra Ban cán sự Huyện ủy mới. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc.

Trên cương vị là Bí thư Huyện ủy, đồng chí đã cùng Ban cán sự Đảng tìm mọi cách liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ để nhận chỉ thị lãnh đạo phong trào cách mạng, tiếp tục tổ chức phát động nhiều cuộc đấu tranh trên quy mô toàn huyện. Trong thời gian này, thực dân Pháp và bọn tay sai ráo riết khủng bố, tiến hành nhiều vụ thảm sát đẫm máu, gây tổn thất nặng nề cho cách mạng. Đến tháng 11 năm 1931, nhiều cấp bộ Đảng ở huyện Nghi Lộc tan rã, phần lớn cán bộ đảng viên bị địch bắt. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một trong những người bị bắt cuối cùng trong đợt khủng bố ngày 18/01/1932.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trò chuyện cùng đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Thành Duy

Từ năm 1932 đến tháng 5 năm 1945, đồng chí bị lưu đày trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của thực dân, phong kiến như: Nhà lao Vinh, Nhà tù Buôn Ma Thuột, trại tập trung Đắc Tô, Kon Tum, Côn Đảo; bị liệt vào một trong những phần tử cộng sản nguy hiểm, bị tra tấn dã man.

Tuy nhiên, “xiềng sắt, gông xích” của nhà tù không thể lay chuyển ý chí người cộng sản kiên trung. Trong tù, Nguyễn Duy Trinh cùng với các đồng chí cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, đã biến nhà tù của thực dân thành trường học cách mạng của những người cộng sản yêu nước và là một trong những người tích cực biên soạn, tổ chức những lớp học nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin về đường lối chiến tranh du kích.

Nêu cao khí tiết của người cộng sản, Nguyễn Duy Trinh đã tổ chức đoàn kết bạn tù, bàn cách đấu tranh, buộc kẻ thù phải giảm bớt chế độ lao tù khắc nghiệt. Dù gặp nhiều thử thách chông gai, nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Nguyễn Duy Trinh đã thể hiện bản lĩnh của người cộng sản kiên trung, bất khuất, luôn giữ trọn khí tiết, coi nhà tù đế quốc là môi trường rèn luyện ý chí cách mạng. Đây là dấu ấn sâu đậm và là đặc điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Tháng 5 năm 1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh ra tù và được phân công tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền ở Nghệ An và Huế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí là người lãnh đạo phong trào cách mạng ở Liên khu 5, là Bí thư Liên khu ủy 5 kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ. Đồng chí đã góp phần cùng với Liên khu ủy đặt nền móng, tạo tiền đề vững chắc cho cuộc kháng chiến trên địa bàn.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 3/1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; năm 1954, đồng chí làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; năm 1955 được bầu vào Ban Bí thư Trung ương; năm 1956 được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; năm 1960, đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, sau đó kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đặc biệt, trên cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng chí đã có nhiều bài viết thể hiện rõ sự chỉ đạo toàn diện và sâu sát trong công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tháng 4 năm 1965, thời kỳ đế quốc Mỹ đẩy mạnh đánh phá miền Bắc, là thời kỳ cuộc đấu tranh diễn ra trên cả 3 mặt trận: Quân sự, Chính trị và Ngoại giao. Trước tình hình mới của cách mạng, yêu cầu mở mặt trận ngoại giao “vừa đánh - vừa đàm”, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị tin tưởng giao kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Sau gần 8 năm trên cương vị mới, với trí tuệ uyên thâm, bản lĩnh cách mạng vững vàng, ngày 27/1/1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã được giao thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Paris, buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đại diện Đảng và Nhà nước ta tham dự Lễ thượng cờ Việt Nam tại Trụ sở Liên hợp quốc vào tháng 7 năm 1977.

Năm 1982, tại Đại hội lần thứ 5 của Đảng, đồng chí được bầu vào ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công làm Thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ.

Đồng chí mất vào ngày 20/4/1985 tại Hà Nội, hưởng thọ 75 tuổi. Với thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta...

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch vui mừng sau khi ký kết Hiệp định Paris, năm 1973. Ảnh tư liệu
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch vui mừng sau khi ký kết Hiệp định Paris, năm 1973. Ảnh tư liệu

Với 75 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Đảng, nhân dân tin cậy giao phó nhiều trọng trách. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn với những trang sử hào hùng của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Từ một thanh niên yêu nước, qua chiến đấu và tôi luyện trong phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh trở thành chiến sỹ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Góp phần cùng với Đảng ta hình thành quan điểm, đường lối cách mạng, chiến lược, sách lược bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế và cải tạo xã hội, phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn từng vùng, miền, từng thời điểm cách mạng, động viên được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đóng góp một phần công sức của mình để xây dựng hoàn thiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, phù hợp với tình hình mới, nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế hiểu đúng Việt Nam, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ. Đó không chỉ là thắng lợi về chính trị ngoại giao mà cả về kinh tế, quốc phòng, đảm bảo nguồn lực cũng như hậu thuẫn rất cần thiết cho cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta.

Với bản lĩnh cách mạng, trí tuệ mẫn tiệp và sự hy sinh không mệt mỏi của đồng chí đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của toàn dân tộc. Kinh nghiệm và bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại trên mặt trận ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta hôm nay...

Dù trên cương vị nào và ở bất cứ nơi đâu, quê hương Nghệ An - nơi “chôn nhau cắt rốn” vẫn được đồng chí Nguyễn Duy Trinh dành nhiều tình cảm đặc biệt. Tháng 8 năm 1963, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 11.

Đảng bộ và nhân dân Nghệ An mãi mãi tự hào về đồng chí Nguyễn Duy Trinh - người con ưu tú của quê hương Nghệ An và chính đồng chí cũng rất tự hào về quê hương và con người xứ Nghệ - thủy chung, son sắt và sâu nặng nghĩa tình.

Phát huy truyền thống của quê hương Xô Viết, học tập, noi theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã vượt qua khó khăn, phấn đấu và đạt được nhiều thành quả to lớn qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, hoàn thành mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, tiếp bước các thế hệ cách mạng tiền bối, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 và Thông báo số 55 ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An. Chuẩn bị thật tốt cho việc tổ chức đại hội Đảng các cấp, trong đó xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, theo hướng:

Một là, tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hai là, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Ba là,khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị và nhân dân, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; tích cực, chủ động hội nhập, hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Bốn là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy - nguồn lực của nền kinh tế. Tập trung phát triển ngành, lĩnh vực chủ lực, địa bàn trọng điểm có tác động mạnh, lan tỏa tới sự phát triển chung; đồng thời bảo đảm sự phát triển toàn diện các lĩnh vực. Chăm lo phát triển toàn diện con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài. Phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ; đầu tư phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy văn hóa, truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.

Năm là, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực và đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân; lấy sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo chủ yếu cho kết quả điều hành của chính quyền...

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, trên tiến trình phát triển đi lên của quê hương xứ Nghệ chắc chắn sẽ được viết tiếp và ghi dấu ấn trong những trang sử mới. Trên chặng đường phát triển ấy, tên tuổi của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã gắn với tên đất, tên đường, tên trường học, mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các thế hệ tiếp nối học tập, cùng nhau chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam, quê hương Nghệ An: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để tri ân công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đã dành nguồn lực triển khai phục dựng và tôn tạo các công trình Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tên đồng chí được đặt làm tên đường tại thành phố Vinh. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí (15/7/2010), một ngôi trường cấp 3 của huyện Nghi Lộc được vinh dự mang tên Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.

Xin nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng ta và các thế cách mạng tiền bối đã lựa chọn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện bằng được tâm nguyện của Bác Hồ trước lúc đi xa là “xây dựng Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá”, đáp ứng mong mỏi của Trung ương, của đồng bào cả nước và của nhân dân tỉnh nhà.

(Đầu đề do Báo Nghệ An đặt)

Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
Copy Link
Chủ tịch UBND tỉnh: 'Đảng bộ và nhân dân Nghệ An mãi mãi tự hào về đồng chí Nguyễn Duy Trinh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO