Chú trọng vùng chuyên canh

20/10/2012 20:04

(Baonghean) - Xuất phát từ thực tế của địa phương, Anh Sơn xác định việc dồn điền đổi thửa tạo điều kiện hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa là mục tiêu ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Thôn 3, xã Thọ Sơn có đặc điểm đất đai cao cưỡng, phân bố không đều, chia thành nhiều vùng, đa số là ruộng bậc thang. Chị Lê Thị Hoa - thôn 3 cho hay: “Nhà tui không có lao động nhiều, không có điều kiện canh tác đất ruộng bậc thang nên đã thỏa thuận đổi 3 sào đất ruộng lúa lấy 3, sào đất vệ cho nhà bên cạnh để trồng mía. Còn theo ông Nguyễn Khắc Hồng - Trưởng thôn 3 thì sau khi rà soát đất 5% của thôn còn đan xen với đất dân tự khai hoang (318) và đất lâu dài, đất HTX tồn tại dưới dạng nhiều vùng thửa. Trên cơ sở chỉ đạo của xã, ban chỉ đạo thôn đối chiếu từng vùng đồng, các hộ canh tác trong vùng đồng, số diện tích các hộ canh tác đan xen trong và ngoài thôn, tập trung đất 5% về khe Bình Dạ, rút các thửa xen với các thôn nằm trong vùng 5% của thôn về vùng Đồng Sim. Đến nay, trên 70% số hộ dân bản đã đồng thuận dồn đổi đất cho nhau và đã tiến hành đóng mốc giới trên đất sản xuất, tạo vùng mía, vùng màu bãi thoáng rộng để bước vào chuyên canh cây mía và cây màu.



Nhờ thực hiện dồn điền đổi thửa, người dân Thọ Sơn có điều kiện quy hoạch lại đường giao thông nông­ thôn

Thọ Sơn hiện có 4.300 ha đất tự nhiên, 650 ha đất nông nghiệp. Toàn xã có 11 xóm, bản với trên 700 nhân khẩu, trong đó có 2 bản đồng bào dân tộc với 167 hộ, chiếm trên 24%. Ông Nguyễn Cảnh Thành- Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết: Đa phần ruộng đất Thọ Sơn còn được sử dụng theo hiện trạng khai hoang, phục hóa. Sau chuyển đổi lần trước, số thửa giảm từ 8.500 thửa xuống còn 7.600 thửa, bình quân số thửa trên hộ giảm từ 13,5 xuống 12 thửa/hộ. Tuy nhiên, sau chuyển đổi số thửa trên hộ vẫn lớn, phân tán nhiều vùng. Trên cơ sở chỉ thị, nghị quyết của Huyện ủy, nhất là gắn liền với việc xây dựng NTM trên địa bàn, xã đã triển khai đưa đất 5% về một vùng đồng, đất của HTX chia bình quân mỗi hộ/1 thửa, đất 318 vận động chuyển 1-2 thửa/hộ. Trên cơ sở này, Thọ Sơn đã hình thành 3 vùng chuyên canh, đó là 37 ha vùng chuyên lúa tại 7 thôn , trên 450 ha chuyên mía+ ngô tại 10 thôn và trên 3.000 ha cây rừng sản xuất, phòng hộ tại 6 thôn.

Còn tại Hùng Sơn, địa phương được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong việc hoàn thành triệt để công tác dồn điền, đổi thửa ngoài thực địa; đến nay, sau chuyển đổi bình quân số thửa đất nông nghiệp/hộ giảm từ 6 thửa/hộ xuống còn 2 thửa/hộ; tổng số thửa trước chuyển đổi là 3.528 thửa, sau chuyển đổi còn 1.204 thửa. Diện tích bình quân mỗi thửa sau chuyển đổi tăng từ 488 m2/thửa lên 1.429 m2/thửa. Hùng Sơn đã hoàn thành chuyển đổi xong toàn bộ diện tích đất đồng vệ, vùng bãi theo đúng kế hoạch tạo các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, đó là 100 ha chè công nghiệp, 70 ha mía vùng đồng vệ, 150 ha trồng màu và trồng cỏ vùng bãi bồi ven sông, 70 ha chuyên canh lúa nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Danh chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho hay: Tính đến cuối năm 2011, toàn huyện đã có trên 19.000/21.000 hộ được giao đất theo Nghị định 64 được chuyển đổi, số thửa sau chuyển đổi còn trên 72.000 thửa, giảm trên 65.000 thửa so với trước chuyển đổi, diện tích bình quân một thửa đạt 138m2 , bình quân số thửa trên hộ giảm 2 thửa, còn 4 thửa/hộ. So với trước chuyển đổi thì diện tích ô, thửa tăng, số thửa chia cho dân giảm hẳn. Với mục tiêu phấn đấu mỗi hộ dân chỉ còn 1 đến 2 vùng đất sản xuất nông nghiệp, tốt nhất mỗi hộ chỉ còn 1 vùng đất sản xuất chuyên canh lúa, mía, huyện xác định rõ phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, chuyển đổi bãi trước, ruộng sau để rút kinh nghiệm và mở rộng diện tích.

Đến nay, các xã như Hùng Sơn, Cẩm Sơn, Tam Sơn đã hoàn thành việc dồn đổi đất ngoài thực địa, bà con đã tiến hành sản xuất trên đất chuyển đổi. Nhiều địa phương khác đang tiến hành làm điểm ở một số xóm trước khi triển khai toàn đơn vị. Các xã đã tổ chức chuyển đổi được 10-50% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đã chuyển đổi là 1.709 ha sang hình thành các vùng chuyên canh. Cụ thể như xã Long Son chuyển 22 ha đất vệ trồng ngô kém hiệu quả sang trồng mía, Đức Sơn chuyển 67 ha đất bãi trồng ngô, rau kém hiệu quả sang trồng mía, hay như xã Hoa Sơn chuyển gần 100 ha sang quy hoạch trồng mía, xã Cẩm Sơn chuyển đổi được 40 ha rau màu có giá trị kinh tế cao. Tại một số xã như Phúc Sơn, Lạng Sơn đã chuyển đổi đất 2 lúa cao cưỡng sang nuôi trồng thủy sản....

Nhờ quá trình dồn điền, đổi thửa, Anh Sơn đã quy hoạch được trên 50 km đường giao thông thủy lợi nội đồng và tu sửa 10 km kênh mương để tiện lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.


Lương Mai

Chú trọng vùng chuyên canh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO