Chủ trương đúng, thuận lòng dân

05/04/2013 20:29

Đồng chí Lê Trọng Đại - xóm Bắc Giang, xã Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương) tiếp chúng tôi khi đang cùng nhóm thợ san nền chuẩn bị dựng lại ngôi nhà mới. “Nhờ phát triển kinh tế rừng cả đó chú. Nhà cũ xuống cấp quá rồi”, ông nói thay cho lời chào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, cùng nguồn hỗ trợ của nhà nước, sau gần 6 năm tách ra từ xã Giang Sơn (cũ), đổi thay ở Giang Sơn Tây thấy rõ trong mỗi nếp nhà của người dân.

(Baonghean) - Đồng chí Lê Trọng Đại - xóm Bắc Giang, xã Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương) tiếp chúng tôi khi đang cùng nhóm thợ san nền chuẩn bị dựng lại ngôi nhà mới. “Nhờ phát triển kinh tế rừng cả đó chú. Nhà cũ xuống cấp quá rồi”, ông nói thay cho lời chào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, cùng nguồn hỗ trợ của nhà nước, sau gần 6 năm tách ra từ xã Giang Sơn (cũ), đổi thay ở Giang Sơn Tây thấy rõ trong mỗi nếp nhà của người dân.

Dừng tay chốc lát, ngay bàn nước kê tạm trước sân, ông Đại vui vẻ chia sẻ câu chuyện thoát nghèo của chính gia đình ông và cũng là con đường thoát nghèo chung của xóm. Ngược về quá khứ chưa xa, nhân dân xóm Bắc Giang chẳng dám mơ đến viễn cảnh tươi sáng như hôm nay. “Bà con độc canh cây lúa. Đất rừng thì hoang hóa nên đất chẳng đẻ ra tiền cho người. Có thời, dân chúng tôi sợ nắng chứ không sợ lụt. Vì cứ nắng là hạn hán. Đói nghèo là điều khó tránh khỏi”, ông Đại hoài niệm. Thay đổi chỉ thực sự diễn ra khi rừng nguyên liệu, chủ yếu là keo “bén duyên” trên đất Giang Sơn Tây. Ông Đại là người tiên phong trong “cuộc cách mạng” này. Vào thời điểm năm 2006, trên cương vị là xóm trưởng, Bí thư chi bộ, ông tổ chức họp dân bàn cách trồng rừng nguyên liệu. Nghe xong bà con đồng tình, ủng hộ rất cao nhưng vẫn còn ý kiến chần chừ, nghi ngại vì sợ thất bại.

Với tinh thàn quyết tâm “đảng viên phải đi trước…”, ông Đại vay vốn ngân hàng 10 triệu đồng rồi thuê Lâm trường Đô Lương về ươm giống keo ngay tại nhà. Vốn ít không thể đầu tư đại trà, trên diện tích đất rừng 21ha, thực hiện theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, dần dà keo, xoan, lát, xà cừ, sưa… “lấn” cây bụi, phủ xanh toàn bộ. Thấy ông bí thư chi bộ mạnh dạn trồng rừng có hiệu quả, người dân Bắc Giang hồ hởi làm theo. Đặc biệt, từ sau thời điểm chia tách (tháng 4/2007), Đảng ủy xã Giang Sơn Tây ra nghị quyết xác định rõ, trồng rừng nguyên liệu là 1 trong 2 mũi nhọn phát triển nông nghiệp địa phương, diện tích rừng trồng của nhân dân tăng nhanh. Trở lại chuyện ông Đại, năm 2012, lứa keo đầu tiên cho thu hoạch, mang về nguồn thu hơn 200 triệu đồng cho gia đình. “Vừa qua, thu hoạch keo xong, gia đình đã tiến hành trồng mới lại. Trong quá trình đó có trồng xen canh cây sắn, vụ vừa rồi bán được hơn 100 triệu đồng”, ông Đại cho biết.

Xóm Bắc Giang hơn 100 hộ, giờ đây không nhà nào là không có rừng. Người ít cũng dăm bảy héc ta, người nhiều lên đến 50 ha như gia đình ông Hoàng Văn Phúc, Phạm Đình Hường. Màu xanh từ rừng đang phủ lên miền quê nghèo một thời, màu của no ấm, đủ đầy. “Đập Đồng Thiêng được xây dựng đưa nước về tưới cho cây lúa tốt tươi, Bắc Giang không sợ hạn hán nữa. Nhưng để cuộc sống khấm khá thì phải nhờ đến rừng. Thu nhập từ bán rừng nguyên liệu giúp bà con giờ có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố, mua sắm vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Con cháu cũng có điều kiện học tập tốt hơn”, ông Đại nhận xét. Rời xóm Bắc Giang, chúng tôi ngược ra xóm Ngọc Mỹ - nơi đời sống của nhà nông được cải thiện đáng kể nhờ luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tiêu biểu là đảng viên trẻ Phan Bá Hưng. Mấy năm qua, chỉ một vụ dưa hấu kéo dài trong vòng 60 ngày, gia đình anh Hưng làm khoảng 4 sào cũng thu lãi ròng hơn 20 triệu đồng. Năm nay, gia đình anh Hưng tiếp tục làm 2,8 sào dưa hấu. “Trồng dưa cho thu nhập cao hơn trồng lúa nhiều”, anh Hưng chia sẻ.



Trồng dưa hấu trên đất màu cho thu nhập ổn định ở xóm Ngọc Mỹ, xã Giang Sơn Tây (Đô Lương).

Cũng như nhiều vùng quê khác, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Giang Sơn Tây. Vì vậy, ngay sau khi chia tách, Đảng ủy xã xác định phải đi lên từ chính nông nghiệp, theo hướng phát triển kinh tế rừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất màu. Qua 6 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền địa phương, Giang Sơn Tây có hơn 514 ha đất rừng, mỗi năm trồng mới trung bình 70-75 ha. Hơn 709 ha đất nông nghiệp gồm: đất lúa và đất màu đang giúp nông dân xã có thu nhập đều đặn, ổn định hơn khi các đập thủy lợi Mộ Dạ, cây Chanh, Đồng Thiêng được xây dựng, đưa vào sử dụng, cung cấp nước tưới cần thiết cho canh tác. Nhờ những kết quả đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,6% năm 2007, hiện nay chỉ còn 8,9%.

Một điểm nhấn khác ở Giang Sơn Tây chính là hệ thống các công trình phúc lợi xã hội, trụ sở được xây dựng hoàn thiện, khang trang. Bí thư Đảng ủy xã Lê Đình Kỷ rất tâm đắc với những gì xã làm được từ chủ trương xã hội hóa. Bởi lẽ, ngoài hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách xã thì chính sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân là nguồn lực đáng kể góp phần xây dựng nên các trong trình hôm nay. Ông Kỷ cho biết: “Sau khi chia tách toàn bộ cơ sở hạ tầng đều nằm ở xã mới Giang Sơn Đông, còn Giang Sơn Tây hoàn toàn không có gì. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã phải mượn nhà văn hóa xóm Tràng Giang và nhà dân, sau đó chuyển về trụ sở cũ của HTX Vĩnh Giang để làm việc, trường tiểu học xây từ 1975 đã xuống cấp…Trong hoàn cảnh đó, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng trạm y tế và trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Nếu không có nhân dân ủng hộ, quá trình đó sẽ không đẩy nhanh được như hôm nay”.

Bây giờ đến thăm Trường Tiểu học Giang Sơn Tây, ngôi trường mới được xây dựng hoàn thành khang trang, đây là kết quả từ chủ trương đúng được nhân dân đồng tình ủng hộ và người dân đã tự nguyện đóng góp tiền để trang bị nội thất cho các phòng học, hay như Hội CCB xã tự nguyện trồng toàn bộ cây xanh trong khuôn viên trường. Nhờ đó, hiện nay Trưởng Tiểu học Giang Sơn Tây đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Bí thư Đảng ủy xã Lê Đình Kỷ còn cho biết thêm: “Sau khi chia tách, ngoài khó khăn về cơ sở hạ tầng, thì đội ngũ cán bộ, công chức xã cũng còn yếu, thiếu kinh nghiệm làm việc nhưng nhờ tập thể rất đoàn kết, chia sẻ để hoàn thành công việc chung, phấn đấu đưa xã vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu để có được kết quả như hôm nay”.


Thành Duy

Mới nhất
x
Chủ trương đúng, thuận lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO