Chủ trương sáp nhập các trung tâm trên địa bàn cấp huyện: Còn những băn khoăn!
(Baonghean) - Ngày 19/3/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1893/VPCP-KGVX về việc hướng dẫn sáp nhập các trung tâm trên địa bàn cấp huyện. Theo đó, sẽ sáp nhập 3 trung tâm cấp huyện gồm: Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trước chủ trương sáp nhập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đang hết sức băn khoăn, lo lắng.
Chật vật hoạt động
Năm học 2015 – 2016, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Lưu tuyển được 3 lớp khối 10. Đây có thể xem là một thành công bởi toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có đến 9 trường THPT, trong đó có 3 trường dân lập, hầu hết đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Trung tâm hiện có 11 lớp, nhưng đội ngũ giáo viên chỉ mới đáp ứng được một nửa yêu cầu, buộc trung tâm đang phải ký hợp đồng với 7 giáo viên thỉnh giảng. Điều này gây nhiều khó khăn cho trung tâm: Thứ nhất phần lớn nguồn học phí được dùng để trả lương cho giáo viên nên ảnh hưởng đến các hoạt động khác; việc ký hợp đồng theo tiết với giáo viên nên khó nâng cao chất lượng dạy và học… Thầy Hồ Phúc Hiếu, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Việc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên khó tuyển sinh là do quy mô dân số giảm nhưng số trường THPT trên địa bàn tăng (gấp đôi so với 10 năm trước). Hơn nữa, trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, học sinh đa phần vẫn còn có tâm lý e ngại, mặc cảm vì cho rằng đây là hệ bổ túc, chỉ dành cho những người bỏ học, đi học lại hoặc dành cho những người vừa đi học văn hóa, vừa đi học nghề nên ít đăng ký học...
Một tiết học của học sinh Trung tâm GDTX Thành phố Vinh. |
Còn Trung tâm GDTX Thành phố Vinh, năm học này chỉ tuyển sinh được 4 lớp 10. Và để có được chừng đó học viên, nhà trường buộc phải chấp nhận tuyển sinh gián tiếp thông qua Trường Trung cấp nghề Vinh với hình thức phối hợp vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề. Để tự “xoay xở”, thời gian qua Trung tâm GDTX TP. Vinh đã phải đa dạng hóa các loại hình hoạt động như phối hợp với các trường trung cấp để dạy cho học sinh học nghề thuộc diện phân luồng; phối hơp với các trường và trung tâm Tin học, Ngoại ngữ mở các lớp Tin học, ngoại ngữ cho học sinh tiểu học, THCS, Tin học căn bản; phối hợp với các trường THPT, THCS dạy nghề phổ thông; phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm học tập cộng đồng các phường, xã dạy các chuyên đề… Tuy được đánh giá là trung tâm hoạt động có hiệu quả và linh hoạt nhưng trung tâm đang gặp phải không ít khó khăn do thiếu giáo viên.
Trung tâm có 31 lớp học (gồm 11 lớp văn hóa và 20 lớp học nghề) nhưng giáo viên chính thức chỉ có 6 người. Ngoài 2 môn có giáo viên là Toán, Sử thì tất cả các môn còn lại trung tâm phải thuê giáo viên thỉnh giảng với khoảng 20 người. Giáo viên của trường phải học thêm văn bằng hai (bằng dạy nghề) để đáp ứng được yêu cầu vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề và chấp nhận dạy tăng số tiết (theo quy định, một giáo viên trung bình phải dạy 17 tiết/tuần, nhưng giáo viên của trung tâm phải dạy đến 34 tiết/tuần), dạy trong thời gian hè mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Hiện nay ngoài Thị xã Hoàng Mai mới thành lập thì 19/19 huyện, thành, thị còn lại đều có Trung tâm GDTX và đa phần hoạt động hết sức chật vật, khó khăn. Tuyển sinh ổn định nhất như Đô Lương, Diễn Châu… thì mỗi năm cũng chỉ tuyển được từ 5 – 6 lớp, còn lại đều chỉ có từ 1 – 2 lớp. Thậm chí có những trung tâm như TTGDTX Quỳ Châu, Con Cuông, mỗi năm chỉ tuyển được vài ba học sinh. Đội ngũ giáo viên thiếu là một thực tế đang diễn ra tại các trung tâm GDTX hiện nay. Qua thống kê, các trung tâm trên địa bàn tỉnh đang thiếu ít nhất 25 giáo viên và chưa có trung tâm nào đủ giáo viên dạy các môn văn hóa theo quy định. Hầu hết các trung tâm đều đang phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp. Nhiều trung tâm tổ chức dạy nghề nhưng lại thiếu giáo viên nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học cũng như hoạt động thường xuyên của nhà trường.
Băn khoăn trước chủ trương sáp nhập
Ngày 19/3/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1893/VPCP-KGVX về việc hướng dẫn sáp nhập các trung tâm trên địa bàn cấp huyện. Theo đó, sẽ sáp nhập 3 trung tâm cấp huyện là Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp trung tâm mới có tên gọi là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Tại Nghệ An, hiện có khoảng 12 địa phương có từ 2 – 3 trung tâm gồm: Trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp cùng hoạt động. Đón nhận thông tin sáp nhập, mỗi trung tâm lại có những băn khoăn khác nhau. Thầy giáo Hồ Phúc Hiếu, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Sáp nhập có những mặt tích cực: cơ sở vật chất của các trung tâm sẽ đầy đủ hơn, khang trang hơn. Tuy nhiên, cơ cấu hoạt động như thế nào, do đơn vị nào trực thuộc đơn vị nào thì phải quy định rõ. Lâu nay, các trung tâm GDTX là do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, các trung tâm dạy nghề lại trực thuộc huyện hoặc Sở LĐ-TB&XH… Nếu sáp nhập về một mối thì cần có một đơn vị chủ quản. Nếu chuyển cơ quan quản lý thuộc UBND huyện cũng không hợp lý, bởi huyện có thể nắm về hoạt động, thi đua nhưng về mặt chuyên môn thì chắc chắn không đảm bảo.
Thầy Phan Lam Giang, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Diễn Châu nêu ý kiến: Hiện tại các trung tâm GDTX huyện do ngành Giáo dục – Đào tạo quản lý và công tác đào tạo nghề vẫn tiến hành có hiệu quả. Nên chăng, sau sáp nhập cũng để cho ngành Giáo dục quản lý.
Ông Lê Huy Phi, Trưởng Phòng GDTX, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc sáp nhập giữa các trung tâm giáo dục thường xuyên với các trung tâm dạy nghề là phù hợp với yêu cầu thực tế; giúp tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm một phần ngân sách Nhà nước và khắc phục chồng chéo về chức năng đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu học tập và công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là sáp nhập như thế nào để đảm bảo hoạt động của các trung tâm, đảm bảo việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ sao cho hợp lý và các trung tâm mới do ai quản lý (Sở Giáo dục và Đào tạo hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hay chịu sự quản lý của UBND cấp huyện (thành, thị)) thì chưa có văn bản hướng dẫn.
Bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội khẳng định, việc sáp nhập trung tâm dạy nghề và GDTX là mô hình thiết thực, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của người dân, đảm bảo tăng cường năng lực giáo dục và dạy nghề tại các địa phương. Sở cũng đã lấy ý kiến từ các ban ngành liên quan và đã tiến hành khảo sát thực tế tại Nghệ An. Rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, chúng ta chỉ nên thực hiện sáp nhập sau khi có hướng dẫn liên ngành để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả.
Trong lúc chờ đợi các cơ quan chức năng hướng dẫn việc sáp nhập, các trung tâm GDTX cần đổi mới hoạt động, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp đối tượng; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp để phụ huynh, học sinh nhận thức được rõ ràng đầy đủ về bậc GDTX. Bên cạnh đó, củng cố mô hình hoạt động của trung tâm GDTX cấp huyện và trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề góp phần phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới công tác quản lý, tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học…
Bài, ảnh: Song Hoàng