Chú trọng bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

28/07/2011 10:38

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan môi trường vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan môi trường vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Theo số liệu thống kê, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 289 cá nhân, đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó có 58 đơn vị khai thác khoáng sản quý hiếm (vàng, thiếc); 45 đơn vị khai thác quặng các loại (chì, kẽm, sắt, mangan...); 169 đơn vị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; 17 đơn vị khai thác các loại khoáng sản khác. Trong số này, còn không ít trường hợp khai thác ồ ạt, thiếu khoa học, vi phạm nghiêm trọng về pháp luật bảo vệ môi trường.


Đơn cử tại Tương Dương, dọc các con suối chảy qua các xã Yên Na, Yên Hoà, Yên Tĩnh, điều dễ nhận thấy nhất là đoạn nào cũng bị đào bới nham nhở bằng đủ các loại phương tiện, từ máy xúc, máy đào cỡ lớn, cho đến xà beng, cuốc, xẻng.

Khai thác vàng trái phép ở Tương Dương làm hủy hoại môi trường nghiêm trọng.

Còn tại Nghĩa Đàn, khu vực dọc sông Hiếu chảy qua địa phận các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thắng và phường Quang Tiến (TX Thái Hòa), từ lâu đã trở thành địa điểm nhức nhối của nạn khai thác vàng trái phép. Các tàu khai thác (phần lớn là hết hạn cấp phép) mỗi lần hút cát để đãi vàng đã thải ra một lượng cát sỏi, đá cuội rất lớn và không được san gạt làm thu hẹp, tắc nghẽn dòng chảy.


Đó là chưa kể đến tình trạng khai thác cát, sỏi trên vẫn diễn ra nhiều nơi, trên các dòng sông Lam, sông Con..., không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, khiến cho nước các con sông, suối lúc nào cũng nhuộm một màu vàng đục, mà còn khiến cho nguy cơ sạt lở quanh các dòng sông, suối tăng lên...


Thiếu tá Trương Anh Tuấn- Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh chống các hành vi hủy hoại, xâm phạm tài nguyên môi trường (Phòng CSMT) cho biết: Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản chủ yếu xẩy ra ở các dạng: Khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép; khai thác không đúng vị trí, khu vực được cấp phép; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp...


Một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng này là do công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về khoáng sản còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng trong công tác quản lý, nên đã dẫn đến tình trạng khoáng sản bị khai thác bừa bãi nhiều năm, gây tác hại lớn về môi trường nhưng vẫn không được chấn chỉnh. C

ùng với đó, với lợi nhuận lớn từ khai thác khoáng sản, khi nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng, nên nhiều đơn vị đã s
Ωn sàng bỏ qua mọi biện pháp bảo vệ môi trường khi khai thác. Thậm chí một số đơn vị tuy không đủ năng lực tài chính, công nghệ khai thác và chế biến lạc hậu, thiếu đồng bộ nhưng vẫn hoạt động, khiến cho những tác động đến môi trường đã nặng nề lại càng bị huỷ hoại nghiêm trọng hơn, như làm ô nhiễm hệ thống nước mặt, nước ngầm, làm suy thoái đất nông nghiệp, phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái...


Từ thực tế đó, thời gian qua Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh cùng với các sở, ban, ngành chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy 50% số doanh nghiệp chưa thực hiện việc thuê đất, ký quỹ môi trường, việc khai thác chưa tuân thủ đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định phê duyệt, một số đơn vị khai thác xong lại không chịu xử lý và bàn giao lại nguyên trạng khu vực trước khi khai thác...

Ngày 5/4/2011 vừa qua, thực hiện Quyết định số 1058 của UBND tỉnh, trong đợt kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến đá các loại trên địa bàn 18 huyện thành thị, đã có 13 đơn vị khai thác khoáng sản (chủ yếu là khai thác đá) đã bị đình chỉ hoạt động, 10 đơn vị bị xử phạt. 6 tháng đầu năm 2011 lực lượng Cảnh sát môi trường cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý 25 vụ, 47 cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản; tạm giữ 6 máy xúc, 2 tàu khai thác vàng, 2 máy nổ, đồng thời phá dỡ 5 lán trại, đẩy đuổi 4 tổ hợp khai thác vàng, thiếc trái phép; ra quyết định xử phạt hành chính trên 500 triệu đồng.


Thế nhưng, cũng theo Thiếu tá Trương Anh Tuấn, việc xử lý vi phạm không phải là khó, quan trọng hơn là làm sao để ý thức bảo vệ môi trường ăn sâu vào nhận thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Chính vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều khoáng sản.

Thực hiện đồng bộ có hiệu quả việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt. Đối với các hoạt động khai thác trái phép, cần phải có chế tài mạnh, xử lý triệt để, không để dây dưa kéo dài. Tăng cường đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cho UBND cấp huyện, cấp xã đối với những địa bàn tập trung khoáng sản. Ưu tiên, lựa chọn, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến, tránh tình trạng để cho các đơn vị yếu về năng lực tài chính, công nghệ tham gia khai thác vừa làm thất thoát nguồn tài nguyên, lại vừa làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng.


Quảng An

Mới nhất
x
Chú trọng bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO