'Chưa thể bỏ Tết cổ truyền'

(Baonghean) - Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất nhập Tết cổ truyền với Tết dương lịch, hạn chế tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các thông lệ quốc tế, nhất là khi nước ta ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Tuy nhiên, ý kiến này chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Làm gì để vừa giữ được văn hóa truyền thống, vừa đón Tết vui vẻ, đầm ấm mà vẫn đáp ứng nhu cầu thay đổi của cuộc sống mới. Nhân Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017, CTV Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS-TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Bộ VH - TT và DL. 

PGS-TS Lương Hồng Quang
PGS-TS Lương Hồng Quang

- Thưa PGS - Tiến sĩ Lương Hồng Quang!  Trong 12 con giáp thì hình tượng con Gà gợi nên sự sung túc, đủ đầy, thịnh vượng. Ông có dự cảm gì về những điều tốt đẹp ấy sẽ đến với đất nước ta trong năm con Gà này?

PGS-TS Lương Hồng Quang:  Con gà là vật nuôi đã được thuần dưỡng rất lâu trong lịch sử và nó trở thành một biểu tượng văn hóa ở phương Tây, phương Đông, trong đó có Việt Nam. Con gà thể hiện được đức tính cần cù, sự linh hoạt, sức khỏe, đủ đầy. Với một vật linh như vậy, người ta luôn luôn cầu chúc cho năm nay là một năm phát triển của đất nước mình.

Việt Nam không những là một đất nước có truyền thống trong lịch sử mà trong hiện tại cũng sẽ sánh vai với các nước phát triển. Một đất nước đang có hy vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa, mong làm bạn bè với tất cả năm châu bốn biển. Trong một năm có sự hòa hợp của vật linh, hy vọng năm nay là năm tốt đẹp cho đất nước.

Có hai điểm mà tôi thấy rất tâm đắc, một là quá trình dân chủ hóa mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước mà đã trở thành nhu cầu của đời sống xã hội, của mỗi cá nhân. Đó là con đường tất yếu. Thứ 2 là quá trình hội nhập quốc tế. Chính quá trình hội nhập quốc tế mình mới biết mình phát triển ở mức độ nào, mình có những gì cần bổ khuyết, cần đi lên, cần học hỏi. Chính 2 điều đó là nền tảng để kinh tế xã hội trong năm tới phát triển tốt đẹp hơn.

- Nói về Tết cổ truyền, phải chăng bây giờ cuộc sống đã khá hơn, nên một số gia đình ăn Tết cũng cầu kỳ hơn, lễ mễ hơn khiến một bộ phận trong giới trẻ xem Tết như là cái gì đó nặng nề, cầu kỳ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS-TS Lương Hồng Quang: Trong một xã hội phát triển thì sự phân hóa thành các nhóm xã hội có những văn hóa khác nhau, sở thích khác nhau, nhu cầu khác nhau là bình thường. Trên nền tảng Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi một nhóm xã hội, mỗi một cá nhân có cách lựa chọn riêng của mình để cúng ông bà tổ tiên mình, để kính cha, kính mẹ, kính thầy, để giao đãi bạn bè.

Tất cả những cái đó, tôi nghĩ nó sẽ dẫn đến các xu hướng ứng xử với Tết khác nhau. Nhưng nhìn chung tôi vẫn thấy người ta xem Tết là dịp cần thiết. Có chăng, hiện nay người ta thấy rằng trong quá trình hội nhập quốc tế, thời khắc mà chúng ta tổ chức Tết có những điểm gây tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ví dụ tại các khu công nghiệp, trước Tết, sau Tết, mất khoảng 1 tháng, công nhân (vốn là nông dân ở các vùng) người ta về trước, sau đó người ta lại không lên, coi như là các khu công nghiệp người ta mất hẳn 1 tháng. Các cơ quan công quyền cũng 7- 8 ngày nghỉ.

Tất cả những điều đó thì chúng ta phải có một cách nhìn nhận thực tiễn hơn, để phù hợp với đời sống quốc tế. Ví dụ ở bên Thẩm Quyến (Trung Quốc) người ta làm 24/24h, đấy là Đặc khu kinh tế, họ không thể nhân danh Tết cổ truyền, không thể nhân danh giờ làm của người lao động Trung Quốc. Do đó người ta thiết lập các ca, kíp làm 24/24h để thông thương với quốc tế. Đối với mình cũng thế, mình phải nghĩ cách nào đó cho phù hợp.

Điều đó không có nghĩa là tôi kêu gọi xóa bỏ Tết cổ truyền. Đấy là một quá trình lâu dài, chúng ta cần sự thương thảo trong xã hội. Tôi thì cho rằng cần sự cân đối. Tết là dịp để thể hiện rõ cân đối giữa truyền thống và hiện đại.

Có những yếu tố truyền thống trước thì rất là tốt, nhưng trong thời hiện đại nó lại không thích hợp. Mình phải nghĩ cách nào đó. Có phải Tết cổ truyền của chúng ta dài quá không? 7, 8, 9 ngày. Sau đó theo một quán tính là hết rằm tháng Giêng. Đặc biệt tại khu vực phía Bắc.

- Có một thực tế là gần đây, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhiều gia đình trẻ thường tổ chức những chuyến tham quan du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Cũng có ý kiến cho rằng những người này không quan tâm đến tổ tiên, gia đình, sống ích kỷ. Ông thấy thế nào? 

PGS-TS Lương Hồng Quang: Tôi cho rằng tỷ lệ đi du lịch cũng không phải là lớn. Việc họ đi du lịch trong dịp Tết tôi nghĩ đấy là lựa chọn của một nhóm xã hội hiện nay đang nhỏ. Nhưng trước đó họ đã phải làm những việc của Tết rồi. Trong Tết họ cũng có thể chúc nhau qua online, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Sau khi về họ lại có những dịp sum họp. Đây là sự phát triển đa dạng và tỷ lệ ấy sẽ ngày càng tăng.

Tôi nghĩ rằng trong cuộc đời của họ, không phải họ đi du lịch mãi được. Nên chỗ này cũng không nên quy chụp, không nên nặng nề cho rằng đó là xa rời tổ tiên, xa rời truyền thống. Tôi nghĩ rằng đấy là cách ứng xử mới trong bối cảnh mới.

- Có thể chưa phải là tất cả, nhưng đây đó trên báo chí, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết, nhiều status nói về nỗi sợ Tết của những nàng dâu thành phố. Theo ông thì tình trạng này cần phải được nhìn nhận như thế nào?

PGS-TS Lương Hồng Quang: Tôi nghĩ là cuộc sống tự điều chỉnh. Hiện nay đối với khu vực đô thị ngày Tết việc ăn uống không phải là việc trọng nữa, từ đó các nàng dâu, hoặc người con gái trong gia đình cũng không phải nặng nề lắm. Nhưng ở khu vực nông thôn thì đấy cũng là một vấn đề.

Ở khu vực nông thôn, đặc biệt khi có sự gia tăng mức sống thì người ta lại cố gắng củng cố lại các giá trị truyền thống thông qua các nghi lễ trong ngày Tết,  trong đó có việc là phải làm cỗ rất là nhiều. Đến đâu cũng ăn, cũng uống, cũng chúc tụng nhau rượu bia, cái đấy là một gánh nặng với phụ nữ. Đấy là cái mà chúng tôi nghĩ rằng cần có cuộc cách mạng về lối sống, cách sống.

Nhìn từ góc độ hiện đại, các nghi lễ với ông bà cũng rất quan trọng nhưng trong truyền thống người ta cũng không đặt ra chuyện là phải mâm cao, cỗ đầy, lúc nào cũng phải cúng, lúc nào cũng phải là vật lễ cúng mới. Điều đó nó làm cho một là tốn thời gian, hai là các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu tốn tài chính.

Tất cả những cái đấy chúng ta phải cân đối giữa nghi lễ và tính đời thường. Để làm sao, chúng ta vẫn duy trì được nghi lễ nhưng vẫn bảo đảm được sự tiện nghi, tiện dụng của đời sống hàng ngày, để tránh việc bây giờ đi đến đâu ở nông thôn cũng ăn, cũng uống, cũng chúc tụng nhau, sau đó lại đi xe máy. Tất cả những điều đó thực sự là mối nguy hiểm cho xã hội, nguy hiểm cho chính bản thân họ.

Gia đình nhiều thế hệ sum vầy trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Gia đình nhiều thế hệ sum vầy trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

- Vậy giữa 2 luồng ý kiến: Một là bỏ Tết âm lịch hoặc nhập Tết âm lịch với Tết dương lịch; Ý kiến thứ hai là cần có một sự điều chỉnh nhất định để Tết Nguyên đán không mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó trong đời sống. Ý kiến của ông thì thế nào?

PGS-TS Lương Hồng Quang: Về cơ bản cá nhân tôi thấy rằng cần sự điều chỉnh để đảm bảo làm sao chúng ta hội nhập quốc tế. Đây là bài học của Nhật, Nhật cũng tiến hành cuộc vận động xã hội trong mấy chục năm mới làm được điều đó. Trung Quốc cũng đang bắt đầu thảo luận câu chuyện này. Triều Tiên cơ bản họ đi theo Tết dương lịch.

Hiện nay tôi nghĩ là cần phải có thời gian, phải có những cuộc vận động xã hội. Hơn nữa bản thân văn hóa cũng không thể duy ý chí, chủ quan được, mà phải có thời gian, phải có một sự vận động. Ba bốn chục năm nữa thì những thế hệ chủ nhân mới, những người mang tư tưởng mới, nếp sống mới, cách suy nghĩ mới, thì họ sẽ có những quyết định vấn đề này.

Rõ ràng hiện nay chúng ta thấy rằng Tết cổ truyền đứng ở góc độ bảo tồn các giá trị văn hóa, bản sắc rất tốt, nhưng đứng ở phương diện khác như hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thì có những độ chênh của nó. Làm sao bây giờ có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Chúng ta cần những thảo luận như vậy, tiến tới sự đồng thuận xã hội, và tôi nghĩ đây là câu chuyện lâu dài. Còn ngay bây giờ bảo bỏ Tết cổ truyền, tin chắc đa phần không nhất trí.

- Cảm ơn ông. Chúc ông có một cái Tết thật ý nghĩa cùng gia đình!

 Vân Thiêng

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.