Chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Sỹ Thành 18/03/2022 15:05

(Baonghean.vn) - Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một sự kiện chính trị lớn, được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Nghệ An đưa vào chương trình công tác chỉ đạo về kỷ niệm các vị tiền bối cách mạng của Đảng năm 2022.

Sáng nay 18/3, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo ngày lễ lớn của tỉnh do đồng chí Phạm Ngọc Cảnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, cùng các thành viên đại diện Sở Văn hóa - Thể thao, phòng chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Hưng Nguyên và các ngành có liên quan để phối hợp, nắm tình hình, rà soát các công việc chuẩn bị tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức các hoạt động kỷ niệm 120 ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (06/9/1902 - 06/9/2022).

Đoàn công tác dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông
Đoàn công tác dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông, Hưng Nguyên. Ảnh: Sỹ Thành

Sau khi đi khảo sát thực tế, đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc, nghe lãnh đạo huyện Hưng Nguyên báo cáo nội dung công việc đã tiến hành theo sự phân cấp, đồng thời nêu những đề xuất kiến nghị để tỉnh tháo gỡ, giải quyết trong quá trình thực hiện.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Ngọc Cảnh nhấn mạnh, lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một sự kiện chính trị lớn, được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Nghệ An đưa vào chương trình công tác chỉ đạo về kỷ niệm các vị tiền bối cách mạng của Đảng năm 2022.

Đoàn công tác làm việc với Thường trực Huyện ủy và các ngành có liên quan
Đoàn công tác làm việc với Thường trực Huyện ủy Hưng Nguyên và các ngành có liên quan. Ảnh: Sỹ Thành

Do vậy, để chuẩn bị tham mưu các nội dung liên quan cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai các hoạt động kỷ niệm thành công tốt đẹp, trong thời gian tới đề nghị lãnh đạo huyện Hưng Nguyên và các ngành có liên quan phối hợp, rà soát và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các công việc được phân công, phụ trách, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng quê hương cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1923, đồng chí Lê Hồng Phong cùng người bạn thân là đồng chí Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Kể từ đó đồng chí Lê Hồng Phong quyết tâm đi theo con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Sau cao trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931), do sự khủng bố dã man và tàn bạo của thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn và tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, tháng 11-1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong về nước để lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí tiến hành Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước (lúc đó gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng). Ban Chỉ huy ở ngoài có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập là Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Ban Chỉ huy ở ngoài đã chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935. Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, một số văn kiện quan trọng khác và bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 Ủy viên do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu.

Cuối năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Moscow (Liên Xô) từ ngày 25/7 đến ngày 25/8/1935. Đồng chí đã trình bày một bản báo cáo quan trọng về cuộc đấu tranh của các dân tộc ở Đông Dương và đã được Đại hội đánh giá cao. Đại hội đã thông qua quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, bao gồm các hình thức đấu tranh, hình thức hoạt động phong phú từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, bán công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, nhằm mục đích "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển", chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào 1936 - 1939.

Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng. Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23/12/1939 chúng đưa Đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/01/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết đồng chí Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 06/9/1942 sau khi đã nhắn lại "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Bốn mươi tuổi đời, hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân.

Theo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Copy Link
Chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO