Chủ trương và thực tiễn
(Baonghean) Trong những năm qua, tỉnh ta đề ra chủ trương hạn chế dần và đi đến xóa bỏ các giống lúa dài ngày, năng suất, chất lượng kém, và thay thế bằng các giống ngắn ngày, có năng suất cao hơn. Song, trong quá trình thực hiện còn nảy sinh nhiều bất cập nên chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, dẫn đến kết quả không như mong muốn.
Giống lúa IR1820 vẫn được người dân xã Hưng Phúc, Hưng Nguyên gieo cấy.
Chủ trương đúng đắn
Trước tiên phải khẳng định rằng, chủ trương trên là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với sự phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến. Đây là một trong những giải pháp để giảm trà xuân sớm với giống lúa chủ đạo là IR1820 nhằm tái cấu trúc nông nghiệp, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thí dụ ở Hưng Nguyên theo danh sách tổng hợp của phòng Nông nghiệp huyện thì vụ xuân năm nay, có 6 xã gồm Hưng Tân, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Mỹ, Hưng Thịnh, Thị trấn Hưng Nguyên có diện tích mạ chủ yếu là IR1820 với diện tích là 19 ha, quy ra diện tích cấy khoảng 465 ha. Song thực tế ngoài ruộng, diện tích và số lượng xã còn nhiều hơn thế. Ông Trần Xuân Chất, Trưởng ban Nông nghiệp xã Hưng Lợi, cho biết: Vụ xuân năm 2013, diện tích mạ bắc giống IR1820 khoảng 3 ha, quy ra diện tích cấy khoảng 80 ha, chiếm hơn 40% diện tích toàn xã. Xã không đưa vào cơ cấu và đăng ký mua một kg nào. Tất cả là do người dân tự đi lấy giống những nơi khác về. Một xã có diện tích mạ IR1820 lớn nữa là Hưng Phúc, diện tích mạ bắc giống IR 1820 là 2,7 ha, chiếm 31% tổng diện tích lúa của toàn xã.
Ông Hoàng Đức Ân - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, cho biết, việc người dân sử dụng giống lúa IR1820 là nằm ngoài cơ cấu giống và trái với chủ trương về sản xuất vụ xuân của huyện. Nguyên nhân chính là do tâm lý bảo thủ, tập quán tiêu dùng, giải phóng sức lao động để lo Tết của nhân dân. Trong chỉ thị của Huyện ủy cũng như đề án sản xuất vụ xuân năm 2013 của huyện đã nêu rõ: “Tuyệt đối không cơ cấu sản xuất giống lúa dài ngày năng suất, chất lượng kém, dễ nhiễm sâu bệnh như IR1820, IR17494”.
Vì sao dân chưa đồng thuận?
Mặc dù, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã có chủ trương như vậy, nhưng vì sao người dân vẫn không chấp hành đầy đủ ? Qua quá trình tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của người dân thì mới thấy, mọi vấn đề đều có nguyên do của nó. Người nông dân qua quá trình sản xuất đã tích lũy được những kinh nghiệm cho riêng mình, cộng với trình độ dân trí ngày càng cao thì việc họ còn “gắn bó” với giống IR1820 là có cơ sở. Bà Phan Thị Thuận, xóm 5, xã Hưng Lợi chia sẻ: Nhà tôi đã sử dụng giống IR1820 lâu lắm rồi. Mặc dù đây là giống lúa dài ngày nhưng nó lại có khả năng chịu rét rất tốt. Năng suất trung bình là từ 2,5-2,7 tạ/sào, nếu nhà nào đầu tư thâm canh thì có thể đạt gần 3 tạ/sào. Đặc biệt là gạo ăn ngon và giá bán trên thị trường khá cao. Nhà bà Thuận có hơn 3,5 sào, nhưng do chồng là đảng viên nên bà chỉ gieo 1 sào giống IR1820 mặc dù rất muốn làm hết diện tích.
Trong sản suất nông nghiệp, lợi nhuận và hiệu quả thực tiễn là có sức thuyết phục cao nhất. Muốn người dân từ bỏ giống cũ để thay thế bằng giống mới thì giống mới phải có giá trị kinh tế cao hơn. Sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã chuyển sang hướng hàng hóa, nhất là đối với huyện Hưng Nguyên. Vì vậy, giá trị trên thị trường sẽ quyết định việc lựa chọn giống của người dân. Nhưng hiện tại, chưa có giống lúa nào có giá bán cao hơn IR1820. Tại thời điểm này, giá bán 1kg lúa IR1820 từ 7.000-7.200 đồng/kg. Trong khi đó, các giống khác chỉ đạt ở mức từ 6.000-6.500 đồng/kg. Trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, các giống lúa mới như AC5, NA2, XT28, BTE1 dù đã đưa vào thử nghiệm thành công nhưng lại có giá bán không cao. Nói người dân bảo thủ thì không sai nhưng khi chưa giải được bài toán kinh tế cho họ thì việc thay đổi suy nghĩ là rất khó khăn.
Làm sao xóa bỏ Giống lúa IR1820?
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp và một số địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế dần và đi đến xóa bỏ giống lúa dài ngày IR1820. Mặc dù đã có nhiều kết quả nhưng chính trong quá trình thực hiện lại nảy sinh những bất cập. Cách đây khoảng 5 năm, một số xã đã sử dụng những biện pháp mạnh đối với những hộ đưa giống này vào sản xuất như không bơm nước, không ra lịch thời vụ, dùng bừa phá nát đám mạ của người dân, có hình thức kỷ luật đối với đảng viên không thực hiện đúng chủ trương. Tuy nhiên, những biện pháp này đã không có hiệu quả, lại còn gây tâm lý bất bình trong nhân dân bởi vi phạm quyền dân chủ.
Để vận động nhân dân xóa bỏ giống lúa IR1820, một biện pháp mang tính thực tiễn là xây dựng các mô hình thử nghiệm các giống lúa mới có năng suất và giá trị cao. Từ đây, người dân thấy hiệu quả thì họ tự khắc từ bỏ giống cũ để dùng giống mới. Nhiều xã đã thực hiện nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa làm người dân thỏa mãn. Trong những năm vừa qua, việc tuyên truyền về các giống mới có chất lượng cao, xây dựng các mô hình để thuyết phục người dân làm theo là chưa tốt và còn nhiều bất cập. Để khắc phục hạn chế đó thì cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để tiếp tục khảo nghiệm và trình diễn các giống lúa có năng suất cao, giá trị lớn phù hợp với tập quán gieo cấy của người dân ở nhiều quy mô khác nhau. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thì cần đầu tư để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, chất lượng cao và khuyến khích ký kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Ông Từ Trọng Kim, Trưởng phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT tỉnh nêu quan điểm khác: Chủ trương của tỉnh và ngành Nông nghiệp là hạn chế dần và đi đến thanh toán giống lúa dài ngày IR1820 chứ không phải là cấm. Địa phương nào cấm là sai vì giống này vẫn đang nằm trong danh mục giống quốc gia nên người dân vẫn có quyền sử dụng. Ông Kim cũng nhấn mạnh rằng, để thực hiện được chủ trương này một cách có hiệu quả thì cái quan trọng là phải làm cho dân hiểu, từ đó dân sẽ làm theo.
Muốn hay không, giống lúa IR1820 phải được sớm loại bỏ trên đồng ruộng tỉnh nhà. Tuy nhiên để việc “chuyển giao” giữa cũ và mới đạt được kết quả như mong muốn, thì cùng với giải quyết được những vấn đề nêu trên, cần có sự đổi mới trong phương pháp chỉ đạo theo hướng bám sát hơn với yêu cầu thực tiễn của thị trường. Cần phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát đầy đủ về điều kiện canh tác của từng địa phương, từng tiểu vùng để đầu tư đồng bộ các điều kiện cần thiết, làm cơ sở đảm bảo cho việc tiếp nhận phương thức sản xuất mới. Cần phải tổ chức tuyên truyền, vận động và chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu, tránh để sự việc đã rồi như những năm qua.
Phạm Bằng