Chuẩn hóa công tác lập kế hoạch cấp xã
(Baonghean) - Để nâng cao năng lực thể chế cấp xã, UBND tỉnh đã có Quyết định số 881/QĐ-UBND (ngày 7/3/2014) “Ban hành Quy định về công tác lập, thực hiện và theo dõi đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đây được xem là cơ sở quan trọng nhằm từng bước chuẩn hóa công tác lập kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.
Bản quy định về công tác lập, thực hiện và theo dõi đánh giá kế hoạch (gọi tắt là công tác lập kế hoạch) phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ban hành dựa trên những đúc kết mô hình thí điểm ở một số huyện trong vòng hơn 3 năm qua. Với sự giúp đỡ của các tổ chức Oxfam Hồng Kông, dự án PORIS (Bỉ), dự án Vie028, tổ chức SNV (Hà Lan), Dự án Phát triển Nông thôn miền Tây Nghệ An do chính phủ Luxemburg tài trợ và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh khác, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những quy định lập kế hoạch cấp xã, triển khai rộng khắp ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Nghệ An.
Kiểm tra lạc xuân ở Diễn Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Trần Cảnh Yên |
Là người có nhiều năm điều hành “dự án giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế” (PORIS-Bỉ) tại huyện Quỳ Châu, ông Vi Văn Thắng - thành viên Ban điều phối dự án đánh giá cao bản quy định lập kế hoạch cấp xã của UBND tỉnh. Theo ông Thắng: “Đây là cơ sở quan trọng để huyện Quỳ Châu phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện thí điểm nâng cao năng lực thể chế cấp xã trong 3 năm qua; đồng thời, mở rộng ứng dụng, triển khai khắp các xã trên địa bàn tỉnh. Bởi lâu nay, với sự hỗ trợ của dự án PORIS, chúng ta đang ở mức độ thí điểm, nhiều xã triển khai cầm chừng, chưa thực sự chú trọng lập kế hoạch hàng năm như một nhiệm vụ. Vì thế, quy định của tỉnh khẳng định hướng đi tích cực trong nâng cao công tác lập kế hoạch cấp xã…”.
Xây dựng công trình phúc lợi ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyên Nguyên |
Quyết định 881 của UBND tỉnh cũng đã quy định cụ thể các nguyên tắc trong công tác lập, thực hiện và theo dõi đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã. Theo đó, việc lập kế hoạch phải đảm bảo các yếu tố: phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thành phố, thị xã và các kế hoạch phát triển khác của Nhà nước; đảm bảo sự tham gia dân chủ, công khai, minh bạch; đảm bảo tính khả thi và các nguồn lực để thực hiện; phát huy được nội lực của nhân dân trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác; kết hợp giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng và phát triển bền vững.
Để lập bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, UBND các xã phải đứng ra chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tại địa phương chỉ đạo triển khai lập kế hoạch, tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến tham gia từ thôn xóm, người dân, hoàn chỉnh bản dự thảo kế hoạch và trình HĐND xã thông qua. Ngay sau khi ban hành bản kế hoạch, các xã phải tổ chức thực hiện, theo dõi đánh giá sát thực để có thể điều chỉnh phù hợp giữa yêu cầu nhiệm vụ và thực tế ở địa phương. Quá trình đó, xã tiếp tục thu thập thông tin, áp dụng các chỉ số quy định để đánh giá tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch. Việc theo dõi thường xuyên giúp phát hiện các vấn đề cần được giải quyết một cách kịp thời, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, việc phát huy vai trò giám sát của người dân là một yếu tố quan trọng, từ đó, lãnh đạo xã có thể đối chiếu, đánh giá được các hoạt động đang tiến hành trên địa bàn có đáp ứng với mục tiêu đề ra hay không.
Qua trao đổi, bà Võ Thị Minh Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các huyện để xây dựng chương trình hành động, tổ chức tập huấn cho các xã theo quyết định của UBND tỉnh về công tác lập kế hoạch. Việc cần thiết là các huyện, thành, thị xã đến các phường, xã, thị trấn và thôn, xóm phải thành lập hoặc kiện toàn “tổ xây dựng kế hoạch”. Theo quy định, tổ xây dựng kế hoạch cấp thôn, xóm, bản, khu phố do Trưởng thôn thành lập hoặc kiện toàn có từ 3 đến 5 thành viên, bao gồm: tổ xây dựng kế hoạch xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) do Chủ tịch UBND xã ra quyết định thành lập hoặc kiện toàn có từ 7 đến 9 thành viên và tổ xây dựng kế hoạch huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là huyện) do Chủ tịch UBND huyện thành lập hoặc kiện toàn và trực tiếp chỉ đạo có từ 9 đến 12 thành viên.
Các thành viên tham gia phải đảm bảo có cán bộ các ngành, phòng ban, đoàn thể. Trong đó, tổ xây dựng kế hoạch xã có nhiệm vụ tổ chức xây dựng kế hoạch xã; hỗ trợ, đôn đốc việc xây dựng đề xuất kế hoạch thôn, xóm và thu thập thông tin từ các ban ngành, đoàn thể và các đơn vị khác trong xã phục vụ công tác lập tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã...”.
Việc đổi mới công tác lập kế hoạch được thực hiện theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân và điều chỉnh hài hòa định hướng phát triển của cấp trên với nhu cầu của cộng đồng ở xã là giải pháp khắc phục những hạn chế trong lập kế hoạch mang tính chung chung từ trước tới nay. Cùng đó, công tác kế hoạch được gắn với quy trình lập dự toán ngân sách hàng năm phù hợp với nguồn vốn cũng như thực tế ở địa phương. Đặc biệt, quá trình lập kế hoạch đã chú trọng huy động trí tuệ, công sức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để cùng với nguồn lực đầu tư công và lồng ghép các chương trình, dự án thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các xã, phường, thị trấn.
Nguyên Nguyên