Chưa có lời giải

26/08/2012 16:26

Tỉnh ta có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng nên thu hút sự quan tâm của rất nhiều đối tượng trong xã hội vì lợi nhuận từ việc khai thác nguồn tài nguyên này rất lớn.  Nhưng cũng chính vì vậy đã nảy sinh nhiều vấn đề trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh trật tự… đòi hỏi phải có một lời giải thật thấu đáo.

(Baonghean) - Tỉnh ta có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng nên thu hút sự quan tâm của rất nhiều đối tượng trong xã hội vì lợi nhuận từ việc khai thác nguồn tài nguyên này rất lớn. Nhưng cũng chính vì vậy đã nảy sinh nhiều vấn đề trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh trật tự… đòi hỏi phải có một lời giải thật thấu đáo.

Lộn xộn trong khai thác

Tình trạng người dân lén lút khai thác vàng ở khu vực miền Tây Nghệ An đã diễn ra nhiều năm nay, mặc dù nhiều cơ quan, ban, ngành đã có kiểm tra, kiểm soát nhưng do cuộc sống mưu sinh nên người dân vẫn “bất chấp” chủ trương, quy định Nhà nước để tiến hành khai thác. Và hậu quả của việc khai thác trái phép, bất hợp lý dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Cụ thể vào ngày 1/5 tại bản Đình Hương, xã Tam Đình, huyện Tương Dương đã xẩy ra vụ sập hầm vàng chôn vùi 5 phu vàng, mới đây nhất là vào ngày 17/7 trên địa bàn xã Nga My cũng thuộc huyện Tương Dương, một vụ sập hầm vàng xảy ra khi hơn 10 người đang đục khoét tìm vàng sa khoáng, hậu quả làm 3 người chết và 7 người bị thương.

Như vậy, ngoài các đơn vị có giấy phép trong việc khai thác vàng sa khoáng ở miền Tây xứ Nghệ thì vẫn còn đó việc nhiều người dân cũng “tranh thủ” mót vàng để kiếm ngày dăm ba chục ngàn, mà hậu quả đã được báo trước. Theo ông Lô Hoài Thơm – Chủ tịch UBND xã Yên Na (Tương Dương) cho biết: “Tình trạng khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn còn nhiều, việc người dân tham gia đào bới tìm mót vàng vẫn còn xảy ra, nguyên nhân cũng do không có việc làm, người dân phải tranh thủ đi đào vàng để kiếm tiền”. Cũng theo ông Thơm, hiện diện tích ruộng nước của xã có 36 ha, có 929 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm 81%. Không thua kém huyện Tương Dương, ở nhiều nơi như xã Bình Chuẩn, Môn Sơn, Châu Khê… (Con Cuông), xã Cắm Muộn (Quế Phong), xã Châu Phong (Quỳ Châu)… việc khai thác vàng lén lút của người dân vẫn đang còn, nguy cơ tai nạn vẫn đang rình rập.

Chúng tôi đến khu vực Thung Hung, nơi có diện tích 80 ha đã được chính quyền địa phương các cấp giao cho hộ ông Lữ Đình Chín ở xóm 9, xã Châu Tiến (Quỳ Hợp) năm 1998. Trên diện tích này đã được xác định chủ sở hữu và sử dụng vào mục đích là sản xuất nông lâm kết hợp. Ông Chín cũng đã xây dựng nhà sàn trong khu vực này để tính kế dài lâu. Tuy nhiên, mọi dự định bị tiêu tan khi có doanh nghiệp Hà Cương vào khai thác quặng ngay trong diện tích trang trại mà trước đó ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Được biết doanh nghiệp tư nhân Hà Cương cũng đã được cấp mỏ chồng vào khu vực này với diện tích 8 ha. Ông Lữ Đình Chín cho biết: Những năm trước thì còn trồng được lúa, tạo việc làm cho con cháu nhưng sau thì doanh nghiệp vào khai thác đổ đất, bùn lấp hết.

Theo đánh giá chưa đầy đủ của lực lượng kiểm soát liên ngành thì hiện nay có tới 7 điểm mỏ khá phức tạp trong công tác quản lý. Do khai thác kiểu hầm lò nên các đơn vị tranh giành nhau mở các cửa hầm, tranh chấp ở trong lòng núi rất khó kiểm soát.

Rời Thung Hung, chúng tôi đến hiện trường vụ sạt lở núi Phá Líu thuộc điểm mỏ Thung Lùn ở xã Châu Hồng (Quỳ Hợp). Cách đây không lâu, điểm mỏ này bị sạt núi do khi khai thác lòng núi bị khoét sâu nên khi có mưa, hàng nghìn m3 đất, đá lở xuống lấp mất cửa hầm khai thác và lán trại công nhân. Ông Nguyễn Văn Thống – cán bộ Sở tài nguyên - Môi trường, thuộc đoàn kiểm tra liên ngành số 2, cho biết: “Tại điểm khai thác Phá Líu, chúng tôi đã xử phạt, cảnh báo với doanh nghiệp và điều cảnh báo đó đã đúng vì nó bị sập cách đây không lâu, đè hết lán trại của công nhân nhưng may không có thương vong”.

Sự mất an toàn tại điểm khai thác bởi ở núi Phá Líu có diện tích 18 ha do 5 đơn vị khai thác là công ty Đức Chính, Công ty Ngoan Cường, Trung Hải, Tân Hoàng Khang và công ty Duyên Hoàng. Cả 5 công ty đều khai thác quặng thiếc bằng công nghệ hầm lò kết hợp với khoan nổ mìn. Do diện tích hẹp, vị trí khai thác trong lòng núi theo vỉa quặng, nên các đơn vị đều mở các cửa hầm theo nhiều hướng khác nhau, dẫn đến khó xác định đơn vị nào đang khai thác ở đâu. Thậm chí tại một trong những hầm khai thác của công ty Tân Hoàng Khang, hầm chỉ được chống đỡ bằng mấy cây gỗ mục và cũng chỉ chống đỡ được vài chục mét phía ngoài cửa hầm. Theo quan sát của chúng tôi, do người lao động vừa đào quặng theo vỉa, lại vừa nổ mìn nên hầm lò khai thác xuất hiện rất nhiều vết nứt hở, đứt gãy. Càng đi sâu vào hầm khai thác thì nguy cơ bị kẹt lại càng cao.

Khai thác mỏ ở điểm núi Phá Líu là điển hình cho tình trạng không an toàn trong khai thác mỏ tại Quỳ Hợp cả ở doanh nghiệp được cấp phép hay khai thác thổ phỉ. Hầu hết các điểm mỏ khi thực hiện khai thác, các chủ mỏ và người lao động không triển khai đúng quy trình kỹ thuật, dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ lớn nhất là sập hầm, không bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động.



Sử dụng tàu cuốc để khai thác vàng là nguyên nhân chính làm cho dòng sông, khe, suối bị bẩn đục. Ảnh: Bắc Vũ.

Theo thống kê mới đây nhất của Đoàn kiểm tra liên ngành số 2, địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện nay có hơn 50 điểm khai thác kiểu hầm lò, thu hút hơn 1.000 lao động hoạt động ngày đêm trong lòng núi. Các điểm hầm khai thác tập trung chủ yếu tại các điểm Phá Líu, Thung Lùn, Thung Bốn, xã Châu Hồng, khu vực Vách lộ 34, đình núi Bù Lan Toong thuộc địa phận Suối Bắc, Châu Thành, Châu Tiến, Bắc Sơn, Nam Sơn và Châu Lý. Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 cho biết: Do khai thác sai quy trình, sai thiết kế cộng với việc nổ mìn trong lòng núi của nhiều đơn vị ở các vị trí gần nhau, không xác định được vị trí của nhau, nên nổ mìn dẫn đến cộng hưởng mang tính cơ học và làm đứt gãy lòng núi, luôn trong tình trạng nguy hiểm.

Dân vẫn nghèo trên “vương quốc” khoáng sản

Việc khai thác theo công nghệ hầm lò bừa bãi, tuyển quặng kiểu bắn tỉa đất đá không chỉ mất an toàn lao động mà còn gây ra hậu quả nặng nề về môi trường sống, sinh kế của người dân bản địa. Nhiều diện tích lúa nước của người dân cũng đang dần bị mất đi do bùn thải. Cuộc sống đói nghèo đang dần biến nhiều người dân trở nên túng quẫn. Xã Châu Thành chỉ có 177 ha ruộng bậc thang chia đều cho 9 xóm, bản. Số ruộng nước này đã góp phần bảo đảm lương thực cho người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Năm 2007, hầu hết diện tích ruộng của 2/9 xóm, bản là xóm Tiến Thành và Bản Cô buộc phải nhường chỗ cho Công ty kim loại màu Nghệ Tĩnh khai thác quặng thiếc. Trên thực tế, người dân cũng đã được bồi thường và hỗ trợ một lần. Hộ ít diện tích thì cũng được bồi thường vài triệu đồng, hộ có diện tích bị thu hồi nhiều cũng được vài chục triệu đồng.

Mất ruộng từ nhiều năm nay, cuộc sống của gia đình bà Vi Thị Thống và ông Lương Văn Hiền ở xóm Tiến Thành cùng con cái gặp nhiều cơ cực. Quanh năm lên núi kiếm củi, măng và trồng sắn vào bất cứ chỗ nào có thể trồng được để lấy cái ăn. Cái mong muốn lớn nhất của gia đình bà hiện nay là làm sao có được ruộng sản xuất để thoát cảnh nghèo đói. Bà Vi Thị Thống ở xóm Tiến Thành, xã Châu Thành (Quỳ Hợp) chia sẻ: Trước đây có ruộng thì còn có lúa mà ăn, giờ không có ruộng nữa, không biết làm chi mà sống; lên rừng chặt gỗ thì không được phép mà khai thác thiếc thì cũng bị cấm, lại ô nhiễm. Đang sức lao động nhưng anh Lương Văn Thắng ở xóm Tiến Thành, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp cũng bị mất ruộng, nên hàng ngày ngoài việc bươn chải kiếm tôm cá thì anh Thắng cũng chỉ còn biết chăm mấy chục m2 khoai sọ trước vườn nhà. Anh Thắng cho biết: Khi có ruộng thì còn có gạo mà ăn theo mùa, giờ không có ruộng nên chẳng có gì cả. Năm nay tôi lên làm rẫy rồi, biết làm sao được. Xã Châu Thành trước đây tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 40%, nhưng từ khi người dân 2 xóm bị mất ruộng, năm 2011, toàn xã đã tăng lên 51% hộ nghèo. Hiện nay, những hộ còn ruộng nước thì họ đang gặt vụ mùa. Lúa năm nay khá năng suất, nhiều người dân xã Châu Thành có được niềm vui bội thu. Chỉ có nỗi buồn là đọng lại trong mắt những người dân mất ruộng như chị Thống, anh Thắng. Họ rất khao khát được như người làm nông có ruộng, vất vả nhưng vui cái bụng khi thu hoạch lúa.

Xem ra bài toán lợi ích trong công tác khai thác khoáng sản ở Nghệ An vẫn chưa có lời giải khi mà người dân sống trên tài nguyên thiên nhiên nghèo vẫn hoàn nghèo. Vả lại lợi ích từ việc khai thác khoáng sản cũng không thấy đâu ở những bản làng này!


Trịnh Viên - Bắc Vũ

Mới nhất
x
Chưa có lời giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO