Chưa áp giá trần, doanh nghiệp sữa đã tung chiêu lách luật?

13/05/2014 18:47

Hiện chưa hãng sữa nào giảm giá, có công ty còn giảm trọng lượng hộp sữa nhưng giá không giảm, thậm chí còn tăng.

Với biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ sớm đưa mặt hàng này giảm giá và dần bình ổn. Tuy nhiên, trong khi việc áp trần giá sữa chưa được thực hiện, thì một số doanh nghiệp sữa rục rịch ra sản phẩm mới, thay đổi mẫu mã, giảm trọng lượng... Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước việc doanh nghiệp lách luật khi buộc phải thực hiện áp giá trần.

Nhân viên cửa hàng sữa trên phố Ngọc Lâm, Long Biên

Mặc dù giá một hộp sữa Pedia Sure B/A 900g của Abbort không rẻ nhưng hơn 1 năm nay, chị Lê Phương Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn cố gắng dành một khoản để mua cho con uống. Trước thông tin sắp tới sản phẩm này sẽ được hãng Abbort ra mẫu mới, với trọng lượng chỉ còn 850g, tuy nhiên giá vẫn cao, chị Lê Phương Ninh nói: “Thấy công ty sữa đã có chiêu trò là giảm trọng lượng sữa, như sữa Abbort giảm từ 900 xuống 850g. Nếu giá sữa có tăng thì bố mẹ cũng phải cố gắng để mua sữa cho cháu.”

Bộ Tài chính đang quyết tâm thực hiện biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhằm giảm giá và bình ổn thị trường sữa. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, tại các cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Tây Sơn (Đống Đa), Đội Cấn (Ba Đình), Ngọc Lâm (Long Biên)... cho thấy, chưa hãng sữa nào giảm giá bán. Tất cả mặt hàng vẫn bán theo giá đợt tăng từ sau Tết.

Cụ thể, hộp Dielac Alpha bước 1 (dành cho bé từ 0-6 tháng tuổi) loại 900g vẫn được bán ở mức 235-239 nghìn đồng. Hộp Dielac Alpha 123 từ 208-210 nghìn đồng/hộp 900gr. Sữa Friso Gold 1 488g có giá hơn 480 nghìn đồng/hộp. Sữa Meiji Gold1 900g có giá 460 nghìn đồng/hộp. Thậm chí, vẫn có doanh nghiệp “đòi” tăng thêm. Cụ thể là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A đề nghị tăng giá bán sữa khoảng 5% đối với sữa Abbott và không được Bộ Tài chính chấp thuận đề nghị này.

Chị Nguyễn Thu Hải, chủ cửa hàng sữa trên phố Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Cửa hàng tôi chưa thấy các công ty sữa nào thông báo về kế hoạch điều chỉnh giảm giá. Mới đây, Abbort thông báo về việc thay đổi trọng lượng từ 900g xuống 850g, nhưng giá bán không đổi, thậm chí còn tăng. Đợt này, khách đến mua sữa này khá nhiều nhưng chủ yếu là mua mẫu cũ.”

Theo các chuyên gia kinh tế, trước áp lực sử dụng giá tối đa cho các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, không ngoại trừ trường hợp các doanh nghiệp sữa lại tìm cách lách luật bằng việc đổi mẫu mã rồi đẩy giá sản phẩm, hoặc giảm trọng lượng để không phải xin phép khi tăng giá. Về cơ bản, với những chiêu trò này, doanh nghiệp vẫn giữ được lợi nhuận cao và phần thiệt thòi vẫn thuộc về người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: “Trước áp lực áp giá trần nhiều doanh nghiệp có thể có nhiều chiêu đối phó. Trong đó, chiêu quen thuộc là giảm trọng lượng. Nhà nước không can thiệp quá sâu vào chuyện buộc họ phải đóng gói bao nhiêu, vấn đề là kiểm tra bám sát được giá bán và trọng lượng để đảm bảo giá trần được áp đúng nguyên tắc, giá đảm bảo áp theo chuẩn chung phải tính theo trọng lượng và chất lượng cụ thể. Nhiệm vụ của cơ quan chức năng là cần kiểm tra chặt chẽ, nhận diện và ngăn chặn tiêu cực, đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước.”

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính mới chỉ đưa ra chủ trương mà chưa có thông tin cụ thể về việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện như thế nào. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, việc áp giá trần đối với sữa cũng cần phải cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng mới có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, ngay cả khi giá trần được áp dụng vẫn cần phải tăng cường thanh tra đối với những hoạt động, hành vi sai phạm, chế tài xử phạt cũng phải thật sự nghiêm và công bố rõ ràng. Có như vậy mới kiềm chế được việc tăng giá sữa liên tục, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng./.

Theo vov

Mới nhất

x
Chưa áp giá trần, doanh nghiệp sữa đã tung chiêu lách luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO